Cơ sở vật chất của Trung tâm Văn hóa TPHCM đang xuống cấp trầm trọng

11/08/2020 - 14:17

PNO - Chưa kể vốn đã chật hẹp, hiện trụ sở còn bị các đơn vị tư nhân chiếm dụng mặt bằng hai bên tại tầng trệt…

Sáng 11/8, Thường trực HĐND TPHCM và Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tiếp tục công tác giám sát tại Trung tâm Văn hóa thành phố về kết quả triển khai thực hiện một số nội dung chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

Theo báo cáo của trung tâm, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Sở Văn hóa - Thể thao, Trung tâm Văn hóa Thành phố đã phát huy những thành quả trong hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn liền với nhiệm vụ phục vụ chính trị của thành phố.

Ông Lê Cao Đạt - Giám đốc Trung tâm Văn hoá TPHCM - trình bày về các tồn tại, khó khăn của đơn vị. Ảnh: Quốc Ngọc
Ông Lê Cao Đạt - Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM - trình bày về các tồn tại, khó khăn của đơn vị - Ảnh: Quốc Ngọc

Bên cạnh các hoạt động lễ hội, trung tâm triển khai các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn, các suất diễn phục vụ công nhân, học sinh… Chủ động tham mưu ban giám đốc sở trong các nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và thường xuyên gắn kết, theo dõi bám sát các hoạt động văn hóa của cơ sở.

Tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trung tâm tập trung công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tại TPHCM sau khi được UNESCO ghi danh loại hình nghệ thuật này là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động chuyên môn hầu hết đều bị ảnh hưởng như: không thể tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An lần thứ 26; Hội diễn nghệ thuật quần chúng Ca khúc cách mạng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Hội diễn nghệ thuật quần chúng Tiếng hát Làng Sen kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hội diễn hợp xướng TPHCM …

Ngoài ra, do còn chờ quyết định sáp nhập với Trung tâm Thông tin triển lãm thành phố theo quyết định của UBND TPHCM, nên hiện tổ chức bộ máy của Trung tâm Văn hóa thành phố chưa ổn định. Lãnh đạo trong ban giám đốc còn khuyết 2 vị trí; 4 phòng chuyên môn không có trưởng hoặc phó trưởng phòng; thiếu viên chức chuyên môn ở một số vị trí công tác như đạo diễn, nhạc sĩ…

Các hoạt động liên hoan, hội diễn do trung tâm tổ chức gặp không ít khó khăn vì chế độ thù lao cho cộng tác viên, diễn viên, nghệ sĩ còn thấp, phụ thuộc vào quy định về tài chính hiện nay đã lạc hậu so với tình hình thực tế. Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức, người lao động thấp, không ổn định, phần nào cũng ảnh hưởng đến đời sống và công tác.

Đặc biệt, qua nhiều năm hoạt động, cơ sở vật chất vẫn chưa đáp được yêu cầu để triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trung tâm.

Trung tâm Văn hóa TPHCM, tức Rạp Olympic trước 1975, nay đã xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu. Ảnh: internet
Trung tâm Văn hóa TPHCM, tức Rạp Olympic trước 1975, nay đã xuống cấp và không đáp ứng nhu cầu - Ảnh: internet

Ngoài phương tiện trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ, không đáp ứng đủ điền kiện cần thiết để tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện trụ sở trung tâm tại số 97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 cũng ngày càng xuống cấp. Chưa kể vốn đã chật hẹp, hiện trụ sở còn bị các đơn vị tư nhân chiếm dụng mặt bằng hai bên tại tầng trệt…

Các tồn tại trên khiến việc tổ chức các hoạt động có thu rất hạn chế vì điều kiện khách quan về cơ sở vật chất, chưa đáp ứng việc thực hiện tốt Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ, chưa xứng tầm là một trung tâm văn hóa của TPHCM.

Phòng Trưng bày nhạc cụ và trang phục dân tộc của trung tâm cũng xuống cấp trầm trọng. Hiện tại cơ sở đang tạm thời ngưng hoạt động chờ cấp trên phê duyệt chủ trương cho phép sửa chữa để đơn vị tiếp tục khai thác và triển khai tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI