Cổ phục Việt lên phim: Không thể lấy mác “giả tưởng” để hành xử thiếu trách nhiệm với văn hóa

29/11/2020 - 06:58

PNO - Sáng tạo về lịch sử cần phải có cái gốc vững vàng, không như những lĩnh vực khác. Không thể nhân danh sáng tạo để mang đến những sự tùy hứng, ngoại lai, và tự gọi đó là “truyền thống”

Vừa qua, dư luận đặt nhiều chú ý đến hai bộ phim cổ trang Việt Nam Quỳnh hoa nhất dạKiều. Trên các diễn đàn, hội nhóm về lịch sử - văn hóa Việt Nam, những bài đăng về loạt tạo hình nhân vật nhận được hàng trăm, hàng ngàn lượt bình luận; chứng tỏ đề tài lịch sử Việt Nam, đang thu hút một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Tuy nhiên, với mỗi tạo hình được ê-kíp giới thiệu, rất nhiều ý kiến nổ ra vì tính thiếu chính xác về mặt lịch sử.

Liệu bộ phận khán giả trẻ này có đang quá tiêu cực - hay đây mới chính là tín hiệu đáng mừng?

Nếu trước đây, dư luận bày tỏ sự quan ngại với việc người trẻ đang dần lãng quên lịch sử văn hóa, thì mấy năm trở lại đây, gió đã đổi chiều. Chính những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, thậm chí sinh sau năm 2000, đang là những nhân tố hăng hái trong việc tìm hiểu lịch sử, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều hội nhóm, diễn đàn, thương hiệu đã ra đời, không chỉ đơn thuần xoay quanh sách vở - lý thuyết, họ đang thực sự bắt tay vào làm, và bước đầu để lại những dấu ấn đáng khích lệ.

Tạo hình nhân vật Hoạn Thư (trái) trong phim Kiều và nhân vật Dương Vân Nga  trong phim Quỳnh hoa nhất dạ
Tạo hình nhân vật Hoạn Thư (trái) trong phim Kiều và nhân vật Dương Vân Nga trong phim Quỳnh hoa nhất dạ

Đi kèm với việc phát triển về mặt tư duy - nhận thức về lịch sử, văn hóa dân tộc, chính bộ phận này đang ngày càng khắt khe hơn với những tác phẩm mang tính chất lịch sử. Khán giả ngày càng chú ý hơn khâu tạo hình; bởi lẽ, sau một quãng thời gian kéo dài, sự “đứt gãy” về mặt văn hóa đã tạo nên một nhận thức sai lầm về cổ phục Việt Nam trong tuyệt đại đa số dân chúng, qua nhiều thế hệ. 

Tuy nhiên, với sự phát triển của chính những hội nhóm văn hóa điều hành bởi người trẻ thời gian qua, công chúng đã dần có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về giá trị văn hóa Việt. Giờ đây, người ta không chỉ gói gọn trong “áo dài, nón lá, áo tứ thân, cây đa, giếng nước”, mà còn biết được áo ngũ thân, áo tấc, áo Nhật bình, áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo đối khâm… Để có được bước tiến ấy, không thể phủ nhận những đóng góp rất lớn của người trẻ.

Vì thế, khi đối diện với loạt tạo hình khó hiểu từ Quỳnh hoa nhất dạ hay Kiều, bộ phận khán giả này có sự phản ứng và chỉ trích là điều dễ hiểu. Đó không phải việc “ném đá” để dìm một ai xuống tận đáy, mà chính là nỗi lòng và khao khát của người trẻ về một tác phẩm có thể truyền tải được lịch sử vừa có tâm, vừa có tầm.

Trước phản ứng của dư luận về tạo hình nhân vật Hoạn Thư - do diễn viên Cao Thái Hà đảm nhận - được ê-kíp phim Kiều tung ra vài ngày trước, ngày 26/11, đạo diễn Mai Thu Huyền chính thức phản hồi trên trang cá nhân của mình: “Có lẽ do sơ sót của ê-kíp là ngay từ đầu không nói rõ phim Kiều thuộc thể loại cổ trang - fantasy, không lệ thuộc vào thời gian, không gian cụ thể, gây hiểu lầm cho khán giả là phim sẽ làm y chang như nguyên tác, nên mới có những tranh cãi trong thời gian qua”.

Trước đó, tung teaser đúng dịp kỷ niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du, đoàn làm phim Kiều cũng đã gây tranh cãi với dòng chữ “Lạc Uyển Lâu”, vì lúc đó chưa có chữ Quốc ngữ, tạo hình nhân vật Thúy Kiều quá hở hang và trang phục không phù hợp với bối cảnh câu chuyện. 

Phim Quỳnh hoa nhất dạ - lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật trong lịch sử về Thái hậu Dương Vân Nga - cũng gây tranh cãi khi nữ chính diện bộ trang phục được cho là có hơi hướng cung đình Mãn Thanh (Trung Quốc).

Khi trả lời phỏng vấn về sự sai lệch trong trang phục của bộ phim Quỳnh hoa nhất dạ hay Kiều, mỗi ê-kíp đều có câu trả lời khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở cùng một ý tưởng: “không đủ tài liệu”, “thiếu tư liệu”. Vấn đề thiếu tư liệu như một chiếc “kim bài miễn tử” mà các ê-kíp thường sử dụng khi đối diện với tranh cãi về tính xác thực. Thậm chí, việc “thiếu tư liệu” cũng được nói đi nói lại như một cách để họ thỏa sức tưởng tượng và “biến hóa” theo ý riêng.

Tuy nhiên, câu trả lời đó hoàn toàn không thể đứng vững trong thời điểm hiện tại; khi mà nguồn tư liệu hiện tại không còn quá khó tiếp cận, rất nhiều đơn vị đều có thể đứng ra tư vấn. Lập luận “làm “chuẩn” thì tẻ nhạt, không ai xem” theo đó cũng chưa thuyết phục vì thực tế cho thấy, những sản phẩm có sự đầu tư nghiêm túc về mặt tạo hình lịch sử trong thời gian vừa qua đều mang về thành công rực rỡ. Điển hình như MV Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy, tái hiện gần chuẩn xác về một giai đoạn lịch sử. Kết quả: MV thắng lớn ở mặt chuyên môn lẫn sự đón nhận của khán giả.

Nhưng, câu hỏi đặt ra ở đây: giới hạn nào cho việc “fantasy”, “giả tưởng” đối với các bộ phim điện ảnh? Ta đều biết, đã là một tác phẩm điện ảnh, không thể và không nên yêu cầu ê-kíp phải chi li, tỉ mẩn “phục dựng” chuẩn đến 100%. Tuy nhiên, sáng tạo về lịch sử cần phải có cái gốc vững vàng, không như những lĩnh vực khác. Không thể nhân danh sáng tạo để mang đến những sự tùy hứng, ngoại lai, và tự gọi đó là “truyền thống”.

Sáng tạo dựa trên nền tảng và thái độ nghiên cứu chỉn chu lúc nào cũng đáng hoan nghênh. Nhưng sự sáng tạo mang danh lịch sử mà lại thiếu nghiên cứu, sáng tạo nhưng không dựa trên gốc gác của văn hóa cội nguồn, chính là vô trách nhiệm với chính di sản của tiền nhân vậy. 

Tôn Thất minh Khôi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI