Có quốc gia nào mua xyanua, axit dễ như Việt Nam?

08/11/2024 - 17:54

PNO - ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan lo ngại về tình trạng mua hóa chất dễ dàng ở Việt Nam, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe, thậm chí tính mạng con người.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quản lý chặt, không để mua bán hóa chất tràn lan trên thị trường - ảnh: P.V
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đề nghị quản lý chặt, không để mua bán hóa chất tràn lan trên thị trường - Ảnh: P.V

Chiều 8/11, thảo luận tại đoàn ĐBQH TPHCM về Luật Hóa chất (sửa đổi), ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, thời gian qua, tình trạng mua bán hóa chất, thậm chí cả các loại chất độc như xyanua, axit diễn ra dễ dàng. Điều này thể hiện qua các vụ án đầu độc bằng xyanua hay các clip tạt axit được chia sẻ trên mạng.

“Thử đi ở một đất nước khác có dễ mua như vậy không?” - ĐB trăn trở.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, nhiều loại hóa chất được nhập mua với một mục đích này nhưng thực tế khi đưa ra thị trường lại phục vụ cho mục đích khác. Ví dụ như xyanua được mua về mục tiêu ban đầu để đãi vàng, axit mua về để nạp ắc quy... Tương tự, nhiều loại hóa chất công nghiệp được sử dụng làm phụ gia thực phẩm mặc dù chứa nhiều tạp chất ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Là Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan nêu thực tế, tại chợ Kim Biên có 16 hộ kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm. Cán bộ, nhân viên của Sở thường xuyên phải “rình rập”, thanh tra để giám sát sản phẩm mua bán phải “nguyên đai nguyên kiện”, đủ nhãn mác. Tuy nhiên, ngoài 16 hộ kinh doanh này, trên địa bản thành phố còn có rất nhiều hộ kinh doanh thông thường khác mà Sở An toàn thực phẩm không phải là đơn vị cấp phép và cũng không có chức năng xử phạt.

Từ thực trạng trên, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) phải có quy định để tăng cường quản lý việc mua bán, kinh doanh hóa chất. Mục tiêu hướng tới là không để mua bán hóa chất tự do, không phải ai cũng có thể mua hóa chất mà không có giấy phép, giấy tờ.

Nữ ĐBQH cũng nhấn mạnh, việc quản lý hóa chất phải có sự đồng bộ giữa các bộ, ngành. Bà lấy ví dụ về chất Salbutamol từng gây xôn xao dư luận. Trong y học, đây là dược chất được sử dụng trong một số loại thuốc điều trị hô hấp nhưng số lượng sử dụng rất nhỏ. Trong khi đó, số lượng thực tế nhập khẩu về tăng hàng chục, hàng trăm lần nhưng không được kiểm soát. Kết quả, chất này sau đó được phát hiện sử dụng làm chất tạo nạc cho heo.

Tương tự, với cồn công nghiệp, sau hàng loạt vụ cồn công nghiệp bị pha chế thành rượu, gây ngộ độc methanol, ĐBQH cho rằng phải có chất chỉ thị để hóa chất không bị sử dụng sai mục đích. Bên cạnh đó, bà đề xuất liệt kê nhóm hóa chất là tiền chất ma túy để kiểm soát chặt, tránh tình trạng lợi dụng nhập khẩu để sản xuất các loại ma túy tổng hợp.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI