Có ông bà, tôi có thiếu gì đâu!

24/04/2021 - 09:54

PNO - Tôi khóc suốt trên chuyến tàu cuối về nhà. Ông nằm đó, không còn ôm tôi, hôn trán tôi nữa, hơi thở yếu ớt. Bà ốm thấy rõ, nhìn thấy tôi bà rưng rưng: “Cháu về rồi à”…

Từ lúc tôi ba tuổi và em gái tôi mới lọt lòng, ba mẹ tôi đã ly hôn. Tôi còn nhớ cái ngày định mệnh đó, mẹ một tay bồng em, tay kia dắt tôi về nhà ngoại. 

Ông bà ngoại nhìn đứa con gái và hai đứa cháu mà không chút quở trách, chỉ ôm mẹ tôi, xót thương. Từ đấy, tôi không còn nhìn thấy ba tôi, cũng không còn nghe mẹ hay ông bà ngoại nhắc đến ba.

Mẹ tôi quyết định đổi nghề nên theo học một ngành mới. Chắc là mẹ muốn gạch bỏ quá khứ và bắt đầu một hành trình mới. Do vậy, phần nhiều thời gian tôi chỉ quẩn quanh bên ông bà ngoại. Bà ngoại đút cơm cho chị em tôi ăn, ông ngoại ru chị em tôi ngủ. Ông bà chăm chút từng ly từng tí. Tôi có thiếu gì đâu!

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Tôi còn nhớ, cứ chiều chiều ông lại vót tre làm đồ chơi cho tôi, lúc thì con diều, khi thì que tre để chơi banh đũa. Trung thu đến, ông còn làm cho tôi đèn ông sao. Ông khéo tay, làm gì cũng đẹp, đám trẻ trong xóm mê tít, đứa nào cũng ngưỡng mộ, ganh tỵ với những thứ đồ chơi tôi có. Tôi có thiếu gì đâu!

Đều đặn một tuần hai lần, bà quẩy quang gánh đầy rau muống, rau cải, đậu đũa, khoai lang lên chợ lớn trên xã bán. Lúc về, thể nào bà cũng mua chè hay bánh bông lan cho chúng tôi. Bà còn mua tai heo về luộc. Tôi thích ăn tai heo luộc vì nó giòn giòn. Tôi có thiếu gì đâu!

Những buổi chiều sau mùa gặt, bọn trẻ chúng tôi hè nhau ra ruộng lúa, chơi trốn tìm sau những đống rơm. Tôi mê chơi quá, không về nhà tắm rửa, bà mang roi ra tận ruộng đánh tôi. Tôi đau lắm, chỗ nào cũng bầm đen, rớm máu.

Khi ấy tôi ghét bà. Nhưng ông tôi lấy dầu gió xanh thoa mấy chỗ bầm cho tôi, dỗ dành: “Cháu đừng làm cho bà lo nữa, bà đi tìm cháu cả chiều đấy, xuống bếp xin lỗi bà đi, phụ bà dọn cơm”. Xuống bếp, bà đang làm gỏi tai heo. Thấy tôi bà hỏi: “Có đau không?”. 

Ngày tôi vào cấp III, bà mua cho tôi một xấp vải may áo dài, bà cẩn thận lựa tới lựa lui mãi. Bà còn tạt qua hàng giày dép, mua cho tôi một đuôi guốc cao cỡ ba phân, bà bảo mặc áo dài phải mang guốc thế này mới đẹp.

Về đến nhà, ông chở tôi trên chiếc xe đòn dông đi may áo dài. Ông tôi dặn dò thợ may từng chút rằng phải may thế này cho đẹp, may thế kia mặc sẽ thoải mái. Ông bà bảo, cháu ông bà là thiếu nữ rồi. 

Thấm thoát qua đi, tôi nhận kết quả đậu đại học. Ngày tôi sắp vào Sài Gòn, bà vẫn làm món tai heo mà tôi thích, gói cho tôi rất nhiều bánh bông lan. Ông thì cứ nhìn tôi ăn chứ không động đũa. Ông nói: “Miệng mày móm, ăn tai heo nhìn thấy vui vui”.

Ông bà cho tôi hai trăm ngàn đồng, tôi bảo không nhận, để ông bà mua thuốc uống. Ấy vậy mà khi đã ngồi yên vị trên tàu hỏa, hai trăm ngàn ấy lại ở trong túi áo khoác từ bao giờ. Tôi chợt nhận ra tóc ông đã bạc thêm, da tay bà đã nhăn nheo nhiều hơn. 

Một chiều năm thứ ba, tôi đang học ở trường thì nhận được điện thoại từ mẹ: “Ông yếu lắm, ông nhớ con”. Đã lâu rồi tôi không về nhà. Tôi lúc nào cũng lấy lý do bận học hoặc bận tham gia hoạt động tình nguyện.

Tôi khóc suốt trên chuyến tàu cuối về nhà. Ông nằm đó, không còn ôm tôi, hôn trán tôi nữa, hơi thở yếu ớt. Bà ốm thấy rõ, nhìn thấy tôi bà rưng rưng: “Cháu về rồi à”…

Ít lâu sau, ông mất, ông vẫn nụ cười hiền từ đó, vẫn đang nhìn tôi khôn lớn từng ngày. Ông đi rồi, đêm ngủ bà phải bật đèn. Bà vẫn âm thầm gói cho tôi rất nhiều bánh bông lan, vẫn ôm tôi và khóc mỗi lúc tôi xa nhà… 

Ngọc Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI