Bí mật hẹn hò
Bảy năm trước, Lê Thị Thương rời quê hương Hải Dương sang Thượng Hải (Trung Quốc) học tập. Vào lớp, ngay tiết học đầu tiên, cô đã bị hớp hồn bởi một “ông thầy” da trắng, môi đỏ, mặt chữ điền và bộ râu quai nón.
Đó là thầy giáo Hạ Dĩ Dương, giảng viên môn hình họa và sơn dầu của Trường đại học Kỹ thuật Công trình. Tuy thích “ông thầy”, nhưng niềm hào hứng trong cô tắt ngúm khi nghe nhiều bạn bình chọn đây là người lạnh lùng, khó tính, hay giao bài tập.
|
Vẻ đẹp của cô sinh viên Việt Nam làm trái tim ông thầy Trung Quốc đập mạnh (Ảnh NVCC) |
Qua một vài tuần theo học bộ môn của thầy Dương, Thương mới thấm những điều mọi người nhận xét. Thầy giao rất nhiều bài tập và sinh viên phải nộp bài đúng hạn cho lớp trưởng, riêng Thương phải… nộp trực tiếp cho thầy. Lúc đó cô chỉ nghĩ đơn giản, đó là sự quan tâm của thầy đối với các du học sinh.
Thực tế lại không hẳn như vậy, thầy Hạ Dĩ Dương đã “choáng” ngay từ lúc đầu nhìn thấy cô sinh viên Việt Nam. Lên lớp, thái độ của thầy rất nghiêm khắc với cô, nhưng trái tim thầy loạn nhịp.
|
Thương tốt nghiệp cao học cũng là thời điểm hai vợ chồng sắp sửa đón con gái chào đời |
Để tiện trao đổi, anh chủ động kết bạn với Thương trên mạng xã hội. Tưởng rằng sẽ là những câu chuyện xoay quanh bài vở nhưng lần đầu nhắn tin anh lại gửi ngay một tấm hình chụp ngày anh sang Việt Nam du lịch để khơi chuyện.
Sau nửa năm “cưa cẩm”, sự chân thành, ân cần của anh khiến Thương cảm nhận và tin rằng, nếu bỏ qua người đàn ông này thì chắc cô sẽ không bao giờ tìm được người thứ hai rất yêu và hợp ý với cô. Cô gái Việt nhỏ nhắn chính thức nhận lời làm người yêu của thầy giáo. Họ thành một cặp đẹp đôi.
Yêu thương nhau, say đắm nhiều, song cả hai rất rõ ràng minh bạch giữa chuyện tình cảm và học tập. Thương kể: “Nhiều khi tôi tức lắm, lúc gặp nhau riêng tư thì anh yêu đương, chiều chuộng hết mực nhưng những gì liên quan gì đến học tập là anh ấy rất khó, giống như biến thành một người khác”.
|
Họ không dám công khai chuyện tình ở trường đại học (Ảnh NVCC) |
Màn cầu hôn toát mồ hôi
Không giấu giếm mình là người cưng chiều bạn gái, song Hạ Dĩ Dương lại ngại thể hiện cảm xúc trước đám đông. Dịp lễ tình nhân năm 2017, anh mời Thương đi ăn tối tại một khu cổ trấn có kiến trúc châu Âu. Bữa tiệc kết thúc, anh đưa cô gái đi dạo. Càng đi con đường càng tối, gió càng mạnh khiến cô co ro vì vừa sợ vừa lạnh. Thương nhớ lại: “Đột nhiên anh ấy ngồi thụp xuống, bảo tôi quay mặt đi, tôi nghe tiếng bật lửa tanh tách. Lén nhìn trộm, tôi thấy anh lôi trong túi ra một cây nến to và cố đốt nến trong gió. Khi cây nến được thắp lên, anh lôi trong túi ra chiếc nhẫn rồi quỳ xuống lắp bắp: “Em ơi! Em nhận lời làm vợ anh nhé”.
Quá bất ngờ, Thương mải nhìn ngọn nến vì sợ gió to làm nến tắt mà quên mình đang được cầu hôn, đến khi được anh xỏ nhẫn vào ngón tay áp út, cô gái trẻ mới nhận ra có người đang muốn cưới mình.
Ở Trung Quốc, người ta rất chuộng các màn cầu hôn lãng mạn, hoa lá, đèn nến, bóng bay… xung quanh có bạn bè vỗ tay. Thương cũng từng ao ước được cầu hôn như thế, nhưng màn cầu hôn của bạn trai cô lại… không giống ai.
Rất lâu sau ngày quỳ gối cầu hôn, Hạ Dĩ Dương vẫn chưa hết ngại ngùng mỗi khi nhắc lại. Anh nói: “Buổi tối cầu hôn hôm đó dù chỉ có hai đứa mà tôi còn ngại và run toát mồ hôi”.
|
Cô gái Việt đã chấp nhận lời cầu hôn của thầy giáo sau những phút ngỡ ngàng (Ảnh NVCC) |
Mẹ không muốn con lấy chồng xa
Mối quan hệ của Thương và thầy giáo Hạ Dĩ Dương vấp phải sự phản đối kịch liệt của mẹ cô ở quê nhà. Mẹ cô chỉ muốn con lấy người Việt. Mặt khác, bà lo con lấy chồng xa sẽ khó hòa nhập vì sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, cách sống và khoảng cách địa lý.
Cô bộc bạch: “Từng có thời điểm tôi đã nghĩ đến việc chia tay, nhưng anh ấy không đồng ý. Dĩ Dương nói nếu do chán ghét muốn chia tay thì anh chấp nhận, còn vì tác động từ bên ngoài thì anh không đầu hàng. Sau khi nói lời chia tay không thành, tình cảm của hai đứa mình ngày càng khăng khít, càng quyết tâm đến được với nhau”.
Thương thường xuyên và kiên nhẫn làm người phiên dịch kết nối bạn trai và gia đình trong những cuộc trò chuyện từ xa. Tiếp xúc nhiều, mẹ cô cảm nhận được sự gần gũi, thân mật của Dĩ Dương. Mỗi lần gọi video, Dĩ Dương luôn thể hiện vẻ điềm đạm, lễ phép, chàng trai cũng học vài câu chào hỏi bằng tiếng Việt.
Về phía Thương, cô không quên kể với mẹ về gia đình bạn trai, về lối sống, văn hóa ở Thượng Hải. Trong mỗi lời thủ thỉ, cô đều cho mẹ thấy cô muốn được sống ở thành phố này. Dần dần mẹ cô cũng chấp nhận để hai bên sớm nên duyên vợ chồng.
|
Họ phải vượt nhiều trở ngại trước khi tới được đám cưới trong mơ (Ảnh NVCC) |
|
Một đám cưới sang trọng được tổ chức tại Thượng Hải với khách mời là bạn bè, đồng nghiệp của cô dâu chú rể (Ảnh NVCC) |
|
Phía sau cô dâu chú rể là tháp truyền hình Đông Phương nổi tiếng của thành phố Thượng Hải (Ảnh NVCC) |
Học xong thạc sĩ mới sinh con
Năm 2017, đám cưới ấm áp, vui vẻ của cô nữ sinh Việt Nam và thầy giáo Trung Quốc đã diễn ra ở Hải Dương. Năm 2019, họ tổ chức hôn lễ lần hai tại Thượng Hải.
Trong cuộc sống hôn nhân, Thương thể hiện tình cảm bằng việc chăm sóc chồng mỗi ngày, dành những lời khen cho chồng mỗi khi anh làm điều tốt đẹp. Hạ Dĩ Dương thích tạo bất ngờ cho vợ vào những dịp lễ hoặc ngày kỷ niệm của vợ chồng, sẵn sàng làm việc nhà thay vợ, đưa vợ đi chơi. Gắn bó bên nhau gần bảy năm nhưng họ chưa từng cãi vã. Trước các xung đột vợ chồng, Dĩ Dương luôn tìm ra giải pháp “thấu tình đạt lý”.
|
Mẹ hoàn thành việc học, con gái cũng ra đời đánh dấu mốc hạnh phúc mới của cặp đôi (Ảnh NVCC) |
Thương hiện đang làm quản lý cho một công ty thời trang ở Thượng Hải. Những ngày này, tổ ấm nhỏ của cặp vợ chồng trẻ rộn rã hơn bởi tiếng khóc cười của trẻ thơ. Con gái đầu lòng của họ được đặt tên là Qianqian. Đây cũng là thành quả suốt bốn năm vợ chồng tạm hoãn việc sinh con để Thương hoàn thành tấm bằng thạc sĩ.
An Bình