“Cô ơi, hãy cho mẹ con ly hôn”

14/04/2022 - 10:12

PNO - Trong câu chuyện giải quyết ly hôn của tôi hôm đó, mọi thứ dường như đảo ngược khi cả ba đứa trẻ (đứa lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất 8 tuổi) đồng thanh: “Cô thẩm phán ơi, cho mẹ con ly hôn đi”.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã thực hiện các quy định của pháp luật về kết hôn, nhằm chung sống với nhau và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. 

Chúng ta đều biết không phải cuộc hôn nhân nào cũng sẽ êm đềm hạnh phúc. Trong thời gian chung sống, sẽ có những mâu thuẫn phát sinh từ nhiều nguyên nhân. 

Vì con luôn muốn theo cha hay theo mẹ, nên không ít người đã hy sinh, nhẫn nhịn tìm mọi cách để bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ cho những đứa trẻ có đủ tình yêu thương của cả cha mẹ. 

Tuy nhiên, trong câu chuyện giải quyết ly hôn của tôi hôm đó, mọi thứ dường như đảo ngược khi cả ba đứa trẻ (đứa lớn nhất 12 tuổi và nhỏ nhất 8 tuổi) đồng thanh nói: “Cô thẩm phán ơi, cho mẹ con ly hôn đi”. 

Sau phút giây ngỡ ngàng, xót xa, tôi nhẹ nhàng đến bên chúng và hỏi: “Hầu hết các đứa trẻ khi được lên tòa án lấy ý kiến đều có câu trả lời là con không muốn cha mẹ ly hôn, muốn được ở chung với cả cha, mẹ. Tại sao các con lại muốn cha mẹ ly hôn? Các con không thấy bị tổn thương hay buồn lòng sao?”. 

không ít người đã hy sinh, nhẫn nhịn để con đủ đầy tình yêu thương của cha mẹ (Ảnh minh họa
Không ít người phụ nữ đã hy sinh, nhẫn nhịn để con đủ đầy tình yêu thương của cha mẹ (Ảnh minh họa)

Cô chị Hai 12 tuổi nhanh nhảu trả lời: “Con không biết các em con thế nào, nhưng con không muốn mẹ con khổ. Ba con đi làm xong, chiều nào cũng nhậu nhẹt đến tối, không chăm sóc gì cho tụi con, một mình mẹ con vừa đi làm vừa lo nuôi dạy ba chị em. Ba con không thương mẹ, về nhà say xỉn là đánh và chửi mẹ thậm tệ. Tối nào cũng như vậy nên con chịu hết nổi rồi”. Cô em út phụ họa: “Chị Hai con nói đúng rồi ạ. Ba con xỉn tối ngày, về nhà quát to lắm…”.

Sau khi lấy ý kiến ba đứa trẻ, tôi đã ngồi nói chuyện với chị - là mẹ của ba đứa trẻ trên và là nguyên đơn trong vụ án ly hôn mà chị đơn phương nộp đơn xin được ly hôn để giải thoát cho những năm tháng làm vợ của chị. 

Câu chuyện của người phụ nữ rõ dần trong tiếng nấc nghẹn ngào: Anh chị là bạn học từ hồi phổ thông, gặp lại nhau sau 20 năm ra trường, cả hai cùng đã lớn tuổi và chưa lập gia đình nên được bạn bè kết đôi, chị đồng ý về làm vợ anh. Sau đó, chị sinh ba cô con gái. Từ khi sinh con đến giờ, chị lủi thủi chăm con một mình, có những ngày con ốm đau, chị gọi anh cũng không về vì còn bận nhậu với bạn. Kinh tế gia đình chị cũng là người cáng đáng phần lớn. Anh nói anh đi làm chỉ đủ tiền nhậu và chi trả tiền điện nước. Nhiều lần chị đã khuyên nhủ anh bỏ bớt ăn nhậu, nhưng anh không nghe còn kiếm chuyện về chửi rủa rồi “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chị trước mặt các con. 

Chị đã nhẫn nhịn nhiều năm qua để các con không thiếu tình thương của cha, nhưng có một lần chị thấy cô con gái lớn phản kháng tức giận như muốn xông vào đánh cha, còn cô con gái thứ hai thì ngồi trong nhà tắm khóc suốt hơn một tiếng đồng hồ, chị đã nói chuyện với các con và các con yêu cầu chị phải “chia tay” hoặc “mẹ trả bố về nhà bà nội đi”. Lúc này chị mới có dũng khí làm đơn đơn phương xin ly hôn và gửi cho tòa án.

Trong buổi làm việc ấy, chồng chị - là bị đơn không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án nên không ghi nhận được ý kiến. Tôi nói với nguyên đơn: “Chị hãy đưa các con về và tòa án sẽ làm theo thủ tục do pháp luật quy định để giải quyết vụ án của chị”. 

Chị nói lời cảm ơn tôi nhưng vẫn luôn miệng cầu xin trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Hãy giúp tôi được ly hôn để các con tôi không bị ám ảnh về cuộc sống gia đình với bạo lực, sự vô trách nhiệm và không có tình yêu thương”… 

Chị không muốn tương lai con cái bị
Chị không muốn con cái bị ám ảnh bởi những bạo lực, vô trách nhiệm (Ảnh minh họa)

 

Nghe chị nói, lòng tôi quặn thắt. Tôi nghĩ, nếu như kết hôn mở ra một cuộc sống mới với nhiều ước mong hạnh phúc thì ngược lại, ly hôn lại là dấu chấm hết cho mối quan hệ đó về mặt pháp lý và thông thường hệ lụy của nó để lại rất lớn, trong đó, đau lòng nhất là gây ra những tổn thương cho con trẻ nếu người lớn không có cách ứng xử và sự quan tâm đúng mực. 

Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến những đứa trẻ vẫn còn kẹt lại trong những ngôi nhà luôn có tiếng mày tao của cha, có tiếng khóc nghẹn của mẹ. Không phải người phụ nữ nào cũng đủ dũng khí để ly hôn. Và thật đau xót khi những đứa trẻ đang ở tuổi hồn nhiên trong trẻo lại nuôi ước mơ: Mong cha mẹ được ly hôn! 

Hoa Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI