Cỗ ở Bát Tràng

28/02/2022 - 06:24

PNO - Mâm cỗ “tiến vua” ở Bát Tràng là sự hòa quyện giữa cái mộc mạc chân chất nơi làng quê và sự cầu kỳ, tỉ mỉ chốn cung đình.

Mâm cỗ ngày xuân ở Bát Tràng được chuẩn bị rất cầu kỳ. Ảnh: Nguyễn Kim Chi
Mâm cỗ ở Bát Tràng được chuẩn bị rất cầu kỳ - Ảnh: Nguyễn Kim Chi

Ngoài đồ gốm trứ danh, nổi tiếng khắp Nam - Bắc, vang danh tận trời Tây, làng cổ Bát Tràng còn là địa chỉ có tiếng về ẩm thực của đất kinh kỳ. Nếu đã tới đất Hà thành vào những ngày này, khi cánh đào còn thắm sắc hồng, đừng quên đến với Bát Tràng để nếm thử mâm cỗ “tiến vua” nức tiếng nơi đây.

Xưa kia, mâm cỗ ở nhà khá giả đất Bát Tràng thường có 8 tô và 8 đĩa, hàm ý “bát trân” tức 8 món ăn quý hiếm nơi cung đình. Nhà nào giản dị hơn sẽ bày cỗ với 4 tô và 4 đĩa, tượng trưng cho 4 phương và 4 mùa.

Giống như bao mâm cỗ truyền thống của miền Bắc, cỗ ở Bát Tràng không thể thiếu đĩa gà luộc hay xôi giấc. Nhưng cái cầu kỳ, trau chuốt của người Bát Tràng trong ẩm thực phải kể từ món canh bóng.

Miếng bóng bì hay da heo phơi khô được cho vào nước ngâm nở, rồi thái hình quả trám. Trong bát canh bóng, ngoài su su, su hào, cà rốt có thể còn thêm mấy miếng gan heo, phối quyện cả thanh lẫn sắc tạo nên một vị thanh cảnh, ngọt hậu mà không hề ngán.

Nhắc cỗ ở Bát Tràng mà không nói tới canh măng mực và mực xào su hào thì quả là thiếu sót. Cỗ ở Bát Tràng, canh măng phải là canh măng nấu với mực khô.

Mực khô từ vùng Thanh Hóa sau khi được ngâm nở, bỏ màng sẽ được tước sợi mảnh, chỉ như sợi miến. Măng vầu Tuyên Quang cũng được đem ra ngâm nước trước một ngày, luộc qua vài lần cho nhả hết vị đắng và chất độc trong măng. Sau đó, măng cũng được đem tước sợi, nhỏ như với mực khô. Để nước canh thơm ngọt, người ta nấu bằng nước luộc gà, ngoài ra còn phải giã thêm mấy con tôm khô bỏ vào. Phải như vậy mới cho ra được tô canh ngọt thanh, măng và mực đều mềm, ăn một lại muốn ăn hai.

Mực khô xào su hào cũng là một món ăn đặc trưng trong mâm cỗ của người Bát Tràng. Mực khô sau khi được ngâm nước, tước nhỏ được đem xào với su hào thái chỉ, đã phơi qua cho héo. Mực khô và su hào - sự kết hợp tưởng lạ lùng lại ăn ý đến kỳ lạ. Mỗi bên góp vào một chút vị ngọt, hòa quyện và nâng đỡ cho nhau, không tanh cũng không ngán.

Thưởng thức mâm cỗ nơi đây, ta còn có cơ hội nếm thử món nem chim bồ câu. Người Bát Tràng đã thay thế thịt heo trong món nem truyền thống bằng thịt chim bồ câu đã bỏ xương, bỏ da. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được cái vị mềm, ngọt đặc trưng của thịt bồ câu.

Chả tôm thì vùng Thanh Hóa cũng có và chả tôm Thanh Hóa cũng có tiếng hơn nhiều. Thế nhưng chả tôm sông nướng ở Bát Tràng cho người ta một phong vị rất khác. Thay vì gói bằng vỏ bánh tráng, chả tôm nướng ở Bát Tràng được gói bằng lá lốt. Giữa cái vị ngọt của tôm có cái bùi thơm của lá lốt hơi xém, ăn cũng thú lắm!

Ăn xong bữa cỗ ở Bát Tràng, bạn có thể dạo quanh các lò gốm, hay ghé thăm những ngôi nhà cổ đã hơn trăm năm tuổi. Để  từ đó ta chợt nhật ra rằng đất Hà thành vẫn còn những nét duyên ngầm e ấp trong cái nhộn nhịp phố phường.

Thụy Oanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI