PNO - PNO - “Cháu mới có 6 tuổi. Nó là đứa trẻ ngoan ngoãn, biết nghe lời và thông minh. Nhà tôi cũng không để cháu thiếu thốn gì. Thế mà không biết làm sao nó lại ăn cắp đồ chơi của bạn. Cô giáo gọi điện thông báo và nhắc nhở, tôi...
edf40wrjww2tblPage:Content
Không có người mẹ hay ông bố nào lại không sốc như người phụ nữ này khi nghe hàng xóm, cô giáo, bạn bè… của con nói rằng con mình ăn cắp. Với họ khi đó, thế giới trong sáng, thiên thần, thơ ngây mà họ nghĩ rằng con mình đang là hoàng tử, công chúa trong đó bất chợt sụp đổ. Họ hoảng sợ, họ lo lắng, họ gắng tìm nguyên nhân… Hãy bình tĩnh, các nhà tâm lý khẳng định rằng vấn đề này ở con trẻ hoàn toàn không có liên quan gì tới khả năng tài chính của gia đình. Vấn đề có phần nghiêm túc hơn.
Theo các nhà tâm lý trẻ từ 4 tới 7-8 tuổi hành động như vậy vì 3 nguyên nhân chính:
Có thể đơn giản là trẻ chưa phân biệt được những khái niệm “của tôi và của người khác”, “xấu và tốt”. Có thể là trẻ đã phải trải qua một vấn đề tâm lý nào đó và nó có cảm giác lo lắng về chính mình. Còn có một nguyên nhân khác có phần đáng ngại hơn là sự phát triển ý thức không đầy đủ khiến trẻ tự động bị điều khiển bởi mong muốn chiếm hữu những gì nó thích bằng bất cứ giá nào.
Dù là nguyên nhân nào thì bạn cần phải tin vào một điều là bạn có thể chỉnh sửa chúng và nhất định phải sửa chúng, nhưng phải khéo léo và tế nhị. Nhất là đừng la hét, mắng nhiếc trẻ.
Khi trẻ ăn cắp đồ chơi
Bạn nên bắt đầu từ việc trò chuyện với trẻ, trò chuyện một cách bình tĩnh, không căng thẳng, không tức giận, không lớn tiếng hay sỉ nhục trẻ, hãy giải thích cho trẻ biết vì sao lấy đồ của người khác lại là một điều xấu.
Nếu trẻ mang từ nhà trẻ về một món đồ chơi, trẻ lại không chịu nói món đồ chơi đó của ai thì bạn cũng đừng vôi nghĩ trẻ đã ăn cắp nó. Hãy tìm hiểu cho kỹ xem có phải trẻ đã đổi món đồ chơi đó bằng một cái gì đó của mình hay không? Trẻ con thường vô tư như vậy.
Nếu trẻ mang về món đồ chơi của nhà trẻ thì có lẽ bạn nên tìm hiểu, có phải trẻ đang cố gắng thực hiện một mong ước của mình. Đồ chơi thì tất nhiên phải trả lại, nhưng bạn cũng nên xem xét lại chính mình: có phải bạn đã không chú ý lắm tới những nhu cầu của trẻ? Hãy tận dụng một cơ hội tốt nào đó như sinh nhật, 1/6 để tặng cho trẻ thứ mà nó vô cùng mơ ước.
Nếu món đồ chơi trẻ mang về là của một trẻ khác và bạn đã biết rằng trẻ lấy nó mà không xin phép thì bạn cần phải chú ý tới yếu tố bạn đã tìm ra món đồ chơi đó như thế nào? Chúng được trẻ giấu trong các món đồ chơi khác hay trẻ tự kể cho bạn nghe về nó?
Hãy chú ý quan sát xem trẻ có cảm giác thế nào về hành động của mình - trẻ có chút nào xấu hổ, hối hận hay coi đó là chuyện tự nhiên? Nếu trẻ hoàn toàn không hề cảm thấy có lỗi thì bạn cần phải cho trẻ nhận ra rằng bạn không thích hành động của trẻ, rằng bạn hết sức ngạc nhiên là trẻ đã làm như vậy. Hãy biểu hiện thái độ rằng trẻ đã lớn và cần phải biết điều gì là tốt điều gì là xấu và tất nhiên là trẻ sẽ không bao giờ làm như vậy nữa. Hãy làm sao cho trẻ đồng ý tự nguyện đi trả lại món đồ chơi. Không nên trách mắng trẻ trước mặt chủ nhân của món đồ chơi hay cha mẹ của chủ nhân món đồ chơi.
Khi trẻ ăn cắp tiền
Thông thường thì trẻ nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo ít khi có chuyện ăn cắp tiền. Chuyện này thường xảy ra với những trẻ trong độ tuổi 8-10. Nếu bạn biết trẻ đã ăn cắp tiền, điều đầu tiên bạn cần phải làm là yêu cầu trẻ giải thích vì sao trẻ cần tiền?
Những nhu cầu phổ biến nhất khiến trẻ em lấy tiền thường là để mua các món quà cho bạn bè mình (kẹo bánh, đồ chơi, đồ ăn vặt). Hành đó thông thường xuất phát từ những nỗ lực nâng cao uy tín, khẳng định vị trí của mình giữa bạn bè cùng trang lứa của trẻ..
Hãy giải thích cho trẻ biết rằng nếu bạn bè có thể mua được bằng quà cáp thì không phải là bạn bè đáng tin cậy. Hãy giúp trẻ một vài lời khuyên làm sao để nâng cao uy tín, vị trí trong mắt của bạn bè. Có thể cùng trẻ mời bạn bè tới nhà chơi dịp lễ Noel hay sinh nhật… cùng chơi với bạn bè của trẻ và tìm cách phát huy những điểm mạnh của trẻ trong đám đông, trước bạn bè. Bằng cách đó, bạn sẽ giúp trẻ hiểu rằng có thể tạo nên uy tín của mình bằng nhiều cách tốt đẹp khác.
Nếu như cuối cùng bạn vẫn không thể nào hiểu được vì sao trẻ cần tiền, bạn hãy thể hiện sự lo lắng, thất vọng của bạn khi mất tiền, hãy nói cho trẻ hiểu ý nghĩa của tiền với gia đình bạn. Hãy kể cho trẻ biết rằng trong gia đình tiền không thể có đủ cho mọi mong muốn và bạn cũng từng phải giới hạn những nhu cầu của mình, thí dụ như bạn cũng có thể rất muốn mua những món hàng hiệu mắc tiền, muốn đi ăn nhà hàng, thế nhưng bạn phải nhường tiền bạc cho những mục đích khác quan trọng hơn, như là một kỳ nghỉ của cả gia đình… Con của bạn cần hiểu rằng khi nó sống trong một gia đình thì gia đình có những việc chung, chứ không phải chỉ những mong muốn riêng của mình.
Việc trẻ ăn cắp tiền cũng là một nguyên nhân hết sức quan trọng để bạn suy nghĩ xem bạn có quá “bưng bít” con trẻ trong vấn đề tài chính hay không? Có quá khắt khe với nhu cầu của trẻ hay không? Con trẻ có biết tiền là ở đâu ra, bạn và chồng bạn kiếm tiền như thế nào và việc chi tiêu gia đình ra sao hay không? Trẻ ở lứa tuổi này cần phải biết rằng muốn có tiền thì phải lao động, chứ tiền không tự nhiên xuất hiện trong bóp của mẹ cha.
Nên xử sự thế nào với trẻ?
Thông thường các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình ăn cắp đều hết sức lo lắng, hoảng hốt. Nhiều người ngay lập tức tra hỏi, phạt, la mắng, thậm chí còn bêu rếu con với mục đích làm cho con biết xấu hổ. Theo các nhà tâm lý, điều quan trọng nhất khi gặp tình huống này là phải biết kiềm chế những cảm xúc đầu tiên, nói chuyện với trẻ trong một trạng thái hết sức bình tĩnh. Hết sức quan trọng, cần thiết là tìm hiểu nguyên nhân của hành động này và để có được điều đó thì đừng có đoàn mò mà hãy nói chuyện với trẻ. Đừng ngắt lời, đừng căn vặn mà hãy để trẻ tự kể chuyện đã xảy ra.
Sau đó, hãy tìm phương cách trả lại món đồ trẻ đã lấy và cách đó phải làm sao không làm cho trẻ cảm thấy bị lăng nhục. Đừng tóm tay con lôi nó đi, khiến nó phải có cảm giác mình là thằng ăn cắp, một kẻ xấu xa. Đừng bao giờ treo cái tội mang tính hình sự vào cổ con của mình khi gọi nó là kẻ cắp và dự đoán tương lai xấu xa của nó.
Không la mắng nặng lời, càng không nên đánh trẻ - cơn giận dữ của bạn có thể khiến cho hành động này được lập lại, trẻ mất lòng tin vào bạn và sẽ ngấm ngầm nổi loạn. Đừng nhắc đi nhắc lại những gì đã xảy ra khi trẻ làm gì đó khiến bạn không hài lòng. Đừng nhắc lại với trẻ những lỗi lầm đã qua.