Có sân bay Thành Sơn, Ninh Thuận muốn thúc đẩy thương mại, du lịch

15/11/2024 - 18:24

PNO - Tại hội nghị kết nối xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại TPHCM ngày 15/11, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm sẽ giúp tỉnh phát huy tốt các tiềm năng vốn có để phát triển kinh tế, nhất là thương mại và du lịch.

Cụ thể, theo ông Trần Quốc Nam, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư một số công trình trọng điểm quốc gia tại Ninh Thuận như: bổ sung sân bay Thành Sơn, công suất 1,5 triệu lượt hành khách/năm vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đã hoàn thành đi vào hoạt động rút ngắn thời khoảng cách thời gian từ Ninh Thuận đi TPHCM từ 6-7 giờ xuống còn 3-4 giờ... Đây là những điều kiện quan trọng và góp phần khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư vào Ninh Thuận.

Ninh Thuận còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế du lịch.
Ninh Thuận muốn thúc đẩy các hoạt động kinh tế, du lịch... sau khi hạ tầng giao thông dần hoàn thiện

Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM, bày tỏ mong muốn thời gian tới, TPHCM sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm cho Ninh Thuận phát triển các thế mạnh vốn có của TP như công nghệ thông tin, kinh tế, số, công nghiệp, dịch vụ... Đồng thời, 2 địa phương thúc đẩy liên kết mạnh hơn nữa phát triển thương mại 2 chiều; hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi siêu thị của TPHCM; TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệp và tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch cho Ninh Thuận...

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chỉ tịch HĐQT Vietravel góp ý, trong chiến lược thúc đẩy du lịch của Ninh Thuận, tỉnh cần đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển văn hóa Chăm, để thu hút khách. Đồng thời, tỉnh cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa đẩy mạnh giáo dục, thu hút thêm dân cư, sinh viên thông qua các chương trình giáo dục tại các trường, như lôi kéo sinh viên bằng mức học phí thấp để tăng dân số tự nhiên, qua đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, qua quan sát khu vực Đầm Nại của Ninh Thuận rất nhiều tiềm năng trở thành điểm đến mới hút khách. Tỉnh nên được quy hoạch hạ tầng, cư dân kết nối với vùng trọng điểm Phan Rang để phát triển du lịch Đầm Nại. Ngoài ra, tỉnh nên quy hoạch cụm công nghiệp đưa về khu tây Quốc lộ 1, để vùng đất ven biển dành cho phát triển du lịch, thể thao…"Vietravel sẵn sàng tham gia với tỉnh tại Vịnh Vĩnh Hy, Cà Ná hay khu vực Đầm Nại để quy hoạch, đầu tư và phát triển du lịch Ninh Thuận.", ông Nguyễn Quốc Kỳ nói thêm.

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công thì cho rằng Ninh Thuận cần nghiên cứu phát triển về hạ tầng, mật độ dân số,… để đón các nhà đầu tư lớn như các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất, trung tâm thương mại nước ngoài,… vì những đơn vị này khi quyết định đầu tư, họ thường nghiên cứu rất kỹ về chính sách phát triển, kế hoạch phát triển của từng địa phương.

Đồng thời, chính phủ đang trên lộ trình tiến tới Net zero, nên địa phương cần hưởng ứng thay thế sử dụng năng lượng sạch thay cho năng lượng hóa thạch, theo xu hướng chung của xu hướng phát triển của thế giới.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI