Trong bức tranh phức tạp của dịch viêm phổi do chủng virus corona, đã và đang có rất nhiều chuyện cảm động của đội ngũ nhân viên y tế, của những người nhiễm virus corona nhưng không hề tuyệt vọng. Xin giới thiệu cùng bạn những tấm gương quên mình vì cộng đồng, vì người thân... để giữa trùng trùng lo âu dịch bệnh, chúng ta vẫn ấm lòng và tin vào những điều tốt đẹp.
Mời bạn chia sẻ quan điểm, thông tin riêng và câu chuyện liên quan dịch corona cùng Báo Phụ Nữ. Tin bài xin gửi tới email: online@baophunu.org.vn
|
Vũ Hán, 7 giờ sáng. Một nữ y tá sống ở khu vực Hán Khẩu thức dậy. Cô nhân viên y tế trẻ tuổi quê ở Hà Nam này cần phải nhanh chóng đến bệnh viện Nhân dân Vũ Hán ngay. Cô gọi số máy ông lái xe taxi quen thuộc mấy hôm nay vẫn chở cô đến bệnh viện. Nhưng thật không may, ông lái xe không được khỏe.
Thật gay go, đường phố không một bóng xe, làm sao để cô đến bệnh viện kịp giờ. Ruột cô nóng như lửa đốt, các đồng nghiệp của cô đã bắt đầu bước vào “trận chiến”, bệnh nhân chắc giờ đã xếp hàng đến cả mấy trăm người rồi. Cô chợt nhớ ra và nhấc máy gọi vào số của đội xe tình nguyện Vũ Hán. 30 phút sau cô đã có mặt tại bệnh viện.
|
Những thành viên trong đội xe tình nguyện ở Vũ Hán |
Kể từ ngày 23/1, tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong thành phố Vũ Hán chính thức ngừng hoạt động, người dân được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm. Đường phố Vũ Hán vắng tanh, thỉnh thoảng có một vài chiếc xe cá nhân lướt qua. Taxi công nghệ cũng đã dừng hoạt động, thỉnh thoảng mới có một vài chiếc taxi truyền thống vẫn còn chở khách.
Xe bệnh viện cũng như những chiếc taxi truyền thống hiếm hoi còn hoạt động chủ yếu phục vụ việc vận chuyển bệnh nhân. Cũng chính điều này làm nảy sinh một vấn đề vô cùng nan giải: Làm sao để một lượng lớn các nhân viên y tế có thể đến nơi làm việc đúng giờ, khi mà không còn bất cứ một phương tiện công cộng nào hoạt động?
Trốn nhà đi khi trời còn tờ mờ sáng
Lúc 6 giờ 20 sáng, chuông điện thoại reo. Trường An (Chang An) ngay lập tức bật dậy nghe máy. Đầu dây bên kia là tiếng người đội trưởng đội xe tình nguyện: “Có nhân viên y tế cần đến gấp bệnh viện gấp, cô ấy không có xe và cũng không biết đạp xe đạp. Tôi sẽ gửi bạn định vị của cô ấy”. Trường An hé cửa nhìn ra nghe ngóng xem bố mẹ có bị tiếng chuông đánh thức không. “May quá, bố mẹ vẫn còn ngủ”.
Lặng lẽ thay áo và hé cửa bước ra ngoài. Chiếc Toyota 4 chỗ, món quà sinh nhật bố mẹ mua cho cô trong kỳ thực tập năm cuối đại học mấy ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong những chuyến đưa đón của cô. Buổi sáng mùng 3 tết, trời còn tối, Trường An lái xe trong làn mưa ảm đạm đến địa chỉ người đội trưởng vừa mới gửi ở Hán Khẩu. Đây là ngày thứ 3 cô tham gia biệt đội thầm lặng này.
Trường An năm nay 22 tuổi, là một sinh viên đại học địa phương ở Vũ Hán. Cô gái năng động này rất yêu thích các hoạt động tình nguyện. Khi đang ăn bữa cơm đoàn viên vào tối 30 tết, trên nhóm wechat đội tình nguyện của cô, mọi người đang thảo luận về việc tham gia tổ chức xe đưa đón các nhân viên y tế đến bệnh viện.
Không cần suy nghĩ, cô nói ý tưởng tham gia với bố mẹ. Bố cô nổi giận đứng dậy bỏ vào phòng. Mẹ cô hốt hoảng phản đối kịch liệt: “Nếu con bị lây bệnh thì bố mẹ biết làm sao. Con không nghĩ cho con cũng phải nghĩ cho bố mẹ. Nhà ta chỉ có mình con”.
Thật ra, điều bố mẹ cô lo lắng là rất thực tế. Bên ngoài nguy cơ rủi ro rất cao, hàng chục nhân viên y tế đã bị lây nhiễm, thậm chí có cả bác sĩ tử vong. Sau một hồi tranh cãi không có tác dụng, Trường An cũng về phòng và khóc nức nở. Tuy nhiên trong đầu cô sinh viên có thân hình nhỏ nhắn ấy lại không hề có ý định từ bỏ. Cô đã âm thầm tham gia vào nhóm mà bố mẹ cô không hề hay biết.
Nhiệt huyết chiến thắng nỗi sợ hãi
Lúc 7 giờ 10, Trường An lần theo định vị trên wechat, cuối cùng họ gặp nhau khi cô nhân viên đã đi bộ được hơn 10 phút. Cô y tá luôn miệng cảm ơn Trường An: "Chị đã cố gắng gọi taxi, nhưng không được, không có em chắc phải 10 giờ chị mới tới được bệnh viện”.
Trước khi bước xuống xe, cô y tá cẩn thận lấy chai xịt khử trùng cô vẫn luôn mang theo bên người xịt vào trong xe của Trường An. Buổi tối, Trường An nhận được tin nhắn của cô y tá: “Có những người như em, chị thấy mình mạnh mẽ hơn. Thật sự cảm ơn em”.
Ở Vũ Hán, có rất nhiều đội xe tình nguyện được lập ra sau khi các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động. Họ giúp đỡ các bệnh viện vận chuyển các vật tư y tế và đưa đón nhân viên bệnh viện đến nơi làm việc. Hiện nay nhóm của cô đã có hơn 400 tài xế tình nguyện, làm đủ nghề: sinh viên, giáo viên, tài xế taxi cao tuổi và cả chủ tiệm cơm. Điểm chung duy nhất ở họ đó là quên mình vì cộng đồng.
|
Thành viên đội xe tình nguyện giúp vận chuyển vật tư y tế đến bệnh viện |
Mỗi ngày, đội tình nguyện đã thực hiện hàng nghìn lượt đưa đón và vận chuyển vật tư y tế. Sự đóng góp của họ là một phần của nỗ lực ngăn chặn dịch viêm phổi đang bùng phát dữ dội trên đất nước tỉ dân này.
Sau khi đưa cô y tá đến bệnh viện, Trường An vội vã trở về nhà. Cô xé bỏ chiếc áo mưa tiện lợi đang trùm kín người, bỏ đôi găng tay loại dùng một lần vào thùng rác, cô lặng lẽ đánh xe vào gara dưới tầng hầm khu nhà. Bố mẹ cô vẫn còn ngủ. Trường An lấy xà phòng rửa tay và nằm đợi cuộc gọi tiếp theo từ đội tình nguyện. Cô đã không tiết lộ chuyện này với bố mẹ. Những lần ra ngoài của cô được khéo léo ngụy trang bằng những lý do khác nhau và lời hứa sẽ bảo hộ cẩn thận.
|
Một thành viên của đội tình nguyện gặp tai nạn khi đang vận chuyển vật tư y tế |
Không phải Trường An không biết công việc cô đang tham gia nhiều rủi ro. Có người gặp tai nạn trên đường vận chuyển, và thậm chí có người trong đội của cô xuất hiện triệu chứng sốt và đã được cách ly ở bệnh viện. Tuy nhiên nhiệt huyết của một người sinh viên trẻ tuổi đã chiến thắng nỗi sợ hãi, bởi hàng ngày, những tấm gương dũng cảm thầm lặng vẫn liên tục xuất hiện. Và cô hiểu, bản thân mình cần có một đóng góp nào đó vào việc nỗ lực đẩy lùi bệnh dịch.
Vũ Hoài - Đình Nhân
(cập nhật từ Vũ Hán)