Cơ sở y tế tuyệt đối không đưa người thân vào danh sách tiêm chủng

06/03/2021 - 11:09

PNO - “Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp”, lãnh đạo Bộ Y tế nói.

 

21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ tiêm chủng cho cán bộ nhân viên y tế trong đợt này (ảnh minh họa)
21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ tiêm chủng cho cán bộ nhân viên y tế trong đợt này (ảnh minh họa)

Sáng 6/3, tại Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, trong đợt đầu, nhân viên y tế tại 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt này sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ông đề nghị các bệnh viện thành lập ban chỉ đạo về việc thực hiện tiêm chủng, lên danh sách cụ thể, phân công, phân nhiệm cho các thành viên.

“Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp” – PGS Khuê nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho hay, bản thân các chuyên gia ở Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19) cũng sẵn sàng xin không tiêm vắc xin trong đợt đầu để dành ưu tiên cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19. Ông yêu cầu các cơ sở phải làm hết sức nghiêm túc, tránh xảy ra sai sót. 

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được tổ chức tiêm lần này sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên và không có  giới hạn độ tuổi.

Sau khi tiêm chủng, vắc xin này có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có từ 1 – dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm. 

Giống như vắc xin khác đã được sử dụng nhiều năm, vắc xin phòng COVID-19 khi đưa vào cơ thể có thể xảy ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Một số người có thể phản ứng chậm (mẫn muộn) sau tiêm nhưng hiện nay chưa  ghi nhận số liệu từ các tổ chức quốc tế về vấn đề này cũng như các tai biến nặng sau tiêm chủng vắc xin.

Bộ Y tế khuyến cáo tiêm đủ 2 liều vắc xin của AstraZeneca. Nếu tiêm vắc xin khác ngoài AstraZeneca thì cũng phải cách ít nhất 14 ngày, tuy nhiên chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiêm cùng 1 loại vắc xin trong các mũi.

Vắc xin sẽ được tạm hoãn tiêm trong các trường hợp bị mắc bệnh nhiễm trùng, các bệnh mạn tính tiến triển; những người có tiền sử điều trị bằng kháng thể kháng COVID-19 trước đó, chỉ  tiêm sau 90 ngày điều trị. Tiêm vắc xin COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vắc xin phòng bệnh khác.

Sau khi tiêm, người tiêm ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, tiếp tục theo dõi tại nhà sau tiêm chủng; thông báo cho cán bộ y tế khi có bất cứ triệu chứng nào sau tiêm vắc xin và chủ động thông báo trên ứng dụng Hồ sơ sức khỏe. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI