Cô sinh viên tí hon

28/09/2014 - 17:30

PNO - PNCN - Mẹ em kể, lúc sinh ra ở trạm xá xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, em chỉ bé bằng chai nước ngọt, nặng 0,8kg, mong manh sự sống. 19 năm sau, em trở thành cô tân sinh viên vóc dáng chỉ bằng đứa trẻ mẫu giáo (cao...

edf40wrjww2tblPage:Content

Co sinh vien ti hon

Cô bé tí hon Võ Thị Thanh Thảo

Đường xa diệu vợi…

Ngồi cạnh tôi, Võ Thị Thanh Thảo nhiệt tình vén tóc mái, chỉ tôi xem chi chít những vết sẹo lồi lõm, dấu vết của hàng ngàn lần té ngã. Thảo giải thích: “Chân em nhỏ xíu mà đường lúc nào cũng xa”. Chuyện té ngã thường tình, chỉ cần người đồng hành quên sải bước ngắn lại, em nhất định sẽ lật đật chạy theo rồi ngã sõng soài.

Ngày ấy, mỗi buổi sáng Thảo đều chạy đến cây cột trước hiên nhà, lấy phấn vạch chiều cao của mình để làm dấu. Nhưng vạch chiều cao tháng sau cứ đè lên tháng trước, sáu tuổi, Thảo vẫn chỉ bằng em bé một tuổi, đau ốm liên miên, đi đâu cũng phải có người bồng bế. Tới tuổi đến trường mà con gái vẫn yếu ớt, mong manh, anh Võ Đông Liêm tần ngần định dẹp bỏ ý định cho con đi học. Nhưng sau một buổi chiều ra ngõ chơi cùng chúng bạn, Thảo nằng nặc khẳng định mình lớn rồi, nhất định phải tới lớp.

Chỉ sau buổi học đầu, niềm vui học hành của Thảo đã tan tành mây khói. Được ba bế vào tận lớp, đặt lên chiếc ghế được thiết kế đặc biệt, Thảo bắt đầu hoang mang khi mọi ánh mắt đều đổ dồn về mình. Suốt buổi học, cả người em đau ê ẩm vì phải ngồi lâu, sách vở “vừa to vừa nặng”, lại thêm khủng hoảng tinh thần vì bạn bè cứ xúm lại hỏi han, chỉ trỏ bàn tán, hoặc lớn tiếng trêu chọc. Im lặng chịu đựng đến cuối giờ, khi được ba vào lớp, nhấc ra khỏi cái bàn học, cõng về tận nhà, em mới nức nở vì “sợ đến trường”. Xót con, vợ chồng anh Liêm lần nữa khuyên nhau dẹp bỏ kỳ vọng học hành của con gái. Vậy mà sáng hôm sau, cô bé lại hối thúc mẹ chuẩn bị đồng phục. Từ đó, sáng nào vợ chồng anh Liêm cũng thay nhau đeo cặp phía trước, cõng Thảo phía sau, đưa con đến trường.

Tứ chi bé tẹo, làm gì cũng mau mỏi, có khi bạn bè vừa bắt đầu viết bài, em đã mỏi rã tay. Thảo phải gắng sức gấp đôi, gấp ba mới làm được những việc vốn dễ dàng đối với bạn bè. Suốt thời phổ thông, em luôn luôn bị dạt ra khỏi danh sách tham gia cắm trại “vì lý do sức khỏe”. Ngay cả những đêm diễn văn nghệ, mặc bạn bè đến năn nỉ, cam đoan đủ điều, ba mẹ vẫn không cho em theo. Khi bạn bè về hết, em tủi thân ngồi khóc rấm rứt.

Tết năm lớp 10, mắc kẹt dưới chiếc xe máy do tai nạn trên đường về nhà ngoại, Thảo bị gãy chân. Bảy tháng trời cô nữ sinh phải nằm viện. Khi xuất viện, các bạn cùng lớp đã lên lớp 11, chuyện học hành lần nữa thử thách em khi người biết chuyện cứ nhíu mày: “Chút xíu vậy thì học lại chi cho tốn tiền?”…

Những năm ấy, mỗi lần thấy con rướn người đứng bên cây cột nhà đo chiều cao, chị Đỗ Thị Đào lại ra sức kiếm tiền đưa con đi bệnh viện. Riết rồi, kinh tế gia đình không còn đủ sức chi trả cho nỗi băn khoăn “tại sao con không lớn”. Thấy mẹ già trước tuổi vì gánh nặng gạo tiền, Thảo không chịu đi khám nữa. Em kể, em không buồn vì nghèo, chỉ buồn vì cái nghèo cứ… mang ba lên rừng, rồi “trả” ba về lại với những vết thương chằng chịt, nhẹ thì bị ong chích, nặng thì bị rơi xuống vực, bị rắn độc cắn. Mới đây, khi Thảo đang ôn thi đại học, anh Liêm lại bị dây rừng quất vô mắt, phải nằm viện. Từng đồng tiền lẻ thu về từ thúng bánh bột lọc của mẹ lại có thêm “đầu ra”. Chị gái đi học xa nhà; mỗi buổi tan học, Thảo lại nhờ bạn chở đến cổng bệnh viện, mua hộp cơm, chia làm hai phần cho hai cha con. Được nửa tháng, anh Liêm… trốn viện, vay ba triệu đồng gầy lại vốn, rồi tiếp tục “trốn” vào rừng, quyết kiếm tiền cho con đi thi.

