Tôi không được tôn trọng. Ánh mắt khinh miệt, lời nói cay nghiệt, bạo lực… theo suốt cuộc hôn nhân ngột ngạt của chúng tôi. Đó cũng chính là lý do chia tay và những mâu thuẫn trong phân chia tài sản” - chị Trần Thị K.H. chua chát giãi bày với phóng viên, giữa dòng người hối hả tan tầm chiều muộn.
|
Chị K.H. đang soạn hàng hóa ở shop thời trang của mình |
Dốc sức cho “công ty nhà”
Tám năm chung sống đã vắt kiệt sức chịu đựng, chị K.H. nộp đơn ly hôn và vấn đề tài sản, chị yêu cầu tòa giải quyết sau. Theo chị K.H., trong thời kỳ hôn nhân, chị dốc sức cùng chồng vận hành ba công ty. Bên cạnh chồng, chị là linh hồn của các công ty, là yếu tố quan trọng đưa đến sự hưng thịnh thời gian qua.
Trong đó, riêng công ty M. hoạt động trong lĩnh vực sách được thành lập trước thời kỳ hôn nhân nhưng trên thực tế, chị đã góp mặt từ buổi đầu sơ khai, khi công ty chỉ có một “càng” là ông giám đốc và hai “ngoe” là nhân viên mua hàng, giao hàng.
Tình cảm ông chủ mới khởi nghiệp và cô nhân viên trẻ nảy sinh qua quá trình “chung lưng đấu cật” trong thương trường sóng gió. Chị chịu thương chịu khó, không nề hà, hễ làm việc gì tốt cho công ty là chị sẵn sàng xắn tay.
Nhập liệu, trực điện thoại, chăm sóc khách hàng, bán hàng, kế toán, quản lý nhân viên, công việc hành chính… chị cũng đảm; mà những việc nặng nhọc thường đòi hỏi cơ bắp của cánh đàn ông như in ấn bao bì, thu mua, khuân vác, soạn hàng đóng gói, gửi hàng… chị cũng gánh. Vài năm sau, công ty phát triển hơn, khối lượng công việc lớn dần, chị nắm vai trò chính là trưởng phòng kinh doanh.
Khi thương hiệu vững mạnh, công ty M. triển khai dự án mới - lập một trong những trang mạng đầu tiên về mua hàng trực tuyến H. và mau chóng gặt hái thành công, chính thức trở thành công ty độc lập với tên cổ đông góp vốn là công ty M. và chồng chị K.H. Chị giúp chồng xây dựng chiến lược, làm việc song song ở hai công ty và về hẳn công ty mới khi khối lượng công việc quá lớn.
Tiền tăng, tình… tan
Chị K.H. uất ức chia sẻ: “Trước và trong thời kỳ hôn nhân, tôi đã làm việc với tinh thần nhiệt huyết cao độ, đi sớm về muộn, gắng sức vì bước tiến của công ty. Thậm chí, có những tháng ngày tôi “bao” luôn công việc dọn dẹp vệ sinh cho công ty vì diện tích không lớn và để khỏi thuê lao công, hao tốn chi phí. Đổi lại là gì? Khi mâu thuẫn hôn nhân quá trầm trọng, kết thúc bằng một tờ giấy ly hôn, toàn bộ quyền điều hành ba công ty đều do chồng cũ quản lý, toàn bộ cổ phần vốn góp của các công ty đều do chồng cũ nắm giữ. Chồng cũ đã nhẫn tâm gạt hết công sức đóng góp của tôi và đuổi tôi ra khỏi công ty”.
Chị cho biết, nỗ lực thỏa thuận chia tài sản của hai bên sớm đi vào ngõ cụt. Khẳng định cổ phần là tài sản chung vợ chồng vì phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, chị không còn cách nào khác là khởi kiện chia tài sản để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tòa án nhân dân Q.Tân Bình, TP.HCM đã thụ lý đơn tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn của chị K.H. với giá trị tài sản chị yêu cầu chồng cũ chia cho mình là trên 25 tỷ đồng.
Đồng thời, lo sợ cổ phần “bốc hơi” vì nghe thông tin chồng bán, chị K.H. cũng đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm chuyển dịch quyền về tài sản đang tranh chấp. Phóng viên liên hệ chồng cũ của chị K.H. để ghi nhận thông tin đa chiều, thì anh từ chối: “Cô ấy đã nộp đơn cho tòa thì cứ chờ tòa xử lý”.
Tại phiên hòa giải vào giữa tháng 3/2018, người đại diện đã nêu quan điểm của bị đơn: không đồng ý chia 50% tài sản là cổ phần tại công ty H. do việc công ty M. đầu tư vào công ty H. là một giao dịch của công ty M. chứ không phải là giao dịch của cá nhân bị đơn nên không được xem là tài sản chung của vợ chồng; không đồng ý chia 50% giá trị tài sản từ việc công ty M. bán cổ phần vì đây là giao dịch của công ty M. với đơn vị thứ ba chứ không phải do bị đơn là chủ sở hữu; không đồng ý chia 10% giá trị gia tăng của công ty M. vì công ty được thành lập trước thời kỳ hôn nhân nên cổ phần của bị đơn trong công ty là tài sản riêng, việc chị K.H. vào làm tại công ty là quan hệ giữa người sử dụng lao động với người lao động nên không làm thay đổi bản chất tài sản riêng của chồng…
Trong thời gian chờ tòa giải quyết, trả lại công bằng, quyền lợi hợp pháp, vẫn vẻ tất bật, cần mẫn, chị K.H. đang từng bước tạo dựng sự nghiệp của mình ở tuổi 40, với một shop thời trang khiêm tốn. Giữa bộn bề khó khăn, thiếu thốn, chị tự vịn lấy chính mình, gượng đứng vì niềm đam mê kinh doanh và vì con.
Tô Châu
Thua lỗ cùng gánh, hưng thịnh cùng chia
Phóng viên: Trong trường hợp khối tài sản không phải bất động sản, động sản, tiền vàng... mà là cổ phần thì khi ly hôn, ai đứng tên cổ phần nấy hưởng hay phải chia cho vợ/chồng và nếu có chia thì theo nguyên tắc nào, thưa luật sư?
ThS luật Trần Hoài Nhân (Công ty Luật TNHH Vĩnh Huy, Q.Tân Phú, TP.HCM): Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 điều 40 của luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung…” (trích khoản 1, điều 33).
Theo khoản 3, điều 50 và khoản 1, điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 thì thành viên hoặc cổ đông công ty sẽ được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp hoặc nhận cổ tức với mức theo quyết định của đại hội đồng cổ đông. Nếu vợ hoặc chồng chưa từng là thành viên hoặc cổ đông công ty thì tài sản chung vợ chồng chính là phần lợi nhuận của “đối tác” nhận được với tư cách là thành viên/cổ đông hoặc người điều hành công ty.
Khi ly hôn, yêu cầu tòa án chia tài sản chung thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: "Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung; lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng..." (trích khoản 2, điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình). Tỷ lệ cụ thể của mỗi trường hợp sẽ do tòa án quyết định sau khi xem xét tất cả yếu tố.
Trường hợp nhận thấy đối phương có dấu hiệu tẩu tán tài sản, để bảo vệ quyền lợi của mình, vợ hoặc chồng đều có quyền yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bằng các biện pháp như: kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp…