Cổ phần hóa VFS: Nghệ sĩ phải tự cứu

12/09/2017 - 11:57

PNO - Mấy ngày qua, chuyện nhân viên Công ty CP đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (VFDI) kêu ca không có lương sau hai tháng Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) được cổ phần hóa thành VFDI thu hút sự quan tâm của người trong nghề.

Thật ra, những ồn ào xung quanh VFDI đã có từ trước khi VFS bị "hóa kiếp" thành công ty như hiện nay, mà nguyên nhân chủ yếu được cho là vì đơn vị sở hữu mới nắm 65% cổ phần ở VFS - Tổng công ty vận tải thủy (Vivasco) - không liên quan gì đến chuyên môn phim ảnh. Số tiền 32,5 tỷ đồng Vivasco bỏ ra để thành cổ đông lớn nhất VFDI được cho là quá rẻ nếu so với giá trị miếng đất trụ sở VFS, khiến các nghệ sĩ nghi ngờ có khuất tất trong việc cổ phần hóa. 

Co phan hoa VFS: Nghe si phai tu cuu

Sau Cuộc đời của Yến năm 2015, VFS không hề sản xuất thêm được phim nào nên chuyện nghệ sĩ đòi lương cũng khiến dư luận khó hiểu

Từ khi có “chủ” mới, các nghệ sĩ thêm bất bình với “cách hành xử không hợp tình hợp lý của lãnh đạo mới” như chuyện chuyển toàn bộ kịch bản gốc lưu trong tủ của hãng sang Viện phim; dọn luôn máy móc, đạo cụ, phục trang gìn giữ hàng nửa thế kỷ; chấm công 8 giờ/ngày như công nhân làm ca… Đỉnh điểm là chuyện các nghệ sĩ than không được trả lương tháng tám.

Được biết, sau khi những lời kêu than của nghệ sĩ loan khắp mạng xã hội, lãnh đạo VFDI đã mời các nghệ sĩ đến nhận lương. Nhưng tương lai, công ăn việc làm của các thành viên VFDI vẫn mờ mịt khi “chủ” mới chưa đưa ra phương hướng đầu tư và phát triển công ty.

Những bức xúc, kêu than của nghệ sĩ là chính đáng, vì những người làm việc ở VFS xưa - VFDI hiện nay đều đã gắn bó lâu năm với thương hiệu VFS, nay bỗng chốc như bị bỏ rơi. Tuy nhiên, công bằng mà nói, đây cũng là xu thế bắt buộc, nhằm giúp các hãng tự chủ về kinh phí và hoạt động, giảm gánh nặng cho Nhà nước.

Co phan hoa VFS: Nghe si phai tu cuu

Tâm lý sống bám vào ngân sách (nghĩa là nhiều khi không làm phim vẫn lãnh lương đều đều) lâu nay tại VFS dễ khiến các nghệ sĩ sốc khi không có lương. Cần biết rằng, kể từ sau phim Cuộc đời của Yến sản xuất năm 2015, VFS không sản xuất thêm được phim truyện nào vì Nhà nước đã ngưng việc đặt hàng làm phim. Sau VFS, Hãng phim Giải Phóng cũng sẽ phải cổ phần hóa. Mô hình doanh nghiệp sẽ buộc các “nghệ sĩ” lâu nay sống nhờ bầu sữa ngân sách dù có làm việc hay không sẽ phải vận động và vận động mạnh mẽ nếu muốn đảm bảo thu nhập, vị thế, công việc…

Tuy thông cảm phần nào với sự lúng túng, khó khăn của những người làm nghệ thuật kiểu “bao cấp” khi đột ngột phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường; có lẽ hơn bao giờ hết, người trong cuộc cần dũng cảm đối mặt với sự khắc nghiệt của cơ chế mới, bớt than vãn mà tự tìm hướng đi mới cho nơi mình gắn bó.

Co phan hoa VFS: Nghe si phai tu cuu
Dù thị trường phim Việt ngày càng sôi động, tăng dần theo mỗi năm nhưng phim gần đây nhất là VFS sản xuất là Cuộc đời của Yến cách đây 3 năm

Nếu đã xác định mình là những nghệ sĩ có năng lực và kinh nghiệm; chuyện có được vị trí, công việc, thu nhập xứng đáng trong làng nghề đâu phải là quá khó khăn, nhất là trong bối cảnh các đơn vị sản xuất phim tư nhân luôn khát nhân tài, sẵn sàng hợp tác.

Thương khóc cho một thương hiệu (dẫu một thời rực rỡ) đã đi vào dĩ vãng hay tiếp tục bước tiếp vì nghề nghiệp, vì tương lai là lựa chọn của chính nghệ sĩ. 

Nguyễn Ngọc

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI