PNO - PN - “Giá cả thế nào? Hợp đồng có ràng buộc gì không?”. “Chị sẽ mua vé cho em sang Thái Lan. Sau khi lấy trứng, em nhận được 12 triệu đồng. Cho trứng xong, em có thể về, còn thành công (đậu thai - PV) hay không là chuyện của chị”....
Xét nghiệm tại Việt Nam, sang Thái lấy trứng
Môi đỏ chót, giày cao gót, tóc hoe vàng, tôi ngụy trang thành thiếu nữ nhiều sức khỏe nhưng thiếu tiền ăn chơi. Chúng tôi gặp Thu, cao khoảng 1,5m dáng điệu rất nhanh nhẹn, lưng lúc nào cũng đeo ba lô nặng trĩu. Nhìn tôi một lượt từ đầu đến chân, dường như gặp được đúng người nên Thu tỏ vẻ mừng rỡ, tự giới thiệu: “Chị quê Long An. Em bao nhiêu tuổi? Có con chưa?”. Tôi đáp: “Dạ 24 tuổi, đã có một bé gái do lầm lỡ”. Nghe xong, Thu tỏ vẻ vui mừng: “Ô may quá! Chị đang cần lứa tuổi dưới 25. Em đúng ngay lứa tuổi của chương trình”.
Thu giải thích, chương trình cho trứng là sự hợp tác của bác sĩ (BS) trong nước với BS Thái Lan, nhằm hỗ trợ những người hiếm muộn. “Chuyện này không có hợp đồng ràng buộc mà chỉ có hợp đồng với bệnh viện (BV) bên Thái Lan. Chị, chồng chị và em sẽ ký tên. Nếu em hoàn toàn đồng ý thì em mới vào chương trình”. Vừa nói Thu vừa mở ba lô, bên trong có đựng rất nhiều bộ hồ sơ và ba - bốn cái điện thoại. Khi tôi hỏi số điện thoại để tiện liên hệ thì Thu lúng túng, lôi ra một chiếc điện thoại có dán một tờ giấy ghi sẵn dãy số rồi đọc cho tôi. Sau đó, Thu trưng một tờ giấy chi chít chữ tiếng Anh mà theo Thu, đây là cam kết, hợp đồng để mua bán trứng. Thu dịch: “Người cho trứng tặng món quà cho cặp vô sinh, nếu vô chương trình, người cho tuyệt đối không được hút thuốc, uống rượu, không được ức chế buồng trứng, không được dùng bất cứ một loại thuốc nào ngoài tư vấn của BS. Nếu không là phạm luật. Chương trình này có nhiều người khi chích vô dị ứng, bị nóng, đỏ nhưng không đáng kể. Tôi hoàn toàn thống nhất, không có khiếu nại về sau và đồng ý hiến tặng…”.
Tôi tiếp tục thắc mắc: “Sao không làm ở Việt Nam mà phải ra nước ngoài?”, Thu trả lời: “Do tuổi của chị đã lớn nên phải qua bển. Em giúp chị đi, nếu hoàn cảnh khó khăn quá, chị sẽ gửi thêm cho em ít tiền”. Thu thở dài, rồi kể hoàn cảnh: “Do lấy chồng trễ, khi mang thai bị rớt hoài, đến năm thứ sáu mới đẻ được một bé trai nhờ thụ tinh ống nghiệm. Giờ Thu muốn đẻ đứa nữa, với ước muốn con gái nhưng không có khả năng thụ thai tự nhiên nên phải tìm người trẻ cho trứng. Mọi thủ tục, xét nghiệm làm tại Việt Nam, còn khâu lấy trứng và thực hiện thụ tinh nhân tạo phải sang Thái Lan”.
Bà Thu (X)đang thỏa thuận giá bán trứng với PV tại Medic
Không cho cũng… mất
Theo lời Thu, thời gian tôi đi Thái Lan khoảng 15 ngày. Sau khi kích trứng, cứ hai ngày, tôi sẽ được siêu âm một lần, nếu chưa đủ “đô” sẽ tăng “đô” (tăng lượng thuốc kích trứng - PV). Thu sốt ruột hỏi: “Em có hộ chiếu chưa? Chưa thì chị sẽ làm cho em, lẹ lắm!”.
Thấy tôi tỏ vẻ lo lắng, Thu trấn an: “Chị đã theo chương trình hiếm muộn nên có kinh nghiệm lắm. Em an tâm đi, BS sẽ chích vô bụng mỡ - ở chỗ này da dày nên không có cảm giác đau. Chích buổi sáng, buổi chiều là đi chơi được. Em đừng sợ, mỗi tháng đến ngày, trứng em rụng tự nhiên, chị chỉ xin em một chu kỳ. Nếu em không cho chị, nó cũng mất tự nhiên. Người ta sẽ “hái trứng” lúc vừa chín, em sẽ không mất mát gì, vẫn thụ thai bình thường”.
Thu cho biết, hiện chị ta đang được một BS ở BV Từ Dũ theo dõi. Nếu tôi đồng ý, Thu sẽ lấy hẹn để tư vấn, xét nghiệm. BS quen sẽ theo dõi ngày “đèn đỏ” của tôi. Còn tôi sẽ trải qua nhiều đợt xét nghiệm trước khi sang Thái Lan.
Sau khi chốt giá “12 triệu đồng”, Thu đóng tiền và dẫn chúng tôi đi lấy một xilanh máu và xét nghiệm ngay tại Trung tâm Y khoa Medic. Thu dặn: “Nếu kết quả là nhóm máu O thì ngày mai chị em mình đến gặp BS tư vấn nhé. Em nhớ mang theo chứng minh nhân dân, hộ chiếu để làm thủ tục”.
Với kết quả nhóm máu O, Thu hẹn chúng tôi đến một phòng khám ở Q.3 để gặp BS T.M. Sau vài phút chờ đợi, chúng tôi được BS T.M. tư vấn chuyên môn về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN). Tôi thắc mắc, sao trường hợp của chị Thu không làm được ở Việt Nam thì BS T.M. cho biết do cô này đã lớn tuổi… Rồi BS T.M. cho xét nghiệm, siêu âm, tham vấn tiền sản của phòng khám T.M., cụ thể tôi sẽ được làm xét nghiệm Karyotype (tham vấn di truyền và tiền sản); một phiếu yêu cầu xét nghiệm X-quang, siêu âm, đo điện tim, điện não, điện cơ, đo loãng xương, chụp CT Scan, chụp nhũ ảnh. Thấy tôi còn lo lắng, BS T.M. khuyên Thu liên hệ với cô Hương (người được cho là hay đưa BS Thái Lan qua Việt Nam tham dự hội nghị). Thu cứ luôn miệng trấn an tôi: “Đây là chương trình hợp tác với BV T.D., nếu em không đủ tiêu chuẩn, em sẽ không được sang Thái đâu, vì họ tuyển rất kỹ”.
Sau khi ở phòng khám của BS T.M. về, Thu liên tục nhắn tin và hỏi tôi “đến tháng” chưa để làm các xét nghiệm. Tỏ ý nhiều rủi ro, tôi lật “bài ngửa: “Em biết chị là "cò" trung gian. Giờ em kiếm được thêm hai đứa em cần bán trứng nữa, chị đồng ý không?”. Thu tỏ vẻ mừng rỡ nhưng vẫn thận trọng nói: “Chị xin của em là cho chị, nhưng nếu em tìm được người đạt các tiêu chuẩn của chương trình thì chị sẽ tìm người mua trứng. Bạn chị nhiều người có nhu cầu lắm. Vậy đi, ngày mai em và chị đi xét nghiệm. Ngày kia em đưa cô bé kia, ngày sau nữa đưa cô còn lại. Đừng đưa hai cô đi cùng một lúc rất khó xử lý”. Đến ngày hẹn, tôi nhận được 22 cuộc gọi nhỡ của Thu cùng một tin nhắn: “Chị đang ở chỗ xét nghiệm, em đang ở đâu?”.
Bà Thu đang trao đổi với phóng viên bên ngoài phòng khám của BS T.M.
“Cò” trong bệnh viện
Trao đổi với Báo Phụ Nữ, BS Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ - khẳng định: BV hoàn toàn không có chương trình hợp tác gửi người bệnh sang Thái Lan điều trị vì Khoa Hiếm muộn của BV Từ Dũ đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại điều trị hiếm muộn. Mặt khác, theo luật pháp, không được thực hiện kỹ thuật hiếm muộn cho phụ nữ trên 45 tuổi, những trường hợp sinh con theo giới tính.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Thu khá quen thuộc với các nhân viên y tế, BS BV phụ sản… và thường lảng vảng trong BV để tìm người bán trứng. Sở dĩ những phụ nữ hiếm muộn cần xin trứng thường được "cò" tư vấn sang Thái Lan vì sẽ không bị kiểm tra chặt chẽ về lý lịch, tránh rắc rối về sau; riêng bản thân “cò” cũng được BV ở Thái Lan “thưởng” công môi giới.
Không chỉ có “cò” bên ngoài, thậm chí bên trong BV cũng có người môi giới. Một BS điều trị hiếm muộn tại TP.HCM kể: trước đây, “cò” xin trứng chỉ là “tay chân” móc nối với BS trong nước để được thực hiện TTTÔN. Hiện nay, “cò” xin trứng tinh vi hơn khi BS trong nước trở thành “tay chân” cho BS nước ngoài. Vị BS này chia sẻ về trường hợp của mình: trong khi đang chọc hút cho bệnh nhân, thì nhận được lệnh ban giám đốc sắp xếp tiếp một đoàn BS sản khoa từ một BV Thái Lan đến tham quan. Lúc ra về, một thành viên trong đoàn xin một cuộc hẹn để “nói chuyện riêng”. Tại đây, ông ta mới nói thẳng ra ý của mình là các BV ở Thái Lan rất hiện đại và “thoáng”, có thể thực hiện các kỹ thuật sinh sản mà ở Việt Nam còn “cấm cửa” như: cấy túi phôi để chọn sinh con trai, con gái; cho phép mang thai hộ… Vì vậy, nếu bệnh nhân ở Việt Nam có nhu cầu mà không thể thực hiện được, “nhờ BS giới thiệu sang Thái Lan, sẽ có “hoa hồng” riêng cho người giới thiệu!". BS Thái Lan còn cho biết là đã “ghé thăm” các BV phụ sản lớn khác và đã đặt được một vài “mối quan hệ” nên đây là chuyện bình thường không phải lo. Một BS điều trị vô sinh nam cho biết, ông thường xuyên nhận mail thông báo mức giá dịch vụ ở Thái Lan, mức hoa hồng cho mỗi ca bệnh… Nếu giới thiệu một bệnh nhân thì tiền hoa hồng không dưới “ngàn đô”. Và hiện có không ít BS “dính” vào đường dây này.
Cấm hiến, tặng mang tính thương mại
BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM - cho biết, chi phí điều trị tại Thái cao hơn nhiều lần so với trong nước. Chưa kể, khi thực hiện tại xứ người, nếu có xảy ra những biến chứng rủi ro; người bệnh cũng không biết đâu mà cầu cứu vì các cơ sở này thực hiện “chui”. BS Hồ Mạnh Tường khẳng định, ngay cả Thái Lan cũng không cho phép các cơ sở điều trị hiếm muộn thực hiện sinh con theo giới tính. Nhưng các cơ sở này vẫn lách luật, thực hiện bằng cách xem xét phôi có mắc các bệnh lý di truyền hay không. Và khi xem xét như vậy, BS sẽ biết được phôi nào mang nhiễm sắc thể giới tính bé gái hay bé trai.
BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM - khuyến cáo, theo thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế từ năm 2003 thì các cơ sở y tế chuyên khoa chỉ được phép điều trị hiếm muộn cho những trường hợp là vợ chồng. Do đó, các cơ sở điều trị phải yêu cầu bệnh nhân xuất trình giấy chứng minh nhân dân và giấy đăng ký kết hôn để xác nhận tính hợp pháp. Còn với những cặp vợ chồng hiếm muộn mà người phụ nữ không còn trứng hoặc trứng kém chất lượng vì lớn tuổi… thì có thể xin trứng để TTTÔN. Theo quy định, người cho trứng phải không quá 35 tuổi, không mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục và buồng trứng hoạt động tốt. Người bệnh muốn xin trứng phải được BS thăm khám và chỉ định, chứ không phải thực hiện tùy tiện. Một ca thực hiện TTTÔN tại Việt Nam từ 2.000 - 3.000 USD, còn ở các nước trong khu vực từ 8.000 - 12.000 USD. Ngoài ra, người bệnh còn chịu chi phí ăn ở, đi lại và sinh hoạt… cao hơn nhiều so với chi phí điều trị.
Cũng theo BS Đặng Quang Vinh, những trường hợp lấy trứng ở các cơ sở không đủ chuyên môn, người cho trứng có nguy cơ bị quá kích buồng trứng như: bụng căng trướng khó chịu, có dịch trong ổ bụng, khó thở… Hoặc buồng trứng của người cho không tự cầm máu được, buộc phải phẫu thuật để giữ tính mạng. Với người xin trứng, nếu trên 45 tuổi, khi mang thai rất dễ bị tiền sản giật, cao huyết áp, tiểu đường…
Nhóm phóng viên CTXH
BS Đặng Quang Vinh, Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản, Khoa Y, Đại học Quốc gia TP.HCM - khẳng định, Việt Nam là một trong bốn trung tâm đào tạo về hỗ trợ sinh sản lớn của châu Á, với 17 trung tâm ở cả ba miền và thực hiện cho khoảng 7.000 ca TTTÔN mỗi năm. Hầu hết các kỹ thuật tiên tiến hiện đại đã được triển khai thành công, trong đó, có những kỹ thuật khó như: trưởng thành trứng trong ống nghiệm (còn gọi là nuôi trứng non), trữ lạnh mô tinh hoàn… Do đó, Việt Nam thu hút nhiều người nước ngoài đến điều trị. Vừa qua, Việt Nam cũng đào tạo kỹ thuật mới về hỗ trợ sinh sản nuôi trưởng thành noãn trong ống nghiệm cho đoàn chuyên gia do một BV lớn ở Singapore gửi đến. Nhiều học viên các nước khác cũng tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn có một lượng nhỏ bệnh nhân chọn ra nước ngoài điều trị chủ yếu vì những kỹ thuật chúng ta không được phép triển khai theo luật định như: mang thai hộ hay các trường hợp sinh con theo ý muốn…
Luật sư Trần Mạnh Thắng, Văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa - cảnh tỉnh: Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nghiêm cấm việc mua, bán noãn và tinh trùng vì mục đích thương mại. Như vậy, pháp luật chỉ có quy định về việc hiến, tặng cho noãn, tinh trùng thông qua các cơ sở y tế bảo quản để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Hai bên cho - nhận này cũng phải có hồ sơ xin hiến và xin nhận hợp pháp.