Co sinh vien ti hon

Thanh Thảo trong vòng tay bạn bè

Ngước mắt là trời xanh

Mặc kệ bao ngăn trở, năm nào Thảo cũng đứng nhất, nhì lớp. Em bén duyên với môn tâm lý học từ một chương trình giới thiệu tấm gương thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu. Thảo lại lập ra một danh sách những việc cần làm để đậu đại học. Ngành tâm lý trở thành đề tài chính của Thảo trong mọi cuộc chuyện trò với người lớn. Em lên mạng, mày mò tìm hiểu rồi mỗi ngày một chút, âm thầm giúp mẹ “làm quen” với ngành học khá xa lạ với vùng nông thôn. Khi danh sách những việc cần làm đã vơi đi khá nhiều, Thảo mới chính thức “ra thông báo” là sẽ thi vào Khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Với sức vóc của Thảo cùng điều kiện eo hẹp của gia đình, lựa chọn sẽ vào TP.HCM học đại học của em khiến nhiều người ái ngại. Giữa lúc ấy, câu cửa miệng của ba mẹ lại lần nữa cứu Thảo: “Nếu con đã muốn học, thì cực mấy ba mẹ cũng lo”.

Ngày Thảo đậu đại học, ba còn tiếp tục chuyến phu trầm. Còn mẹ, dù đã sẵn sàng tư tưởng cho việc rời xa con, nhưng tin Thảo đậu đại học vẫn làm mẹ quáng quàng. Chạy đầu trên xóm dưới, vay mượn được tiền, chị Đào lại bứt rứt không yên về cảnh con bơ vơ ở đất lạ. Trong khi bà con hàng xóm bàn bạc, chỉ vẽ cho Thảo đủ điều, chị lẳng lặng mang hết số bột lọc trữ sẵn chia cho mọi người, xếp cất cái thúng cùng bao nhiêu vật dụng đã theo chị mấy mươi năm, tuyên bố sẽ “cùng con đi học”. Vào Sài Gòn, đăng ký cho con gái vào ký túc xá, chị xin làm giúp việc, kiếm tiền nuôi con.

Co sinh vien ti hon

Bé con trong bộ áo dài nữ sinh

Thảo “triết lý”: “Có làm trẻ con mới biết người lớn ngọt ngào, nhân hậu đến mức nào”. Ngày đầu nhập học, cô giữ xe trong trường đã ân cần hỏi han Thảo, rồi dặn: “Bữa nào con cũng ghé lại đây cho cô nựng má chút nhé!”. Những ngày sau, chỉ cần bước vào sân trường, ngang bãi giữ xe, dù người phụ nữ trung niên ấy có chạy ra nựng má hay không, Thảo vẫn cảm thấy chuyện đi học thật dễ chịu. Trong mắt Thảo, ngay cả bạn bè cũng là… “người lớn”. Suốt thời đi học, có hôm, chỉ đi được vài trăm mét đã kiệt sức, cô bé lại níu tay bạn, ngập ngừng: “Thảo mệt quá, bồng Thảo đi với”. Bất kể gái trai, những cô cậu học trò cứ thế hồn nhiên chuyền tay nhau, bồng cõng Thảo đến trường. Cả trường học và ký túc xá đều quá mênh mông, nhưng mỗi khi đoạn đường ước chừng đã quá xa với sức một đứa trẻ, những người bạn mới lại tự nguyện cõng em đi hết con đường.

Từng ước mơ sẽ làm gì đó kiếm tiền để mua máy tính, nhưng với Thảo, giấc mơ ấy ngày càng xa vời khi việc đi lại vẫn không bớt khó khăn. Thoáng buồn qua mau, em lại hồ hởi: “Khó khăn cũng nhiều, nhưng chỉ ngước lên nhìn trời, em lại thấy lạc quan. Em đã có một danh sách những việc cần làm khác, em đang bắt đầu thực hiện bằng việc tự học tiếng Pháp. Em phải học thiệt chăm, để mai mốt còn học cao học, rồi học lên cao nữa…”.

Thanh Tân

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI