|
Bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối đang được lọc máu tại Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Phạm An |
Hạn chế muối, natri, kali, thức ăn nhiều đạm…
Vừa nghe bác sĩ chẩn đoán bị suy thận mạn tính giai đoạn 2, chị T.T.A.T. (37 tuổi, ở quận 10, TPHCM) lo lắng không yên dù bác sĩ nói bệnh của chị chưa phải chạy thận nhân tạo, chỉ cần ăn uống hợp lý, dùng thuốc để kiểm soát bệnh. Chị T. hỏi đi hỏi lại bác sĩ những món ăn phải kiêng cữ, hay chị có được uống nước không? Bởi chị có người quen bị suy thận, chỉ hơn 1 năm đã phải lọc máu định kỳ.
Chị kể: “Mỗi lần bà ấy uống nước hay ăn muối hơi nhiều, thì bị phù, thở mệt. Có lần phải vào bệnh viện cấp cứu”. Bác sĩ điều trị động viên chị T. bình tĩnh. Suy thận không đáng sợ như chị nghĩ và chị đang sai lầm khi nghĩ suy thận là tuyệt đối phải cữ muối, hay không uống nước.
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết khi một người được thông báo bị suy thận mạn tính sẽ rất lo lắng. Hầu hết bệnh nhân nghĩ phải gắn liền với chạy thận nhân tạo suốt đời. Từ đó, người bệnh lo sợ, kiêng cữ quá mức dẫn đến cơ thể bị rối loạn chuyển hóa, suy dinh dưỡng… chán ăn, nôn ói sau khi ăn.
Tuy nhiên, nếu người bệnh bị suy thận mạn tính chưa vào giai đoạn lọc máu, vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường. Chỉ cần tuân thủ quy định, đảm bảo chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ thì vẫn có thể kiểm soát được bệnh.
Theo đó, khi vừa phát hiện suy thận mạn tính, quy tắc đầu tiên cần lưu ý là mỗi bữa ăn, người bệnh cần dung nạp từ 35 - 45Kcal/ngày trên 1kg cân nặng, hạn chế muối, natri, kali, các thức ăn có nhiều đạm… Người bệnh cần ăn thật ít, hoặc không ăn muối để tránh gây sức ép cho thận, bởi thận đang bị tổn thương. Hạn chế tối đa natri trong các bữa ăn, đảm bảo natri không ứ đọng trong cơ thể nhằm giảm chứng cao huyết áp ở người bệnh. Khi bước vào suy thận, nhu cầu natri hợp lý sẽ từ 1 - 2g/ngày. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ điều chỉnh lại số lượng natri sau mỗi lần người bệnh tái khám.
Những món nên và không nên ăn
Người bệnh cũng chỉ được dung nạp từ 2 - 3g kali 1 ngày (tính trên 1kg cân nặng). Nếu nồng độ kali trong máu tăng, bắt buộc giảm xuống còn 1g/ngày để kiểm soát phù và lượng nước tiểu.
Ngoài ra, để giảm sự hoạt động, đào thải, hạn chế chất thải ứ đọng ở thận, hay các biến chứng tăng u rê máu, bệnh nhân suy thận mạn cần giảm một lượng đạm đáng kể. Chỉ nên sử dụng dưới 1g đạm/ngày (tính trên 1kg cân nặng). Nếu giữ được mức này, người bệnh còn kiểm soát được chứng chán ăn, buồn nôn, nôn ói…
Bệnh nhân cũng nên kiểm soát tình trạng ứ đọng phốt pho trong máu để phòng ngừa nguy cơ gãy xương, hay các vấn đề về xương khớp. Tùy vào giai đoạn của bệnh, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ về mức tiêu thụ nước.
Ngoài các chất nêu trên, nếu người bệnh uống quá nhiều nước sẽ gây phù, tăng huyết áp, ảnh hưởng nặng nề đến thận. Không uống nước hợp lý sẽ khiến bệnh thận tiến triển nhanh hơn. Vì vậy, người bệnh chỉ nên dung nạp nước sao cho nước uống vào bằng tổng lượng nước tiểu, dịch trong cơ thể mất đi, trung bình khoảng từ 300 - 500ml.
Dựa theo các lưu ý nêu trên, người suy thận mạn tính có thể ăn các thức ăn cung cấp nhiều protein như trứng, sữa, thịt nạc, cá… Hay các loại củ ít đạm bao gồm khoai lang, khoai tây, khoai sọ, bột sắn dây, gạo xay, miến dong. Về vitamin, có thể bổ sung nhiều loại rau xanh, trái cây ít đường như cam, bưởi, quýt, táo… Nên chia thành nhiều bữa, mỗi bữa ăn giới hạn lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể, đảm bảo trung bình mỗi ngày khoảng 1.500 - 1.800Kcal.
Một điều bác sĩ luôn dặn đi dặn lại các bệnh nhân suy thận mạn tính chưa lọc máu là phải thật hạn chế các đồ ăn đóng gói, chế biến sẵn, đồ hộp, nước mắm, cá khô… hay các loại đậu, rau có màu xanh đậm như rau muống, rau dền… trái cây tươi, trái cây khô, lòng đỏ trứng, tôm khô, đậu nành, bơ, nội tạng động vật… Tuy nhiên hầu hết người bệnh đều bỏ qua, hoặc gặp khó khăn khi kiêng cữ. Điều này rất nguy hiểm, có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn. Nguy cơ lọc máu rất cao.
“Bệnh nhân suy thận mạn không lọc máu cần xây dựng thực đơn ăn uống hợp lý để có thể giúp duy trì và bảo tồn chức năng của thận, đồng thời làm chậm tiến triển của bệnh và kéo dài thời gian phải điều trị lọc máu. Nếu quá thèm món có trong danh mục hạn chế mà bác sĩ tư vấn, người bệnh nên ăn thật ít, hoặc liên hệ với bác sĩ để được điều chỉnh chế độ ăn. Tránh ăn quá nhiều gây hại đến sức khỏe” - bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn khuyến cáo.
Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hằng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu là khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số. Suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị, bệnh nhân có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5-10 năm, trì hoãn giai đoạn lọc máu định kỳ. |
Phạm An