Có phải ai cũng có quyền chọn cuộc sống?

07/03/2018 - 11:30

PNO - Trước nhà tôi là một cái chợ tự phát có từ rất lâu. Những người bám lấy mảnh vỉa hè chút xíu ấy mưu sinh thường là người nhập cư.

Trước nhà tôi là một cái chợ tự phát có từ rất lâu. Những người bám lấy mảnh vỉa hè chút xíu ấy mưu sinh thường là người nhập cư. Họ cố gắng tìm những khoảng trống để trải bạt ra bày bán. Tôi cho một phụ nữ ngồi ngay cửa nhà mình bán trái cây, vì có cảm giác, nếu mình lắc đầu, cô ấy sẽ khuỵu ngã mất. Cuộc đời cô là dằng dặc những trang đầy nước mắt mà bất cứ ai nghe thấy cũng nặng lòng.

Co phai ai cung co quyen chon cuoc song?
 

Tôi không đủ dũng cảm nhắc với cô về nữ quyền. Năm ngoái, diễn viên Emma Watson đã trả lời phỏng vấn báo giới về bức ảnh gây tranh cãi của mình: “Có rất nhiều người hiểu sai về nữ quyền. Nữ quyền thực chất là trao cho phụ nữ quyền được lựa chọn”. Đấy là Watson, chứ người phụ nữ bán trái cây trước nhà tôi không được lựa chọn. Ai trong chúng ta sẽ nói cho cô ấy biết và để cô ấy được tự mình lựa chọn cuộc sống? Tôi biết, cô luôn tin, rằng cuộc sống của người phụ nữ chỉ là một chuỗi ngày cố gắng chịu đựng, như vô số cuộc sống của những người phụ nữ mà cô ấy nhìn thấy quanh mình, mỗi ngày.

Phải chăng, việc tự lao động kiếm tiền nuôi thân và nuôi cả nhà chính là cuộc cách mạng nữ quyền mạnh mẽ nhất mà họ đã làm, khi người đàn ông không đủ sức lèo lái con thuyền gia đình? Như cô bán trái cây - chồng đi tù vì đánh nhau sau chầu nhậu, gây thương tật cho người khác; khi mãn tù, vẫn ăn trên ngồi trước, vẫn đánh đuổi vợ, vẫn vui thì ngủ, buồn thì ra tận chợ tìm vợ chửi, vì “cái thứ đàn bà thì làm được gì”.

Phía xa những cuộc đấu tranh

Tết này tôi về quê chồng, một xã nghèo hẻo lánh ở miền Trung. Nhìn những người phụ nữ xung quanh, tôi ngỡ họ chưa khi nào ngẩng mặt lên nhìn cuộc sống. Sự chịu đựng làm oằn vai họ, khiến họ không còn dám ngước lên nhìn xem mình thực sự đã trải qua những năm tháng thế nào. Phải chăng để xóa được định kiến, chúng ta phải cần thêm rất nhiều thời gian?

Có những người phụ nữ mà mọi cuộc đấu tranh bình đẳng giới hình như chẳng bao giờ tác động đến cuộc sống của họ; họ vẫn lầm lũi sống, mặc định rằng số phận mình như thế.

Cô con gái 12 tuổi của tôi đã ngạc nhiên khi chỉ được chào đón rất qua loa, không được như cậu em trai. Ngay cả khi lì xì, nhiều người (có cả phụ nữ) cũng thẳng thừng rằng, chỉ có phần cho con trai, con gái thì lì xì làm gì. Họ vẫn tin rằng, chỉ có con trai mới là con mình, mới tạo nên niềm kiêu hãnh cho mình. Chỉ có con trai mới đáng được nâng niu, coi trọng.

Chị chồng tôi, sau khi sinh được hai cô con gái, đã liều mạng với cuộc sinh nở nhiều bất trắc để có được mụn con trai. 18 tuổi, cậu con trai ấy đã vang danh cả làng vì bắt trộm gà, lấy cắp điện thoại, đánh nhau. Bây giờ, chị đang phải đi xin xỏ khắp nơi để giảm án cho con. Những ngày tết, nhìn chị hiu hắt như tàu lá úa. Nhưng, chị vẫn xem “con trai là số một”. Trong khi hai cô con gái ngoan ngoãn, học hành đàng hoàng và luôn phụ giúp cha mẹ.

Có lẽ lâu lắm phong trào nữ quyền mới đến được những con hẻm nhỏ của đô thị, các vùng nông thôn - những nơi mà định kiến đã ăn sâu vào từng phụ nữ.

Co phai ai cung co quyen chon cuoc song?
Ảnh: Internet

Cuộc chiến còn dài

“Cô ấy là một phụ nữ ở một đất nước mà hiếm khi nhìn thấy phụ nữ hoặc những người thuộc các dân tộc khác giữ vị trí quyền lực. Chính trị ở Pháp luôn là chuyện của đàn ông da trắng” là nhận xét của một nhà báo về Vallaud-Belkacem - Bộ trưởng Giáo dục Pháp, khi cô được bổ nhiệm. Ngay ở cái nôi của những phong trào đòi nữ quyền, qua bao thăng trầm, việc thừa nhận sự thành công của phụ nữ vẫn còn là cái gì đó rất khó khăn.

Ở Việt Nam, cùng những cuộc tọa đàm về giới nữ, những phát biểu lớn lao và đầy quyết tâm cho giới nữ là rất nhiều chị A, chị X vẫn khốn khổ vì định kiến giới, vì không thể phản kháng trước nắm đấm của người chồng, sự chèn ép của họ mạc, sự thờ ơ của cộng đồng. Chúng ta thấy người bán trái cây mỗi ngày vẫn bị chồng đánh đập, đuổi ra khỏi nhà; thấy bà chị chồng, tôn thờ đứa con trai hư hỏng. Nhưng có  mấy khi ta lên tiếng?

Theo một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore, cơ quan lập pháp nào có tỷ lệ phụ nữ đông hơn thì các chính sách về luật pháp bảo vệ con người và môi trường sẽ được thông qua nhiều hơn. Nhớ lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân đắc cử Chủ tịch Quốc hội, rất nhiều phụ nữ vỡ òa vui sướng, vì chúng ta có thêm niềm tin rằng, đó là những bước thúc đẩy quyền phụ nữ; để dưới một mái nhà, người phụ nữ biết rằng, mình có quyền được sống cho ra một con người, hoặc khi bước ra đường, phụ nữ vẫn được tôn trọng. 

Lan Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI