Cổ phiếu lao dốc, giá vàng và dầu tăng mạnh khi Nga tấn công Ukraine

24/02/2022 - 14:00

PNO - Giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014 làm trầm trọng thêm mức độ lạm phát của nền kinh tế toàn cầu.

Giá cổ phiếu lao dốc

Chứng khoán toàn cầu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh vào đầu ngày 24/2, giá đô la, vàng và dầu thì tăng vọt khi quân đội Nga đổ bộ toàn diện vào các thành phố của Ukraine từ biển Đen.

Các hãng thông tấn Nga đưa tin, quân đội Nga đã tấn công vào vùng biển Đen của Ukraine ở Odessa và Mariupol thuộc khu vực Donetsk, miền đông Ukraine. Cùng lúc đó, trang tin Ukrainska Pravda dẫn lời một quan chức Bộ Nội vụ Ukraine cho biết các trung tâm chỉ huy quân sự của Ukraine tại các thành phố Kiev và Kharkiv đã bị tấn công bằng tên lửa.

Thị trường chứng khoán lao dốc không phanh sau quyết định tấn công Ukraine của Nga.
Thị trường chứng khoán lao dốc không phanh sau quyết định tấn công Ukraine của Nga.

Các thông tin này vốn đã làm tình trạng bán tháo cổ phiếu tồi tệ càng tồi tệ hơn. Chỉ số chứng khoán tổng hợp của khu vực châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) giảm hơn 3,2%, trong đó cổ phiếu Úc giảm hơn 3% và blue chip Trung Quốc giảm 1,3%. Bên cạnh đó, Nikkei của Tokyo cũng giảm hơn 2,4%. 

Tương tự, thị trường chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh với S&P 500 e-minis giảm 2,3% và Nasdaq giảm 2,8%. Cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc giữa Nga và Ukraine cũng khiến chỉ số biến động CBOE (.VIX), thường được gọi là thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, tăng hơn 55% trong chín ngày qua.

Ngoài ra, đợt bán tháo cổ phiếu càng trầm trọng, diễn ra sau khi chứng khoán Mỹ giảm điểm vào ngày 23/2, với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1,38%. Chỉ số MSCI, thước đo hàng đầu về thị trường chứng khoán trên toàn cầu, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021.

Giá dầu tăng mạnh

Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 3,5% vượt qua mức 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2014, còn loại West Texas Intermediate tăng 4,6% lên 96,22 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng mạnh xảy ra khi Nga chính thức nổ súng tấn công Ukraine, làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn đối với hoạt động xuất khẩu năng lượng quan trọng của khu vực.

Giá dầu tăng mạnh cũng khiến mức độ lạm phát tăng cao và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng mù mịt. Các nhà phân tích nói thêm, bất kỳ sự gián đoạn nào đối với hoạt động xuất khấu dầu từ Nga, nhà sản xuất dầu lớn số 2 thế giới, sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn nữa trong những ngày tới.

Chuyên gia kinh tế cấp cao của Maybank tại Singapore Chua Hak Bin cho biết: "Giá dầu tăng sẽ gia tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới trong việc thực hiện chu kỳ thắt chặt và tăng lãi suất mạnh hơn để kiềm chế rủi ro lạm phát".

Dầu tăng giá thúc đẩy sự tăng giá của khí đốt
Dầu tăng giá thúc đẩy sự tăng giá của giá khí đốt tự nhiên.

Nói rộng hơn, JPMorgan Chase & Co (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới) cảnh báo việc dầu tăng lên mức 150 USD/thùng sẽ gần như cản trở sự mở rộng toàn cầu và khiến lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp hơn ba lần so với tỷ lệ mà hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ dự đoán.

Giá dầu tăng mạnh cũng kéo theo giá khí đốt tự nhiên tăng trưởng. Theo đó, các chuyên gia dự báo cuộc khủng hoảng năng lượng khả năng cao sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng lên chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến chi phí vận chuyển tăng cao và việc giao hàng nguyên liệu thô và thành phẩm bị trì hoãn.

Giá vàng tăng, đồng euro giảm

Giá vàng tăng hơn 1,2% lên 1.930,86 USD/lượng, mức cao nhất kể từ đầu tháng 1/2021.

Trong khi đó, đồng euro giảm 0,38% xuống 1,1266 USD, còn đồng rúp của Nga giảm tiếp 0,3% so với đồng USD, sau khi đã giảm hơn 3% trong ngày 23/2.

Làn sóng bán tháo cũng càn quét các thị trường tiền số, kéo giá bitcoin xuống 35.197,44 USD, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng qua.

Thu Hương (theo Reuters và Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI