Ngày 9/1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo một số cơ quan báo chí để triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Đức Liên - Trưởng Văn phòng đại diện Báo VietNamNet tại TP.HCM băn khoăn, người dân TP.HCM quan tâm đó là việc với cơ chế đặc thù này thì họ được hưởng lợi ích gì. Đặc biệt là các chính sách an sinh như giáo dục, y tế, an ninh trật tự...
|
Quang cảnh buổi gặp gỡ |
“Với cơ chế đặc thù này thì điều mà người dân quan tâm nhất đó nữa là khi ra đường có phải lo lắng về an ninh trật tự nữa không?”, ông Liên kiến nghị lãnh đạo Thành ủy, chính quyền TP cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí để người dân hiểu rõ hơn.
Ông Mai Ngọc Phước – Tổng Biên tập báo Pháp luật TP.HCM cho rằng, hiện nay theo các đề án trong 5 vấn đề thực hiện cơ chế đặc thù, có nhiều vấn đề liên quan tới luận thuế, phí, lệ phí, vấn đề quản lý và sử dụng chính sách đất đai, vấn đề sử dụng cán bộ, vấn đề xử phạt trong giao thông...
“Sự chênh lệch, lệnh nhau giữa luật Nhà nước hiện hành với các quy định đó như thế nào, chúng ta xử lý như thế nào? Quốc hội có cho phép chúng ta có luật riêng cho TP.HCM không, hay chúng ta phải áp dụng quy định chung. Nếu thực hiện theo những quy định chung thì tôi e rằng việc thực hiện cơ chế đặc thù sẽ khó" - ông Phước nói.
|
Lãnh đạo TP.HCM tại buổi gặp gỡ |
Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM Lê Huyền Ái Mỹ nhận định, Nghị quyết 54 là "mỏ" đề tài của báo chí. Tuy nhiên, điều bà Mỹ băn khoăn là nguồn tư liệu cho báo chí như thế nào để khai thác.
Bà Mỹ cho rằng hiện các nghị quyết đã có nhưng báo chí chờ để có một đường vẽ rõ nét hơn. Cụ thể là các vấn đề quan trọng trong nghị quyết cơ chế đặc thù có các nội dung quan trọng liên quan đến ngân sách, đất đai, thu nhập, con người. "Bao giờ báo chí được tiếp cận những chương trình hành động, kế hoạch cụ thể của UBND TP, HĐND TP, Sở ngành đưa ra?"- bà Lê Huyền Ái Mỹ đặt câu hỏi.
Về vấn đề tăng thuế và phí, theo đó, TP dự định đánh vào các loại mặt hàng tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, rượu bia. “Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào các mặt hàng bia rượu thuốc lá tại TP.HCM, liệu có khiến nguồn hàng này tìm cách lách qua những kẻ hở khác, mà địa bàn các tỉnh lân cận khu vực TP.HCM là ví dụ tiếp tay cho nạn buôn lậu nếu hàng rào kiểm soát không đủ mạnh, đủ chặt?
Đánh thuế vào dịch vụ tiêu khiển như bar, vũ trường thì liệu có tác động phần nào đến việc hạn chế sức hút của ngành du lịch tại TP? Đó là điều cần cân nhắc để trong đề xuất tăng một số loại thuế, phí mà không làm ảnh hưởng đến đầu tư thu hút thị trường”, Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM băn khoăn.
|
Tổng biên tập báo Phụ Nữ Lê Huyền Ái Mỹ phát biểu ý kiến tại buổi gặp |
Trả lời những băn khoăn của lãnh đạo các cơ quan báo chí, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm thừa nhận ngay trong Nghị quyết 54 của Quốc hội có độ vênh với quy định của pháp luật hiện hành, vượt trội hơn so với quy định của pháp luật.
“Nhưng cũng chính vì vậy nên mới cần có nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết mới có thể cho phép quy định một sự điều chỉnh nào đó có thể khác với quy định của pháp luật hiện hành” - bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, trong nghị quyết của Đảng, trong hiến pháp và một số nghị quyết của Quốc hội có nói rằng những vấn đề gì mà luật chưa quy định hoặc quy định mà không còn phù hợp với thực tiễn thì cho phép thí điểm. Với tinh thần như vậy, Nghị quyết 54 đặt ra cơ chế đặc thù thí điểm ở TP.HCM đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Vì vậy, khi thực hiện nghị quyết này sẽ không vi phạm quy định của pháp luật và hoàn toàn phù hợp.
Bà Tâm cho biết thêm, trong điều 7 của Nghị quyết 54 cũng có các khoản quy định áp dụng pháp luật cho thấy việc thực hiện của TP là thuận lợi.
|
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm |
“Việc quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Đây là 4 nhóm vấn đề có sự khác biệt và việc thực hiện theo quy định tại nghị quyết này thuận lợi hơn so với qui định của pháp luật hiện hành. Trường hợp nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành”- bà Tâm nói.
“Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân TP quyết định”, bà Tâm dẫn lại khoản 2 điều 7 của Nghị quyết 54 và cho rằng điều khoản này có độ mở rất lớn cho TP, vai trò của HĐND được giao tăng thêm rất lớn.
Theo bà Tâm, từ “hơn” trong cụm từ “cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn” đặc biệt quan trọng đối với TP.HCM. Có nghĩa là đặt ra cho HĐND có sự lựa chọn, thẩm quyền quyết định về từ “hơn” này. Cơ chế chính sách mà thuận lợi hơn nghị quyết này thì quyền quyết định áp dụng văn bản pháp luật nào là do HĐND TP quyết định.
Về việc điều chỉnh mức thu thuế và các loại phí, lệ phí, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, phí và lệ phí không phải ban hành để tăng nguồn thu, mà để điều chỉnh, quản lý đô thị phát triển nhanh, bền vững theo yêu cầu của TP là chủ yếu, đảm bảo thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút nguồn lực phát triển TP.
|
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trả lời những băn khoăn của các đại biểu |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố đã lập hai tổ công tác để triển khai cơ chế đặc thù. Ông đứng đầu tổ nghiên cứu về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; tăng lương cán bộ… Tổ còn lại do Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phụ trách về các thủ tục đầu tư, tài chính, ngân sách.
"Tinh thần là hai tổ tuần nào cũng họp, dự kiến cuối tháng 3 sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch và phải xong trước tháng 6 thì mới kịp triển khai", ông Phong cho hay.
Bí thư thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Không có cơ chế đặc thù thì đóng góp chậm lại, tăng trưởng chậm lại
|
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ |
Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo một số cơ quan báo chí, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tin rằng các cơ quan báo chí sẽ có đóng góp rất quan trọng trong việc triển khai nghị quyết như từng đã đóng góp trong quá trình Quốc hội thảo luận thông qua nghị quyết.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội đã có ba câu hỏi được đặt ra: TP.HCM có đặc thù gì? Vì sao thời gian qua TP.HCM không có cơ chế đặc thù mà vẫn phát triển? Vì sao TP.HCM cần phải có cơ chế đặc thù?
Bí thư Thành ủy cho biết, TP.HCM có hai đặc thù là đô thị lớn nhất cả nước và là trung tâm kinh tế lớn nhất nước. Tuy nhiên, hai đặc thù này “bình thường ai cũng cảm nhận được”.
Nhưng đi sâu, ông Nhân đưa ra một đặc thù khác, đó là TP.HCM có dân số lớn nhất cả nước. Năm 1975 có 3,5 triệu dân và đến nay đã hơn 8 triệu dân. “Bình quân 8 năm tăng thêm 1 triệu dân. Nhu cầu về xã hội tăng và tăng liên tục. Diện tích nhà không phải cao nhất cả nước, chỉ có 18m2, thấp hơn bình quân khu vực Đông Nam Bộ, bình quân cả nước. Mật độ dân số bằng gần 17 lần cả nước”, ông Nhân nói và cho rằng chính vì dân số tăng nhanh nên nhu cầu đi lại, kẹt xe ngày càng tăng. Dân số lớn tạo nên áp lực đô thị rất lớn, khi dân số tăng là không giải quyết được.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin, bộ máy kinh tế lớn nên đầu tư cũng rất lớn. TP.HCM có 1 quận trên 700.000 dân, có 2 quận trên 600.000 dân, có 5 quận trên nửa triệu dân và có 6 quận 400.000 đến 500.000 dân. Chủ tịch quận ở đó quản lý dân số bằng hơn một nửa tỉnh khác, nhưng bộ máy công chức như của quận. Rõ ràng áp lực rất lớn sau này phải tính nâng cấp. Dân số lớn làm khối lượng công việc chính quyền các cấp rất lớn.
Theo ông Nhân, từ hai đặc điểm dân số lớn nhất, quy mô kinh tế lớn nhất và trước thách thức cạnh tranh và biến đổi khí hậu, TP.HCM đối mặt với 5 thách thức nếu không có cơ chế đặc thù thì đóng góp chậm lại, tăng trưởng chậm lại. Từ đó cho thấy sự cần thiết phải có cơ chế đặc thù và cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng là vì cả nước. Cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho TP phát triển và đóng góp cho cả nước.
|
Quỳnh Mai
Ảnh: Minh Thanh