Có quê mới mong về tết

19/01/2020 - 18:08

PNO - Đến hẹn lại lên, cứ sắp đến tết là người ta lại bàn chuyện…bỏ tết. Nhưng, có rất nhiều người lại mong đến tết để trở về bên gia đình.

12 giờ đêm, sau mười mấy tiếng vạ vật trên chuyến xe đường dài, ông Tạ Văn Ngọt (quê Quảng Ngãi) lặng lẽ trở về nhà sau hơn 300 ngày chật vật mưu sinh ở TPHCM. Ngắm căn nhà nhỏ trong đêm bề bộn sau những ngày dài vắng chủ, vợ chồng ông Ngọt thức trắng đêm để dọn nhà đón Tết. Hôm nay đã là 25 tháng Chạp.

Người xa quê tất tả rời Sài Gòn trong những buổi chiều cuối năm.
Người xa quê tất tả rời Sài Gòn trong những buổi chiều cuối năm

Những năm 90 của thế kỷ trước, ông Ngọt cùng hàng ngàn người ở Quảng Ngãi bắt đầu cuộc ly hương vào Nam. Điểm dừng chân của ông là một con hẻm nhỏ nằm ở quận 10, TPHCM.

Gần 30 năm rời quê đã cho ông Ngọt một căn nhà khang trang thay cho mái tranh cũ và một cuộc sống đỡ lo toan hơn. Thế nhưng, mong ước lớn nhất của ông là được “về hưu” sống ở quê. “Còn 4 năm nữa con Út học xong Đại học là tui về nghỉ luôn, cả nửa đời người bôn ba rồi còn gì”, ông Ngọt tâm sự.

Trong khi cuộc sống chưa cho phép “về hưu” thì những người như ông Ngọt lại mong đến tết. Tết là dịp ông được trở về ngắm lại ngôi nhà mà ông đã mất đến 30 năm để gầy dựng; Tết cũng là dịp để ông về nhang khói cho ấm bàn thờ tổ tiên.

Ông Ngọt nói: “Sớm hay muộn gì cũng phải về. Mình có quê, tết không về thì đi đâu”.

Bày bán hoa Tết dọc đường ở tỉnh Quảng Ngãi.
Bày bán hoa tết dọc đường ở tỉnh Quảng Ngãi

Hôm qua, trong buổi tất niên ở quê tôi, mấy cụ già lại đem chuyện người ta đòi bỏ tết ra bàn. Mấy ông già quê nghe chuyện bỏ tết giận lắm. Có ông nói: “Mấy người đòi bỏ tết chắc hổng có quê”. Tôi hiểu được “cái giận” của người quê. Ở quê tôi, có nhiều trường hợp cha mẹ gửi con cho ông bà giữ suốt mấy chục năm. Mỗi năm, tết là dịp để họ trở về quê gặp con, thăm cha mẹ già.

Như nhà ông Trần Cừ (ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có ba người con trai lớn đã lập gia đình nên có đến 6 đứa cháu nội. Các cháu nhỏ vừa chập chững biết đi thì ba mẹ phải gửi cho ông bà vào Nam mưu sinh. Gần 20 năm qua, vợ chồng ông vừa làm ông bà, vừa làm cha mẹ chăm sóc cháu để các con yên tâm lập nghiệp.

Ở quê tôi, có những đứa bé lớn lên không kịp nhớ mặt cha mẹ. Tết là dịp để nhiều gia đình nối lại sợ dây tình cảm thiêng liêng. Ông Trần Bích, quê ở huyện Đức Phổ nói: “Tết là cái cớ chính đáng để mình được về thăm nhà. Ngày thường bỏ làm về nhà cũng được thôi nhưng làm sao mà ấm cúng bằng dịp về tết”.

Nông dân tất bật thu hoạch hoa màu để bán trong dịp Tết.
Nông dân tất bật thu hoạch hoa màu để bán trong dịp Tết

Năm nay, bà ngoại của mấy đứa con ông Bích nuôi một đàn gà mấy chục con. Hôm trước, có người đến gạ bà bán bớt chục con để kiếm chừng một triệu đồng xài tết nhưng bà nhất quyết từ chối vì để cho tụi nhỏ về ăn. Trồng mấy cây chuối, bà cũng canh sao cho trổ buồng chín đúng dịp tết để cho tụi nhỏ.

Người xa quê và người ở quê đều vậy, một năm họ đều hướng về dịp Tết cổ truyền. Những ngày đó, làng xóm sẽ đông vui, rộn rã. Những đứa bé cháu nội của ông Trần Cừ cũng sẽ được tựa vào vai ba mẹ sau mấy trăm ngày xa cách. Ai nhìn thấy cảnh tượng đó chắc cũng sẽ nghĩ như tôi, làm sao mà bỏ tết được. Có quê thì phải về Tết.

Sơn Vinh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI