Cơ sở mầm non độc lập than đào tạo năm trước, mất người năm sau

22/09/2023 - 17:39

PNO - Tại hội thảo “Thực trạng xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đối với các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức sáng 22/9, nhiều cơ sở mầm non độc lập cho biết gặp khó trong bồi dưỡng giáo viên vì cứ bồi dưỡng xong là họ lại… bỏ đi nơi khác.

“Cứ bồi dưỡng xong… giáo viên lại bỏ đi”

Năm học 2023-2024, quận 7 có 127 cơ sở mầm non, trong đó có 13 trường công lập, 50 trường mầm non tư thục và 57 nhóm lớp mầm non độc lập, tăng 17 cơ sở độc lập. Tổng số trẻ là 14.688 trẻ, trong đó công lập có 6.860 trẻ, tư thục là 5.950 trẻ, nhóm lớp độc lập là 1.878 trẻ. Khoảng 1.700 trẻ là con công nhân đang làm việc trong khu chế xuất Tân Thuận, tập trung ở một số phường lân cận khu chế xuất Tân Thuận (80% trẻ).

Ông Nguyễn Mai nêu thực trạng đơn vị
Ông Nguyễn Mai nêu thực trạng đơn vị

Đại diện Phòng giáo dục và Đào tạo quận 7 thông tin, khó khăn của địa phương là còn một số nhóm lớp độc lập thành lập trước đây nên cơ sở vật chất nhỏ lẻ chưa phù hợp với thông tư mới hiện nay. Một số cơ sở đang có hiện tượng biến tướng quy mô về số lớp, số trẻ so với ban đầu được cấp phép. Ngoài ra đội ngũ giáo viên, quản lý tại các cơ sở mầm non độc lập không ổn định mà biến động thường xuyên. Điều này gây khó khăn trong việc bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại cơ sở.

“Thời gian tới, giáo dục tiếp tục thực hiện 6 cụm chuyên môn, xây dựng mạng lưới chuyên môn quận để hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non công lập hỗ trợ bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm lớp độc lập trên địa bàn quận… Sở GD-ĐT cần tiếp tục tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng cho giáo viên các nhóm lớp độc lập nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”.

Nhìn từ thực tế cơ sở, ông Nguyễn Mai - chủ nhóm trẻ Phượng Hồng, TP Thủ Đức - cho hay, mỗi lần đào tạo giáo viên thì được 1 năm, năm sau giáo viên đó lại bỏ đi chỗ khác, lại phải đào tạo từ đầu, rất khó khăn.

Ông kiến nghị cần có thêm nhiều hội thảo, chương trình tập huấn tạo điều kiện cho thầy cô các nhóm trẻ tham gia học hỏi kinh nghiệm, giúp nâng cao chất lượng của các nhóm lớp, tạo sự an tâm, tin tưởng của phụ huynh khi gửi trẻ.

Chính sách thế nào là đủ, thế nào là thiếu?

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, hiện tỉ lệ đào tạo bồi dưỡng chuyên môn giáo viên các nhóm lớp độc lập mới chỉ đạt trên 60%.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu

Theo bà Châu, hiện nay chúng ta quan tâm đến chủ nhóm trường rất nhiều, từ cơ sở vật chất, chuyên môn, ý kiến phụ huynh… song tất cả đều phải có đội ngũ giáo viên hỗ trợ.

“Khi mở trường, chủ trường luôn muốn có lợi nhuận, song để có lợi nhuận thì đơn vị phải tạo được uy tín với phụ huynh, vì có trẻ học mới phát triển được. Nếu đơn vị không có đội ngũ chuyên môn tốt thì chỉ cần xảy ra chuyện là có thể bị thu hồi giấy phép, công sức sẽ mất trắng. Nói như vậy để thấy rằng, các chủ nhóm lớp phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên” - bà Lê Thụy Mỵ Châu nhấn mạnh.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các phòng giáo dục cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương để kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đưa tiêu chí xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích vào tiêu chuẩn, điều kiện trong việc thành lập nhóm, lớp độc lập tư thục. Chỉ công nhận thành lập đối với các nhóm lớp độc lập tư thục khi có đủ điều kiện về 3 yếu tố chính: cơ sở vật chất, đội ngũ và đảm bảo an toàn cho trẻ.

Bà đề nghị các phòng giáo dục có giải pháp tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên ở các cơ sở mầm non độc lập được tham quan môi trường giảng dạy, dự hoạt động các trường liên cụm. Các trường mầm non công lập cần có sự chia sẻ, hỗ trợ các nhóm lớp ngoài công lập ngay tại địa phương để cùng đồng hành, gắn trách nhiệm với nhau.

Các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ nhóm lớp mầm non độc lập
Các địa phương cần có giải pháp hỗ trợ nhóm lớp mầm non độc lập

Các cơ sở giáo dục mầm non độc lập cần đặt hết trách nhiệm của chủ nhóm, của giáo viên trong đảm bảo an toàn cho trẻ, đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp. Kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn, nhắc nhở ngay từ đầu khi thấy hành vi, cử chỉ của giáo viên để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tránh xảy ra câu chuyện đôi lúc nóng nảy mà phát sinh ra những vấn đề không hay. Quan tâm cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặt an toàn của trẻ lên hàng đầu để đảm bảo xây dựng được môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, có văn hóa, thực hiện chủ đề xây dựng trường mầm non hạnh phúc lấy trẻ làm trung tâm…

TPHCM có 16 khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung ở 9 địa phương, gồm quận 7, 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Tân, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và TP Thủ Đức, quy mô 785 trường mầm non (235 trường công lập, 550 trường dân lập tư thục) cùng 1.286 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập (160 nhóm trẻ, 909 lớp mẫu giáo độc lập, 217 lớp mầm non độc lập). Tổng số nhóm dưới 7 trẻ là 249 nhóm lớp. Tổng số trẻ là 216.653 trẻ (công lập là 85.611 trẻ, dân lập - tư thục là 131.042 trẻ).

Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức 5 lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên mầm non về giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ tại các cơ sở mầm non độc lập trên địa bàn 9 quận, huyện có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI