Cô ơi! Đợi cháu về..

18/03/2013 - 05:35

PNO - PNO - Mẹ gọi điện báo tin cô Hồng ốm nặng, tôi vội vàng đặt vé về quê, lòng không khỏi tự trách mình sao vô tâm quá, cứ hứa lần hứa hồi mà mãi không về thăm cô.

Từ ngày lên thành phố học rồi đi làm, lấy chồng sinh con, những lần về quê của tôi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều lúc người ta cứ lấy lý do bận rộn để thanh minh cho sự vô tâm của mình…

Co oi! Doi chau ve..
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cô Hồng là chị của ba tôi, năm nay đã gần bảy mươi tuổi. Mẹ tôi kể, thời con gái, cô tôi đẹp nhất huyện: da trắng, môi hồng, mái tóc dày đen nhánh, dài đến tận gót chân, không thể kẹp được mà phải dùng khăn mùi soa buộc mới vừa. Nếu ngày đó có thi hoa khôi, chắc chắn cô sẽ đoạt giải. Không chỉ đẹp người, cô còn rất tháo vát, năng nổ. Thời chiến tranh, cô đi dân công hỏa tuyến, đưa thương binh vượt núi băng rừng giữa bom đạn mà không chút sợ hãi. Nếu không vì ba tôi đã đi bộ đội thì cô cũng lên đường nhập ngũ từ lâu chứ không chịu ở lại hậu phương vừa tham gia sản xuất vừa chiến đấu như thế. Hòa bình lập lại, cô lao vào làm kinh tế, nào là trồng cao su, nuôi tôm, trồng tiêu, nuôi heo đủ cả. Ở lĩnh vực nào, cô cũng đạt được thành công nhất định. Vậy mà, chuyện tình duyên của cô thì đúng là “hồng nhan bạc mệnh”.

Ngày mới mười tám đôi mươi, cô có nhiều người đàn ông theo đuổi nhưng cô chỉ yêu chú Mạnh. Rồi chú Mạnh đi bộ đội, cô mòn mỏi chờ đợi mười mấy năm trời. Chiến tranh kết thúc, chú được cử sang Liên Xô học nâng cao, cô vẫn tiếp tục chờ đợi. Cả gần mười năm bặt tin nhau, cô vẫn tin chú sẽ trở về cưới cô. Chú Mạnh trở về thật nhưng không phải để cưới cô mà là đưa vợ con về thăm gia đình. Lúc đó, cô mới tin hai người đã hết duyên phận. Con gái lỡ thì, bà nội sốt sắng mai mối lúc thì chú thương binh, khi thì người góa vợ… nhưng cô không gật đầu đám nào cả. Cô bảo, mình không yêu người ta, lấy về chỉ làm khổ nhau, thà ở vậy nuôi cháu mình còn hơn nuôi con người dưng. Vậy là, cô tôi quyết định ở giá…

Co oi! Doi chau ve..
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bao nhiêu tình thương cô dồn hết cho mấy đứa cháu. Anh em tôi từ nhỏ đã quen hơi cô. Lớn lên, gia đình tôi và gia đình chú Tư đều lên thành phố sống, chỉ mình cô ở quê trông nom căn nhà của ông bà nội. Mấy lần, ba mẹ tôi tha thiết mời cô lên sống cùng nhưng cô không chịu. Người làng thấy cô có lương thương binh mà cứ làm quần quật quanh năm hết trồng cao su thì nuôi tôm, nuôi cá… lại bảo “chết có mang theo được đâu mà làm chi cho cực”. Họ đâu biết, bao nhiêu tiền lương, tiền lời kiếm được từ những vụ thu hoạch cô dồn hết cho gia đình hai đứa em trai. Lúc thì nhà tôi sửa nhà, lúc thì chú Tư mua xe, mấy đứa cháu đi học đều được cô hỗ trợ. Lúc ở nhà, cứ cuối tuần, mấy anh em thay nhau về chơi với cô đều đặn nhưng lúc đi học xa, những chuyến về quê thưa dần.

Cách đây nửa năm, sức khỏe cô bắt đầu yếu, những vết thương cũ tái phát khiến cô nằm liệt giường. Đã mấy lần ba gọi điện bảo từng đứa gắng thu xếp về thăm cô vì “cô cứ nhắc tụi bây hoài” nhưng đứa nào cũng hẹn mà chẳng chịu về. Ba giận lắm, chẳng thèm nhắc nhở nữa. Rồi ba quyết định về quê ở hẳn để chăm sóc cô…

Lần này, mẹ gọi điện báo tin nghĩa là tình hình sức khỏe của cô yếu lắm rồi. Xin nghỉ phép một tháng, gác lại nỗi lo toan gia đình, tôi lên tàu để về quê. Chợt nhớ ai đó đã nói “hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người yêu thương bởi không chắc rằng họ sẽ ở bên bạn mãi mãi”.
 


HÀ LAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI