Cô ơi sao lại quỳ?

07/03/2018 - 07:18

PNO - Xin đưa bài học này vào trường sư phạm, xin dạy những giáo sinh rằng đây cũng là một tình huống nghiệp vụ sư phạm. Trong trường hợp này, không được quỳ.

Do áp lực của một số phụ huynh, cô giáo Bùi Thị T.N. đã phải quỳ gối xin lỗi trong khoảng 30-40 phút. Trước đó, cô giáo T.N. đã phạt học sinh quỳ gối khiến học sinh sợ, không muốn đi học. Câu chuyện xảy ra vào sáng 28/2/2018 tại Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đang gây xôn xao dư luận. Hành vi của những phụ huynh thật đáng trách và là một “quả đắng” với ngành giáo dục. Đáng suy nghĩ là ngành giáo dục gần đây phải hứng những “quả đắng” như thế ngày càng nhiều. Phải làm gì để có “trái ngọt”?

Học trò trong lớp học mà cô giáo ấy dạy còn quá nhỏ nên không hỏi câu hỏi này - học trò tiểu học, mới lớp Bốn. Câu hỏi này do những đồng nghiệp của cô - những giáo viên dạy một trường trung học cơ sở cũng ở Bình Chánh, đặt ra trong phòng giáo viên. Thêm một bài học về ứng xử sư phạm trên lớp, với học sinh, với phụ huynh (PH). Đau lòng thay, bài học ấy được rút ra sau một tình huống quá buồn.

Co oi sao lai quy?
Trường tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An


Một PH cho rằng, cô giáo phạt con mình quỳ gối trong giờ học khiến các em này không dám đi học, PH đã kéo một đoàn đến trường (phía PH có tổ chức). Đại diện nhà trường, ông hiệu trưởng đã mời cô giáo và các PH học sinh vào văn phòng làm việc (đã có đầy đủ thành phần để trao đổi chính thức).

Cô đã nhận lỗi sai khi phạt quỳ các em và xin lỗi, nhưng chỉ xin lỗi không thì PH không đồng ý; trao đổi chưa xong thì ông hiệu trưởng bảo mình bận, phải đi dự giờ (phía nhà trường rút khỏi cuộc trao đổi, coi như bỏ phiếu trắng). Theo nguồn tin, PH bảo cô giáo phải quỳ thì mới cho qua, bằng không thì sẽ vận động tất cả các PH trong lớp phản đối cô giáo (phía kia tăng áp lực, đe dọa). Trước áp lực này, cô giáo đã quỳ (giáo viên khuất phục, chấp nhận làm theo ý của PH).

Thương lắm, cái ý nghĩ thôi thì quỳ cho qua chuyện của cô. Nhưng cũng giận lắm vì cô đã chấp nhận quỳ gối trước cường quyền, mong cho qua chuyện. Không thể đổi việc cô giáo bắt học sinh quỳ lấy việc cô giáo bị PH bức quỳ, hai việc này khác nhau nhiều lắm.

Đừng dạy con kiểu trả đũa

Chuyện PH “xử” GV vì những bất đồng về phương pháp giáo dục hoặc do những sai sót của GV kiểu này không phải là lần đầu. Thật đáng buồn khi người ta đang dạy con trẻ rằng, nếu ai đó làm điều chưa đúng với mình thì họ phải nhận lấy hậu quả tương tự, thậm chí nặng nề hơn, bất kể đó là ai. Đây là sự trừng phạt không mang tính giáo dục, không giúp dạy con trẻ hướng đến những điều tốt đẹp. Thật đáng sợ nếu một đứa trẻ lớn lên theo cách đó cùng với niềm tin: như thế mới là can đảm, là công bằng. Tệ hơn là niềm tin ấy được vun đắp từ chính những bậc cha mẹ.

Tôi có con đi học, cũng thương, cũng xót xa khi con bị phạt. Nhưng có nhiều cách để giải quyết thay vì dạy con trả đũa thầy cô. Mình phải giải quyết cái sai của người thầy trên sự tôn trọng để con có thể rút ra được bài học cho bản thân sau này và đó cũng là cách tự tôn trọng mình.

Trần Thanh Truyền (TP.HCM)

Bàn về cách dạy dỗ, răn đe học trò, phải biết học trò ấy, giáo viên ấy, hoàn cảnh ấy, thì mới biết cách nào là tốt nhất, chứ cứ đứng ngoài phán ngang về lớp học không bạo lực, về phương pháp dạy học tích cực… thì không được gì thêm đâu.

Cô giáo đã nhận cái sai của mình, nhà trường có trách nhiệm cùng giáo viên sửa cái sai ấy. Không thể cư xử kiểu đổi chác chợ búa, kiểu “cô bắt con tôi quỳ thì tôi bắt cô quỳ” như thế được. Mù quáng trong việc bênh vực con mình, sỉ nhục người khác… thái độ ấy cần nghiêm trị, rõ rồi.

Nhưng thử hỏi: tại sao ngay giữa chính ngôi trường của mình, ngay trên “sân nhà”, mà giáo viên lại bị sỉ nhục như thế? Vị đại diện nhà trường kia có cấp thiết phải đi dự giờ ngay lúc đó, bỏ lại nữ giáo viên của mình tự xoay xở lấy?

Sự đơn độc đi liền với sự yếu thế. Chắc chắn, do tự thấy mình có phần lỗi, do nhận thấy mình không được nhà trường hậu thuẫn, cô giáo đã chấp nhận quỳ cho qua chuyện. Cô không hình dung được khi mình quỳ gối, chuyện đã chẳng qua, mà còn làm tổn thương sâu sắc đến lòng tự trọng nghề nghiệp.

Bản lĩnh của người làm nghề giáo ở đâu khi dạy học sinh không cúi đầu chịu nhục, không khuất phục trước bạo lực cường quyền… Chẳng lẽ đó chỉ là chuyện của ngày xưa, của sách vở, còn ngày nay thì trước một bạo quyền be bé như mấy ông bà PH lớn lối, mình cũng quỳ xuống cho yên thân yên chuyện?

Xin đừng chỉ “đau lòng” chung chung với câu chuyện này, cũng đừng chỉ trách móc, lên án PH. Bày tỏ sự đau lòng hay lên án như vậy vô hình chung như đang thương hại chúng tôi - những giáo viên đang đứng lớp.

Sự thương hại được ngầm hiểu, rằng, nếu không quỳ thì lỡ mất việc sao, nếu không quỳ thì bị kiểm điểm sao, nếu không quỳ lỡ bị PH cả lớp phản đối thì sao, tội nghiệp lắm chớ!

Người thầy đứng lớp, ngoài việc mưu sinh, còn lương tâm chức nghiệp của mình. Công việc đi dạy không phải là việc mang lại tiền muôn bạc vạn đến nỗi người ta phải cố giữ lấy chỗ làm. Gắn bó với nghề bởi hiểu và quý trọng mục tiêu dạy trẻ nên người, không giữ được mục tiêu này thì dễ lạc sang đường khác.

Mục tiêu ấy giữ cho người giáo viên ý thức phải đúng đắn, công bằng khi lên lớp. Mục tiêu ấy giữ nhà trường phải tin tưởng, phải đứng về phía giáo viên của mình. Giáo viên phải không sợ mất việc, không sợ PH ý kiến, hòa nhã trong khuôn khổ sư phạm nhưng không chấp nhận nhịn nhục… để có thể dạy trẻ với tất cả lương tâm chức nghiệp của mình.

Kiểu hành xử của vị PH kia không còn lạ trong môi trường giáo dục. Sự thực dụng ăn sâu vào tính cách một nhóm người mới phất ngỡ mình có chức là có quyền, mãi lực của đồng tiền, và cuộc cạnh tranh khốc liệt về việc làm, tất cả đã dạy, đã buộc người ta thỏa hiệp, biểu hiện cao nhất là chịu nhục và quy hàng, để yên thân hoặc để được lợi.

Những cái gật đầu theo số đông, sự né tránh cầu an cá nhân, và đủ thứ những sự “biết điều” khác lớn hơn và rõ ràng hơn vẫn diễn ra, vẫn được sử dụng, ai cũng chỉ mong cho mình được sống yên thân. Tưởng đâu như thế là yêu lấy bản thân mình. Nào hay, cái căn cơ cốt lõi nhất của CON NGƯỜI đã dần dần bị đục ruỗng.

Nhà trường yêu mến của chúng tôi, nơi ngàn vạn trẻ em ngày ngày đến học điều hay lẽ phải, lẽ ra, phải là thành lũy để những nhà giáo rèn giũa bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Xin đưa bài học này vào trường sư phạm, xin dạy những giáo sinh rằng đây cũng là một tình huống nghiệp vụ sư phạm. Trong trường hợp này, không được quỳ. 

Không nên hành xử ăn miếng trả miếng với người thầy

Đây là chuyện quá đau đối với người làm nghề giáo như chúng tôi. Cô giáo có sai nhưng cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề từ phía trò, phía cô, phía nhà trường. PH không nên hành xử ăn miếng trả miếng với thầy cô của con mình như kiểu… xã hội đen. 

Có lẽ cô giáo lúc đó quá sợ trước áp lực của PH, xa hơn là của xã hội, hoặc sợ ảnh hưởng đến công việc nên mới chấp nhận quỳ gối. Nhưng nếu GV bản lĩnh thì không nên làm như vậy. Mình phải có cách giải thích để PH hiểu. Nếu sai phải nhận và khắc phục. Nếu không được thì vẫn còn có ban giám hiệu nhà trường giải quyết.

Đứng ở góc độ một người hiệu trưởng, tôi sẽ không bỏ rơi GV của mình. An ninh của trường không thể lỏng lẻo để ai muốn vào trường làm gì cũng được. Không chỉ là an toàn của GV mà còn của HS. Vào nhà cũng phải xin phép chủ nhà, trường học vẫn có ban giám hiệu chịu trách nhiệm chứ đâu phải chốn không người mà có thể tự ý bắt nạt GV. Khi gặp vấn đề, PH vào trường phản ánh, chúng tôi sẽ có cuộc gặp 3 bên. Nếu GV sai, chúng tôi nhận lỗi và chịu trách nhiệm với PH, xử lý GV theo quy định của ngành, GV sẽ xin lỗi PH và HS. Người làm quản lý phải có cách giải thích để PH tin và an tâm với cách giải quyết của mình. Mặt khác phải bảo vệ được GV.

Để sự việc đã xảy ra đến mức độ này, tôi nghĩ, trước mắt phải trấn an tinh thần và động viên GV toàn trường, vì dù họ không rơi vào hoàn cảnh đó nhưng không tránh khỏi bất an. Kế tiếp phải lấy lại uy tín cho cô N. Phải tìm hiểu và mời các đơn vị có liên quan cùng vào cuộc để yêu cầu vị PH kia phải xin lỗi GV trước toàn trường vì hành vi quá đáng của họ.
Ông Từ Quốc Tuấn 
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3)

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI