Cớ sao lại chê chuyện người ta xếp hàng?

19/06/2017 - 00:30

PNO - Tuần rồi, cộng đồng mạng lại có thêm dịp kẻ chê, người khen chuyện người ta xếp hàng từ sớm trước giờ khai trương cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam của một hệ thống cửa hàng tiện lợi nổi tiếng thế giới mở tại TP.HCM.

Xin nói ngay, xếp hàng trong trật tự luôn là một hình ảnh đẹp. Xếp hàng chính là một hành vi văn hóa của một xã hội văn minh. Vậy thì cớ sao lại chê chuyện người ta xếp hàng?

Có người không vui khi coi đây là một "hành vi phản cảm", làm mất mặt người Việt, bởi hà cớ gì phải xếp hàng, chầu chực trước một cửa hàng nhỏ xíu xiu như vậy. Họ nghĩ, hình ảnh này mà xuất hiện trên mạng Internet sẽ khiến thế giới hiểu lầm rằng người Việt mình ham hố, chuộng của lạ và thích lợi lộc.

Thật ra, nói cách nào đó, thiên hạ không có "hiểu lầm" đâu, bởi những cái cố tật đó là có thật ở đâu đó trước nay. Người ta vẫn chưa quên vụ xếp hàng diễn ra nhiều ngày liền trước tiệm cà phê thương hiệu quốc tế nổi tiếng.

Co sao lai che chuyen nguoi ta xep hang?
Xếp hàng dài chờ "check-in" tại một cửa hàng tiện lợi vào ngày khai trương.

Riêng với chuyện xếp hàng chờ giờ khai trương cửa hàng tiện lợi này, sau khi cẩn thận vào Fanpage của họ tìm hiểu, tôi thấy đó là hoạt động bình thường. Bởi trong dịp khai trương này, cửa hàng có những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho những khách hàng đầu tiên đến mua sắm. Và trong tình huống đó, ơn giời là người ta xếp hàng đàng hoàng thay vì chen lấn, xô đẩy, giành giựt nhau vốn chẳng hề hiếm thấy.

Thật ra, không có lửa làm sao có khói. Trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến biết bao cơ số lần chuyện cái văn hóa xếp hàng tốt đẹp kia hoặc quá lố, hoặc bị biến tướng, lợi dụng. Chỉ có điều, chuyện này đâu chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Các thương hiệu quốc tế lớn làm ăn nghiêm túc luôn tránh làm những gì gây phiền hà cho người tiêu dùng. Nhưng có khi có những bộ phận tiếp thị, quảng bá muốn tạo hình ảnh "ấn tượng" tổ chức cho khách hàng xếp hàng chờ mua sản phẩm, thậm chí ngồi chờ từ ngày hôm trước hay mấy ngày trước.

Thôi thì chuyện ấy cũng có thể hiểu được vào cái thời mà thế giới xuân thu nhị kỳ chỉ có vài ba sản phẩm đỉnh cao, như máy chơi game PlayStation, iPhone,...

Cũng có những người đam mê cái cảm giác được là những người đầu tiên trên hành tinh sở hữu món hàng nào đó. Sau này, ngày càng có thêm nhiều người xếp hàng thuê hay mua theo đặt hàng của ai đó. Và đáng buồn nhất là những chiêu trò của đơn vị tiếp thị chi tiền thuê người tới xếp hàng cho "hoành tráng".

Bởi vậy nên, chụp hình quay phim coi đẹp thật đó, nhưng nhìn cảnh xếp hàng rồng rắn như vậy, không ít người phải nghi ngờ. Vậy là phản tác dụng, còn gây ảnh hưởng tới hình ảnh của thương hiệu và sản phẩm mới.

Xếp hàng theo trật tự hoàn toàn khác kiểu chầu chực. Có những người ghét xếp hàng chỉ vì không muốn bị người ta nghĩ mình chầu chực, ham hố.

Bạn có dịp ra nước ngoài, gần thì Singapore, xa hơn chút là Nhật Bản hay Đài Loan, xa nữa thì ở Mỹ, sẽ thấy thiên hạ làm gì cũng xếp hàng. Ở đâu hễ có hơn một người mà nếu không có những sự ưu tiên nào đó (như người già, khuyết tật, con mọn,…) là phải xếp hàng theo luật bất thành văn ai tới trước đứng trước. Nhờ vậy mà xã hội trở nên ngăn nắp hơn. Con người được giảm bớt những điều kiện dễ dẫn tới sân si, rối rắm, bực mình mà stress.

Co sao lai che chuyen nguoi ta xep hang?
Giới trẻ xếp hàng để mua cafe của một thương hiệu nổi tiếng.

Ở các xã hội văn minh, người ta xếp hàng dễ dàng và coi đó là sự bình thường (không xếp hàng mới là bất thường, kém văn hóa) là nhờ nền tảng giáo dục từ nhỏ và thực tế xã hội chung quanh.

Vậy chúng ta thì sao? Bên cạnh kế lâu dài (dạy cho trẻ từ nhỏ xíu biết xếp hàng cũng như thực hiện các hành vi văn hóa khác), nhà nước có những chương trình truyền thông đại chúng thường xuyên để khuyến khích người dân thực hiện lối sống văn minh, còn có những hành động lập tức như quy định xếp hàng ở các nơi phục vụ, có biển báo và nhân viên hướng dẫn, đồng thời kiên quyết chỉ phục vụ theo thứ tự trước sau.

Hiện nay đáng mừng là ngày càng có thêm nhiều nơi trang bị hệ thống bắt số thứ tự tự động (cảnh bắt số rồi mà người ta cứ chộn rộn, nháo nhào lại là chuyện khác). Đi lâu thành đường, thực hành dần sẽ trở thành văn hóa, văn minh.

Tin tôi đi, không cần phải làm những chuyện gì to tát vĩ đại đâu, chỉ cần có nhiều người biết xếp hàng ở các nơi công cộng là chúng ta sẽ sớm thấy xã hội mình trở nên đáng sống hơn rồi.

Phạm Hồng Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI