Có rủi mới gặp may

19/01/2021 - 05:00

PNO - Anh bị thất nghiệp. Đây không phải là tin bất ngờ, bởi ban giám đốc đã họp và thông báo trước gần ba tháng.

Dịch COVID-19 khiến công ty mất quá nhiều đối tác, hàng làm ra không xuất xưởng được, họ buộc lòng phải cắt giảm nhân viên. Đây là lần cắt giảm thứ tư liên tiếp trong năm nay, và đến lượt những nhân viên kỳ cựu như anh phải nghỉ khi hết hợp đồng.

Anh thất nghiệp sau 10 năm đi làm - Ảnh minh họa
Anh thất nghiệp vào đợt cắt giảm nhân sự lần thứ 4 - Ảnh minh họa

Hơn mười năm cần mẫn chưa từng thay đổi chỗ làm, bỗng dưng một sáng thứ hai dậy muộn mà không cần vội vàng chuẩn bị cho kịp giờ, anh bị sốc, thẫn thờ như người mất hồn. Ngồi ăn gần hết tô hủ tíu vợ mua, anh không biết ngon hay dở. Chị hỏi lần thứ ba anh mới giật mình, miễn cưỡng bảo: “Ừ em, phở tiệm này nấu cũng được đó”.

Chị không nói gì, quay mặt giấu vội giọt nước mắt, một phần thương chồng, một phần lo lắng cho những ngày sắp tới. Chị biết, có một cơn bão lớn đang cuộn thổi trong lòng anh, khiến tâm trí anh như lạc mất. Không nỡ nói với chồng rằng anh đã ăn hủ tíu chứ không phải phở, chị lẳng lặng ngồi bên cạnh, thở dài.

Năm hết tết đến, bao nhiêu thứ phải chi tiêu sắm sửa. Mọi việc trong nhà đều trông chờ vào đồng lương của anh, trong khi không dễ nhanh chóng tìm được một công việc mới. Hai đứa con học đại học. Tiệm may nhỏ của chị không đủ tiền chợ mỗi ngày…

Anh làm cùng lúc bốn bộ hồ sơ xin việc, dạo khắp các trang mạng xem có chỗ nào tuyển dụng phù hợp. Không nhiều cơ hội để làm lại từ đầu ở tuổi ngoài 40. Một ít nơi gọi phỏng vấn, nhưng mọi hy vọng đã vội bay biến khi anh vừa đến nơi và trông thấy người ta xếp hàng dài tranh ứng tuyển chỉ một vị trí.

Riết rồi anh sợ trở về nhà, sợ nhìn vào ánh mắt vợ sau mỗi cuộc phỏng vấn thất bại. Cảm nhận được tâm trạng chồng, chị cố tạo thái độ cởi mở vui vẻ, không thắc mắc công việc của anh nữa. Nhưng chị cũng phân vân, nếu chị ít quan tâm, liệu anh có cảm giác bản thân không còn quan trọng với gia đình?

Hồi đầu tuần, đi chợ về, chị vô tình than: “Cứ cuối năm là vật giá tăng ào ào. Cầm xấp tiền ra chợ quay qua quay lại mua vài món là cạn túi”. Vợ chỉ lỡ than thở bấy nhiêu mà anh nằm gác tay lên trán suy nghĩ cả buổi, khiến chị ray rứt mãi.

Sợ con lo lắng, vợ chồng giấu kín chuyện mất việc. Con gái lớn xin tiền mua quà dự sinh nhật bạn, chị bấm bụng lấy từ quỹ dự phòng. Rồi cũng phải cho các con sắm sửa chút ít để du xuân. Còn cả lời hứa sẽ thưởng cho con gái nhỏ một chiếc xe máy nếu con đạt kết quả tốt trong học kỳ này. Anh bàn, hay rút tiền tiết kiệm trước kỳ hạn. Chị nhất định không chịu. Ai cũng khăng khăng giữ ý kiến, cuối cùng cãi vã. Cả hai đều nhận ra bầu không khí nặng nề, đã cố kiềm chế mà sao vẫn làm tổn thương nhau.

Cuối cùng các con cũng phát hiện sự khác thường trong nhà. Sáng chủ nhật, con gái lớn lấy quần áo từ máy giặt ra phơi. Con nói với em: “Sao không thấy giặt đồ đi làm của ba?”. Đứa em sực nhớ ra: “Ừ ha, mỗi chiều gom quần áo khô xếp cất em cũng không thấy”.

Rồi hai chị em liên tưởng đến mâm cơm đạm bạc gần đây, lờ mờ hiểu ra. Con hỏi, anh bảo đang nghỉ phép, chị nói đã giặt riêng quần áo của ba. Sự việc vỡ lở. Hai đứa con ngoan một mực từ chối những món quà cuối năm.

Niềm an ủi lớn của anh chị là con cái rất hiếu thảo và biết thương cha mẹ. Vợ chồng chị không ngờ cả hai đứa con đều có tiền tiết kiệm, dù không nhiều. Sáng sớm con khoác ba-lô đi học, có khi mười giờ đêm mới về đến nhà. Anh chị nghĩ con học thêm ngoài giờ, ai ngờ từ lâu hai đứa đã cùng bạn bè đi làm thêm. Chúng đã trưởng thành.

Anh nhận làm đối tác vận chuyển cho một tập đoàn bán lẻ trên mạng. Đã sẵn thói quen đặt hàng online từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, cộng với dịp gần tết, nên người người mua sắm nhộn nhịp. Anh tất bật gom các đơn hàng, suốt ngày rong ruổi ngoài đường, từ sáng sớm đến tối mịt.

Chị lo ngại: “Quen ở văn phòng, giờ chịu vất vả nổi không?”. Anh bảo vài bữa sẽ quen, hơn nữa anh đi cùng xe tải, tài xế cũng năng nổ phối hợp, nên không quá vất vả.

Chỉ là công việc tạm thời nhưng tính ra thu nhập gần gấp rưỡi lúc trước, anh đang nghĩ có nên chuyển luôn sang nghề mới này không. Bao năm làm kế toán, suốt ngày chỉ nhìn thấy các con số, bây giờ có dịp tiếp xúc với thị trường bán lẻ hiện đại, anh chợt nghĩ đến chuyện kinh doanh. Tạo một hoặc nhiều cửa hàng trên chợ online rất nhanh chóng và không hề tốn kém, anh có thể giúp chị để vợ chồng buôn bán thêm tại nhà.

Tưởng tượng, mọi thứ sẽ ổn hơn nhiều so với trước đây - vốn chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi. Đúng là trong rủi có may. Nếu cuộc sống bằng phẳng không trở ngại, người ta khó có thể nhìn thấy những bước ngoặt, những ngã rẽ để chọn một hướng đi khác tốt đẹp hơn. 

Việt Quỳnh
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI