PNO - Thấy bạn bị tát nhiều, tới lượt mình, tình cờ thấy cô xuất hiện trước ban-công, em học sinh nọ đã mở lời hỏi như một động thái yếu ớt, đặng thử vận may “cứu bạn” nếu cô có đổi ý.
Nửa chừng cuộc trừng phạt, thấy cô Thủy xuất hiện ở hành lang, một học sinh hỏi vọng ra: “Cô ơi có tát nữa không?”. Cô nói “tát khi nào đủ thì thôi”. Em N. vì thế tiếp tục chịu cho đủ 230 cú tát của 23 bạn học, trước khi bị cô giáo bồi thêm cú tát thứ 231.
Đó là một lát cắt chớp nhoáng trong câu chuyện “bị cô giáo và bạn học tát 231 cái vì bị tố nói tục” của em N., học sinh lớp Sáu Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Bình, tỉnh Quảng Bình). Lát cắt như kể lại toàn bộ bi kịch giáo dục đang gây bức xúc dư luận. Cô giáo giải thích bằng… áp lực thi đua. Cô hiệu trưởng “gửi gắm” phóng viên “đừng đưa tin vì trường sắp được công nhận trường chuẩn quốc gia”. Từng diễn biến trong câu chuyện này đều “kịch tính” kỳ lạ, bởi cứ đến mỗi nút thắt, câu chuyện lại chuyển hướng theo một lẽ… trái đạo lý đến cùng cực.
“Tại sao cô giáo không chọn hình phạt nhân văn hơn?”. “Tại sao cả lớp 23 học sinh không biết từ chối bạo hành bạn mình?”. “Tại sao cô hiệu trưởng không trăn trở nhiều hơn ở góc độ một con người có lương tri trước một đứa trẻ bị bạo hành, ở trách nhiệm của một nhà quản lý giáo dục trước biến cố giáo dục ở chính ngôi trường mình - hơn là lo lắng về danh hiệu trường chuẩn quốc gia?”. “Và, tại sao đứa trẻ tội nghiệp nọ không biết phản đối, phản biện, thậm chí là vùng thoát để bảo vệ mình?”.
Nếu nói tất cả những giả định trên đây là “viển vông”, hẳn bạn đã thừa nhận nền giáo dục, hay con người nói chung trong xã hội này đã hết đường cứu vãn. Bởi, những phản ứng giả định trên đều là những phản ứng bình thường, căn bản với mọi con người có nhận thức trong thế giới văn minh này. Hoặc giả con người đó còn quá nhỏ (như những em học sinh lớp Sáu trong câu chuyện này), thì lẽ ra, những đứa trẻ ấy phải biết hành xử theo cái lẽ bình thường trước khi biết răm rắp làm đau người khác, như những gì đã diễn ra.
Thật ra, phản-ứng-rất-người ấy đã yếu ớt xuất hiện trong câu hỏi của người bạn học “cô ơi, có tát nữa không?”. Khi đó, hình phạt đang diễn ra, từng người bạn học lên tát bạn mình trong khi cô giáo đã đi ra ngoài sau khi phát lệnh tát. Thấy bạn bị tát nhiều, tới lượt mình, tình cờ thấy cô xuất hiện trước ban-công, em học sinh nọ đã mở lời hỏi như một động thái yếu ớt, đặng thử vận may “cứu bạn” nếu cô có đổi ý. Nhưng rồi em ấy đã thua cuộc, khi đại diện của quyền lực xác nhận, vẫn tát.
Cái sai và sự nhẫn tâm của cô giáo đã được phân tích từ nhiều góc độ trên truyền thông. Sự tổn hại sức khỏe của nạn nhân đã được bác sĩ miêu tả đầy đủ. Di chứng tinh thần của em và của cả những học sinh tham gia tát bạn cũng không khó hình dung. Thế nhưng, nếu lý giải hành vi của cô giáo và cô hiệu trưởng bằng áp lực thành tích, lý giải phản ứng của cả lớp bằng nỗi sợ quyền lực, thì người ta cũng vẫn bỏ sót một nguyên nhân - một biến cố lương tri nào đó - đã đưa đến hành xử của một con người có tư duy - trước nỗi đau của người khác.
Nhiều nhà báo đã trực tiếp phỏng vấn học sinh trong “lớp học 231 cái tát”. Các em đều bày tỏ rằng mình không muốn tát bạn, không thích và mong hình phạt của cô giáo chấm dứt. Nhưng cũng chính các em đã thừa lệnh cô mà tát bạn. Các em đã lựa chọn bỏ qua sự thương cảm và những tiếng phản đối trong mình, để tuân theo quyền lực.
Lời đề nghị giấu sự việc để bảo vệ thành tích của trường cũng không lạ. Nó hẳn sẽ khiến những người “có trải nghiệm” dễ thấy thông cảm, rằng đây là một bất trắc cá nhân, còn đằng kia là nỗ lực của cả tập thể. Nhưng, đó là khi bạn tư duy bằng lý lẽ của thành tích. Chỉ khi lấy thành tích làm chuẩn để phân tích thiệt hơn, vị hiệu trưởng nọ mới có thể tin rằng chuyện học sinh của bà bị chính bạn học và cô giáo tát 231 cái ngay trong lớp học đủ nhỏ để im lặng.
Và cuối cùng, hành vi của cô giáo cũng được giải thích bằng áp lực thành tích. Bệnh thành tích và nỗi sợ quyền lực hẳn đang điều khiển toàn bộ những diễn biến điên rồ này. Nhưng, càng viện dẫn những nguyên nhân chung chung, thì người ta sẽ chỉ toàn nhìn thấy những nạn nhân. Và mọi bi kịch đều bất khả giải. Lần này là do bệnh thành tích, lần tiếp theo là do “thừa hành mệnh lệnh cấp trên”, lần sau nữa là do “gia cảnh quá túng quẫn”, do “bị trộm chó”... Và, hết thảy những người làm lỗi, những kẻ thủ ác sẽ đều là những con người dành toàn bộ sự yếu đuối trong tư duy để làm “kẻ mạnh” với những nạn nhân yếu hơn mình.
Vậy nên, dù bệnh thành tích có khiếm khuyết, hay quái đản đến mức nào, cũng không thể là nguyên nhân suy thoái của một con người, một thế hệ, một xã hội. Bệnh thành tích và nỗi sợ quyền lực không thể khiến 23 học trò tát-mạnh-10-cái-lên-má-bạn-mình, không thể khiến một phụ nữ trưởng thành - là giáo viên đưa ra mệnh lệnh vô cảm đó. Nguyên nhân sâu thẳm của những điều đó, phải chính là sự thất lạc lương tri, sự yếu hèn của tư duy độc lập đã khiến từng con người bỏ cuộc trong cơn đàn áp của thành tích, quyền lực, hay bất kỳ điều gì khác nữa. Tức là, nếu không có bệnh thành tích, thì cũng sẽ có một căn bệnh bất kỳ gì đó “xúi bẩy” những con người yếu đuối làm chuyện dại.
Sau vụ việc này, trên các diễn đàn, giải pháp được người ta hưởng ứng nhiều nhất là “phụ huynh lên trường tát cô giáo 230 cái và cho em N. tát cô một cái sau cùng để trừng phạt”. Đến đây, vòng tuần hoàn lại xoay về bi kịch “cô giáo quỳ” ngày nào, với hình ảnh phụ huynh mang tấn đòn thù lên xử ngược cô giáo. Tất cả chỉ là những diễn biến thuần túy cảm xúc - những cảm xúc tiêu cực, man rợ, không có bóng dáng của nhân tính hay lý trí của con người văn minh. Chuyện này, có đâu chỉ là một bi kịch giáo dục? Nó dường như đã là bi kịch của một xã hội thiếu vắng những tư duy độc lập, những tâm hồn trong trẻo biết thấu hiểu, cảm thông và tư duy trước khi gợn đục “thành tích”, “thi đua”, “quyền lợi”... Là một bi kịch xã hội, nhưng là trách nhiệm của giáo dục - khi giáo dục vẫn loay hoay đào tạo những con người công cụ, biết sợ và giỏi vâng lời.