Có phải tôi đã quá bất công với mẹ chồng quê?

23/10/2018 - 18:00

PNO - Tôi dường như quên hẳn những bữa cơm chiều nóng hổi bà nấu sẵn chờ các con về ăn dù cả ngày phải đánh vật với cháu, những buổi sáng bà dậy sớm lau dọn nhà cửa sạch sẽ cho cháu bò... Bất giác tôi thấy hổ thẹn.

Từ trước khi cưới, tôi và chồng đã thống nhất sẽ không sống cùng bố mẹ để tránh những va chạm không cần thiết. Việc trông con nhỏ, chúng tôi dự định thuê người giúp việc vì thu nhập của cả hai khá cao. Nhưng khi tôi gần hết thời gian nghỉ thai sản thì công ty tôi thông báo giải thể. Cùng thời điểm ấy, công việc của chồng tôi cũng gặp trục trặc. Tôi đi tìm việc mới thì lương không được cao như chỗ cũ. Tổng thu nhập của hai vợ chồng giảm đáng kể nên việc thuê người trông con trở nên quá sức. Cực chẳng đã, chúng tôi đành nhờ bà nội vào trông cháu (bố mẹ chồng tôi sống ngoài Bắc). Thấy các con đang khó khăn, mẹ chồng tôi nhận lời ngay. 

Co phai toi da qua bat cong voi me chong que?
Chúng tôi may mắn được mẹ chồng phụ giúp trông cháu nhưng sự khác biệt trong cách nghĩ khiến vợ chồng tôi khó hòa hợp với bà. Ảnh minh họa

Dù luôn tự nhắc mình rằng đang “nhờ vả” mẹ chồng nhưng tôi nhanh chóng cảm thấy ngột ngạt với cách cư xử bỗ bã và suy nghĩ “cổ hủ” của bà. Nhiều lần bà làm bẽ mặt khách tới chơi vì lối nói “thẳng toẹt”. Nhóm bạn thân của chồng tôi tới chơi, mấy chị mang đồ sống tới và xuống bếp phụ việc nấu nướng. Một chị đưa ra con gà đã làm sạch và bảo: “Con gà này cháu mua không được vàng lắm, chắc thịt không thơm mất rồi”. Bà đáp tỉnh rụi: “Muốn thơm thì xịt nước hoa vào!”. Giọng bà lạnh lùng, không theo kiểu trêu đùa, nên chị khách sững người mất mấy giây.

Sau đó trong bữa ăn, một chị khác từ chối miếng thịt gà do tôi gắp mời, chị bảo bình thường vốn không thích thịt gà. Bà lại “phang” một câu giữa mâm cơm: “Không thích lắm, chỉ chén hết một con thôi”. Thái độ của bà khi nói khiến người nghe thực sự ngượng. Nhìn thái độ sượng sùng của mấy chị bạn chồng mà tôi thấy ái ngại và xấu hổ với khách. 

Chưa hết chuyện với người ngoài lại tới chuyện trong nhà. Chúng tôi thuê một căn hộ diện tích chỉ 55m2, nhà có con nhỏ nên vợ chồng tôi hạn chế tối đa những đồ đạc không cần thiết, nói nôm na là “tối giản hóa” mọi vật dụng. Nhưng mẹ chồng tôi không thể chấp nhận điều này. Vào bếp, bà đếm từng cái bát, đôi đũa rồi “chất vấn” chúng tôi: “Hai đứa mày nghèo tới mức không sắm nổi một tủ bát đĩa à?”. Dù chúng tôi cố giải thích là chỉ mua đủ số lượng cần dùng, nếu có khách đông quá thì có thể mua thêm chén đĩa giấy (dù rất ít khi chúng tôi có khách) nhưng bà khăng khăng nói tôi “đoảng vị”. 

Co phai toi da qua bat cong voi me chong que?
Bà không thể chấp nhận việc chúng tôi chỉ có số lượng bát đĩa ít ỏi như thế này trong nhà. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên stress nhất với tôi là chuyện chăm con. Tôi cho con ăn theo phương pháp BLW, con rất hợp tác. Nết ăn của con ai cũng “hâm mộ” bởi tới bữa con chịu ngồi trong ghế ăn, mẹ bày ra món gì cũng tự cầm lên cắn, nhai thành thạo. Con không ăn quá nhiều nhưng rất vui vẻ và ngon miệng. 6 tháng con được 7,5kg, nhìn con khỏe mạnh, lanh lợi nhưng mẹ chồng tôi luôn miệng than thở cháu quá gầy và khẳng định tại tôi cho con ăn quá tùy hứng. Bà bảo chồng tôi “lấy phải vợ lười” vì tội không chịu bế con đi ăn rong cho hết sạch bát cháo, hễ con ngậm miệng là thôi luôn không ép. Chồng tôi giải thích thì bà mắng luôn cái tội “tin sách vớ vẩn” mà cãi lại bà.

Cứ thế, “cục uất ức” trong tôi dồn lại ngày một nhiều. Chịu không nổi, tôi trốn một buổi làm, hẹn cô bạn thân ra quán cà phê để dốc sạch bầu tâm sự. Cứ nghĩ sẽ được nghe cô bạn góp lời chỉ trích mẹ chồng quê, ngờ đâu, cái tôi nhận lại hoàn toàn khác.

Bạn nghe không sót từ nào, rồi chờ tôi “nguội cơn”, bạn nhẹ nhàng bảo: “Hãy nhìn vào những điểm mấu chốt sau: Thứ nhất, bà vào giúp các con vì thương cháu, thương con chứ không được gì về vật chất. Thứ hai, có gì không vừa ý, bà nói thẳng trước mặt cậu, không dèm pha bôi bác sau lưng, đúng không? Thứ ba, cậu hãy nhớ lại điều này: có phải chính cậu và bố mẹ đẻ nhiều lúc cũng có xung đột do sự bất đồng quan điểm? Nhưng vì sao chúng ta dễ dàng chấp nhận những lời trách cứ của bố mẹ mình mà lại luôn để bụng những lời cha mẹ chồng nói? Đó phải chăng là do cái thành kiến “mẹ chồng nàng dâu khác máu tanh lòng” mà chính cậu cũng vô tình mắc phải?” 

Co phai toi da qua bat cong voi me chong que?
Con tôi ăn thô rất giỏi, giờ ăn rất ngoan và tập trung nhưng mẹ chồng không hài lòng vì tôi không ép con ăn. Ảnh minh họa

Nghe xong những lời của bạn, tôi bàng hoàng nhận ra bạn nói đúng. Mẹ tôi mỗi lần đến nhà thăm cháu cũng không ngớt lời trách tôi cho con ăn “kiểu Tây kiểu Tàu” rồi bảo tôi nhìn nhà chị A chị B con mỗi bữa ăn hết gần hai bát cháo, người tròn như trái dưa trông thích hơn con tôi nhiều. Bố tôi cũng chẳng ít lần thắc mắc sao nhà tôi chẳng thấy tủ này tủ nọ cho “ra dáng” cái nhà. Tính mẹ tôi cũng khá bỗ bã, nói chuyện nhiều khi không khéo léo, chẳng ít lần tôi phải “bấm” bà khi đang trò chuyện với người ngoài.

Vậy mà khi ở với mẹ chồng, cũng những điều đó lại khiến tôi uất ức, khó chịu, vật vã đến thế? Tôi đã quên hẳn những bữa cơm chiều nóng hổi bà nấu sẵn chờ các con về ăn dù cả ngày phải đánh vật với cháu, những buổi sáng bà dậy sớm lau dọn nhà cửa sạch sẽ cho cháu bò, quần áo của chúng tôi bà giặt ủi thơm tho… 

Sống chung với một bà mẹ chồng quê, có lẽ tôi cần phải bao dung, kiên nhẫn nhiều hơn nữa. Nghĩ lại nững khó khăn bất mãn mà tôi đang "nuôi" trong lòng có lẽ đều do sự nhỏ nhen, trẻ con của tôi, một cô dâu thành phố tưởng mình sành điệu, hiểu biết. Bất giác tôi thấy hổ thẹn với chính người bạn ngồi trước mặt và cả với bà nội của con mình. 

B.T.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI