Cô sinh viên nên duyên cùng anh chàng Bỉ qua món phở Việt

18/02/2025 - 13:17

PNO - Anh Bernard là người Bỉ mà mê ẩm thực Việt, rồi quen cô sinh viên bưng bê ở quán ăn Việt Nam tại Brussels. Họ nên duyên vợ chồng, gắn bó và phát triển thương hiệu ẩm thực Việt tại xứ sở này. Đây là câu chuyện của vợ chồng chị Đào Hồng Hải - chủ chuỗi nhà hàng Phở Việt - Hà Nội Station tại Bỉ.

Gia đình nhỏ hạnh phúc của Hồng Hải - Bernard
Gia đình nhỏ hạnh phúc của Hồng Hải - Bernard

Phở Việt xe mối lương duyên

Sau nhiều lần bôn ba thử sức, năm 2005, Đào Hồng Hải - cô phóng viên tạp chí Du lịch Việt Nam quyết định ngưng làm báo, đi học. Hồng Hải chọn Bỉ, bậc đại học chuyên ngành quản lý nhà hàng khách sạn vì mức học phí chỉ 5.000 euro/năm, vừa túi tiền của chị.

Hải vừa học vừa làm thêm. Thấy chị tháo vát lại thật thà, duyên dáng, anh chủ nhà hàng món ăn Việt nơi Hải phụ việc đã giới thiệu Hải với anh Bernard De Proost - một vị khách quen lâu năm người Bỉ. Trước Hồng Hải, Bernard từng được anh chủ quán giới thiệu nhiều cô nhưng không thành. Vậy mà lần đầu gặp mặt, vừa nhìn thấy Hồng Hải, Bernard lại… ưng ngay.

Quen nhau một thời gian, Bernard không chịu được cảm giác mỗi sáng thức dậy không nhìn thấy hình bóng của cô. Biết chị sắp hết hạn visa, Bernard thẳng thắn đề nghị: “Mình kết hôn để hợp thực hóa giấy tờ cho em nhé!”. Hải ngơ ngác, còn bạn bè của Bernard dè chừng: “Cô ấy trẻ quá, coi chừng mày bị lợi dụng đấy”. Bernard vẫn quyết: “Anh có niềm tin em là người thích hợp nhất”.

Hải nhớ lại: “Đến khi cưới nhau về tôi vẫn còn ngẩn ngơ, vậy là mình có chồng rồi sao. Còn anh thì kỳ công dạy tôi phải sống, yêu thương nhau thật sự với lý do “để cảnh sát, người ngoài không coi mình là hôn nhân trá hình”.

Tôi cũng hôn chồng mỗi sáng, ôm chia tay anh lúc đi làm, cuối tuần tay trong tay đi siêu thị… Tình yêu cứ thế nảy nở. Khi tôi mang thai bé Vy Anh, anh là người mừng nhất và bắt đầu câu chuyện thai giáo, chăm con. Chị bắt đầu học làm mẹ, không chỉ làm mẹ của con mình mà còn làm quen vai trò “mẹ kế” của… Laurent - con trai riêng của anh.

Cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc nhưng cũng gian nan. Từ chuyện tủi thân khi bị Bernard cấm lau nhà vì sợ hư sàn gỗ, bị sốc vì phải cùng anh lòng vòng ngoài công viên vào nửa đêm để con trai anh có không gian riêng hẹn hò cùng bạn gái. Càng sốc hơn khi biết cùng lúc ấy, cha của bạn gái con trai anh phải ngủ trong ô tô dưới sân nhà Bernard để chờ con gái trong 1 tiếng chúng làm… chuyện thân mật”.

Đào Hồng Hải (thứ 3 từ trái qua) trong buổi ra mắt Câu lạc bộ We love Phở tại châu Âu tháng 11/2024
Đào Hồng Hải (thứ 3 từ trái qua) trong buổi ra mắt Câu lạc bộ We love Phở tại châu Âu tháng 11/2024

Thấy Hồng Hải quá ngạc nhiên, Bernard nhẹ nhàng giảng giải, chuyện con cái yêu đương hay chọn sống thử trước hôn nhân là bình thường trên đất Bỉ. Cha mẹ không ngăn cấm mà chỉ dạy con an toàn tình dục để tránh tổn thương; rằng anh rất vui vì con có bạn gái, con trưởng thành và chỉ năm sau, con sẽ đủ 18 tuổi, chuyển khỏi nhà, sống độc lập.

Hải dần vỡ ra nhiều điều trong câu chuyện hôn nhân đa văn hóa. Bernard rất yêu quý gia đình Hồng Hải, ngưỡng mộ nếp sống đại gia đình nhiều thế hệ, yêu thương, giúp đỡ nhau. Anh tâm sự rằng thích sự yêu thương con cái của gia đình Việt nhưng anh muốn Hồng Hải cùng anh chăm con theo cách các ông bố bà mẹ Bỉ đang làm.

Gia đình là nền tảng cho phở Việt đi xa

Sống ở Bỉ nhưng Hồng Hải không thể nào quên món phở. Một lần, thèm phở, Hải ghé một nhà hàng Việt Nam ở trung tâm Brussels nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì vị phở ngọt đường làm chị khó ăn. Chị muốn tìm tô phở Việt đúng gu Hà Nội.

Mãi đến năm 2014, khi Hải hỏi những người bạn đồng hương: “Ở Bỉ phải học nấu phở tại đâu cho ra vị Bắc?”. Một người bạn đáp: “Sang Tiệp đi em”. Thế là Hải quyết định lên đường đi tầm sư học đạo. Chồng chị vui vẻ ở nhà trông con. Sau thời gian học xong, chị về, Bernard phải nếm phở liên tục nửa tháng. Đến khi anh gật gù: “Ngon!”, Hải mới lưu lại công thức ấy làm bí kíp riêng.

Đã có công thức nấu phở riêng của mình, chuyện mở nhà hàng vẫn còn là giấc mơ xa xôi bởi tốn nhiều chi phí, Hải không có tiền riêng. Tranh thủ lúc con đi học, chị đi phục vụ ở các quán ăn châu Á. Gom góp mãi rồi Hải có được khoảng 30.000 euro.

Hanoi Stattion trên đất Bỉ
Hanoi Stattion trên đất Bỉ

Chị khoe số tiền với chồng. Nhìn đôi mắt lấp lánh của vợ khi kể về giấc mơ của mình, Bernard trầm ngâm thật lâu rồi chốt: “Anh phải giúp vợ thôi”.

Nói là làm, anh ứng vay trợ cấp hưu trí hơn 94.000 euro rồi vay thêm bạn bè và ngân hàng. Chưa tới 1 tháng sau, Hải đã có trong tay số vốn khoảng 200.000 euro và bắt đầu đi tìm mặt bằng.

Chị sang nhượng lại một nhà hàng cũ ở Merode, Brussels (gần trụ sở Liên minh châu Âu và nhiều cơ quan công sở lớn). Hanoi Station chính thức ra đời, ghi dấu ấn đầu tiên trong “bản đồ phở” Việt tại Vương quốc Bỉ. Chưa đầy 1 năm, nhà hàng thứ hai lại khai sinh… Tháng 11/2024, nhà hàng thứ năm của vợ chồng Hồng Hải - Bernard chính thức ra mắt. Chuỗi nhà hàng của Hồng Hải trong nhiều năm liền đạt danh hiệu đóng thuế cao nhất tại hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Brussels.

Nếu tay nghề nấu nướng của Hồng Hải giữ khách thì sự chăm chút kỹ lưỡng của Bernard khiến Hanoi Station ghi dấu ấn riêng trong lòng thực khách. Ai bước vào Hanoi Station ở Merode cũng ấn tượng bởi chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng và bản đồ Việt Nam với đầy đủ 2 quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Tất thảy thực khách đều tấm tắc cung cách phục vụ chuyên nghiệp của 2 vợ chồng.

Một năm sau khi Hanoi Station 2 ra đời, Bernard chính thức xin thôi công việc đã gắn bó 20 năm để cùng vợ lèo lái con tàu phở Việt đi đến những trạm ga yêu thương như tên gọi mà ngay từ đầu vợ chồng anh cùng nhau lựa chọn.

Họ cho biết vì cuộc sống, chuyện kinh doanh, 2 người không ít lần tranh cãi nảy lửa nhưng sau đó họ cảm thấy yêu thương nhau hơn. Bernard luôn thầm cảm ơn ẩm thực Việt cùng trái tim đã chỉ lối cho mình. Anh nói: “Nhờ nghe theo lời mách bảo của trái tim và tình yêu ẩm thực Việt, tôi đã có được mái ấm hạnh phúc hôm nay”.

Từ Phở Việt, chúng tôi trở nên thân quen hơn, cùng tìm ra những giá trị chung cho văn hóa Việt Nam. Chị Hải đồng hành cùng tôi và Kênh Việt về Tủ sách Việt tại nhà hàng Việt. Không gian của Hanoi Station tại Cameleon có một tủ sách gồm rất nhiều sách hay của nhiều tác giả Việt Nam hoặc gốc Việt về lịch sử, văn hóa… cũng như cách chúng tôi giới thiệu tiếng Việt với bạn bè quốc tế. Không ít thực khách đến ăn phở cùng xem sách Việt. Cũng tại không gian này, chúng tôi thường tổ chức các cuộc gặp gỡ Việt Nam như giới thiệu sách, giao lưu cùng sinh viên và chia sẻ về cuộc sống tại Bỉ…

Quỳnh Iris Nguyễn - de Prelle - người sáng lập và điều hành Trung tâm Liên văn hóa Việt Nam và Thái Bình Dương tại Brussels (IVB - Intercultureel Centrum Vietnam en Pacific in Brussels)

Thể lệ cuộc thi Doanh nhân với chữ hiếu và gia đình

Bài viết tham dự cuộc thi phải giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình trong việc giữ gìn nếp sống hiếu đạo đối với bậc sinh thành và người thân trong gia đình, đóng góp cho cộng đồng. Họ có thể là doanh nhân người Việt, gốc Việt đang sinh sống, kinh doanh trong nước và/hoặc các quốc gia khác.

Bài viết thể hiện lối sống của doanh nhân đối với người thân là: ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu trong gia đình; thông qua các câu chuyện/tình huống ứng xử trong gia đình, giúp doanh nhân luôn cân bằng giữa công việc ngoài xã hội với việc chăm sóc gia đình.

Tác phẩm dự thi phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi nào khác, chưa được đăng báo. Nhân vật trong bài viết có thể đã được ghi nhận gương điển hình trong các bài viết trên báo chí, là nhân vật trong các cuộc thi viết khác, giải thưởng khác. Bài viết về doanh nhân phải được sự cho phép của nhân vật.

Mỗi tác phẩm từ 800 đến không quá 2.000 chữ, được đánh máy bằng tiếng Việt. Bài viết có hình ảnh (nhân vật, hoạt động liên quan tới việc chăm sóc bậc sinh thành, người thân...) phù hợp với nội dung (cần ghi rõ nguồn, tên tác giả ảnh).

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 20 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 15 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 5 triệu đồng/giải.

- 5 giải Khuyến khích, trị giá 3 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết được yêu thích do bạn đọc bình chọn (tính theo lượt like lượt share trên fanpage Báo Phụ nữ TPHCM) trị giá 1 triệu đồng.

Cùng với giải thưởng hiện kim, các tác giả còn được trao giấy chứng nhận của ban tổ chức cuộc thi.

Các tác phẩm được trao giải và đạt chất lượng sẽ được tuyển chọn để xuất bản thành sách (sách giấy và sách điện tử).

Bài dự thi (bao gồm file bài viết, file hình ảnh) gửi về email: doanhnhanvachuhieu@baophunu.org.vn.

Điện thoại: 0966182727.

Nguyễn Thụy Diễm Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI