Đáng nói, năm 2019, có đến bảy tỉnh, thành phản ánh với Bộ Y tế rằng thuốc gây tê này có vấn đề; đặc biệt ở Đà Nẵng có hai sản phụ tử vong và một sản phụ nguy kịch.
Lên cơn co giật sau năm phút gây tê
Ngày 13/10, sản phụ Phan Thị Kỳ D. (25 tuổi, ở xã Sơn Màu, H.Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) nhập viện tại Bệnh viện (BV) đa khoa tư nhân Phúc Hưng (TP.Quảng Ngãi) để chuẩn bị sinh con. Chị D. mang thai lần thứ hai, được 39 tuần, có đi khám thai ở một phòng khám sản khoa tư nhân của bác sĩ N. và được giới thiệu vào sinh mổ tại BV này.
|
Bệnh viện đa khoa tư nhân Phúc Hưng - nơi sản phụ D. đến sinh mổ, sau đó lên cơn co giật và tử vong |
Khi nhập viện, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, tiếp xúc được và thể trạng trung bình, nhịp tim đều, huyết áp 110/70 mmHg, phổi thở đều… Đến 10 giờ cùng ngày, sau khi hội chẩn các bác sĩ đã sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0.5% Heavy số lô: VN-20879-17 để gây tê tủy sống trước khi tiến hành cho bệnh nhân sinh mổ. Tuy nhiên năm phút sau, chị D. có biểu hiện đau, tê vùng mông rồi co giật hai chân.
Để cứu thai nhi, các bác sĩ đã chuyển sang gây mê toàn thân bệnh nhân D. rồi mổ ngang đoạn dưới tử cung lấy ra bé gái nặng 3kg. Sản phụ D. tiếp tục co giật toàn thân, được khâu vết mổ và chuyển sang hồi sức tích cực, chống co giật. Tình trạng bệnh nhân không cải thiện nên các bác sĩ hội chẩn và chuyển đến BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Bệnh nhân được chẩn đoán chuyển viện: ngộ độc thuốc tê và mổ lấy thai.
Sau hơn hai giờ được hồi sức tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc BV đa khoa tỉnh Quảng Ngãi, bệnh nhân được chuyển đi Đà Nẵng. Trên đường chuyển viện, chị D. yếu dần nên được đưa vào BV đa khoa Trung ương Quảng Nam để hồi sức và tử vong ngay sau đó.
Theo bác sĩ Đào Trọng Nhân, bác sĩ gây mê chính tại BV đa khoa tư nhân Phúc Hưng, khi chuẩn bị sinh, các chỉ số về huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể... của chị D. đều bình thường. Tuy nhiên, sau khi gây tê, bệnh nhân có biểu hiện co giật hai chân, các bác sĩ sợ nguy hiểm cho thai nhi nên đã quyết định chuyển sang gây mê và tiến hành mổ lấy thai. Bác sĩ Nhân chia sẻ: “Loại thuốc gây tê này đã từng có nhiều cảnh báo về tác dụng phụ khi sử dụng cho các bệnh nhân”.
Năm 2019, hai sản phụ tử vong và một sản phụ khác nguy kịch do tai biến sản khoa tại BV Phụ Nữ (TP.Đà Nẵng) nghi có liên quan đến thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy của Ba Lan. Trước đó, nhiều tỉnh, thành như: Cần Thơ, Bến Tre, Long An, Hà Nội... đã lên tiếng về thuốc gây tê tủy sống chứa hoạt chất Bupivacaine do Ba Lan sản xuất không an toàn.
Riêng Sở Y tế Hà Nội có báo cáo Cục Quản lý Dược Bộ Y tế kèm phiếu kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Trung ương rằng lô thuốc do Ba Lan sản xuất có dị vật lơ lửng, không đạt chất lượng về tính chất, độ trong. Cục Quản lý Dược có văn bản gửi đến các cơ sở y tế và Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương CPC1 yêu cầu tạm dừng sử dụng lô thuốc tiêm Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy của Ba Lan sản xuất, số lô 02DB0718.
Thuốc trong danh mục đấu thầu của bảo hiểm y tế
|
Thuốc gây tê tủy sống của Ba Lan từng liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong ở Đà Nẵng |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Phụ nữ TP.HCM, nhiều tỉnh, thành đã lên tiếng về thuốc gây tê do Ba Lan sản xuất, sao Quảng Ngãi vẫn sử dụng, ông Nguyễn Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV đa khoa tư nhân Phúc Hưng, khẳng định: số thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy mà BV đang sử dụng đúng là của Ba Lan sản xuất, số lô VN-20879-17, không trùng với lô thuốc nghi liên quan đến hai sản phụ tử vong và một sản phụ khác nguy kịch do tai biến sản khoa tại BV Phụ Nữ. Sau một thời gian tạm dừng, BV đã sử dụng thuốc khác thay thế. Khi Bộ Y tế cho phép tiếp tục sử dụng loại thuốc trên thì BV lại đưa vào sử dụng.
Thêm vào đó, gói thầu của bảo hiểm y tế có thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy nên nếu sử dụng loại thuốc thay thế khác sẽ khó khăn trong quá trình thanh toán tiền bảo hiểm y tế. Vì vậy, BV phải sử dụng đúng danh mục thuốc của bảo hiểm y tế quy định.
Sản phụ D. sử dụng bảo hiểm y tế khi nhập viện mà không yêu cầu các dịch vụ khác nên BV chỉ áp dụng các loại thuốc nằm trong gói bảo hiểm y tế. “Nếu sử dụng loại thuốc khác chắc chắn bệnh nhân sẽ đồng ý nhưng sẽ khó khăn trong quá trình thanh toán về sau. Nếu bệnh nhân đến BV yêu cầu không sử dụng thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế thì BV vẫn có những loại thuốc riêng”, ông Quang nói.
BV đa khoa tư nhân Phúc Hưng đã nhiều lần sử dụng loại thuốc này khi thực hiện can thiệp sinh mổ cho sản phụ nhưng không có dấu hiệu bất thường. Trường hợp sản phụ D. có biểu hiện co giật sau gây tê nên BV nghi do ngộ độc thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy là trường hợp đầu tiên.
Ông Lê Báy, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi, cũng khẳng định: “Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế không cấm sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy do Ba Lan sản xuất. Số thuốc này nằm trong danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp tỉnh. Hiện chúng tôi nghi ngờ nguyên nhân tử vong của sản phụ D. do ngộ độc loại thuốc tê. Nguyên nhân chính thức phải chờ họp hội đồng khoa học cơ sở”.
Được biết, con gái sản phụ D. được BV đa khoa tư nhân Phúc Hưng thỏa thuận nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến năm 18 tuổi.
Lê Phúc