Có nội lực, phụ nữ thật mạnh mẽ mà cũng thật dịu dàng

08/03/2025 - 15:52

PNO - “Chị cố gắng vượt qua. Chị là chiến binh kiên cường mà, sao nay lại…”. Lời động viên này ta vẫn thường nghe và tự hỏi “Có hay không người phụ nữ luôn luôn mạnh mẽ?”.

Để đi tìm câu trả lời, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã phỏng vấn bà Phạm Thị Sen - Giám đốc Trung tâm Inner Space Việt Nam, chuyên viên giá trị sống quốc tế, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TPHCM - nghe bà chia sẻ về nội lực của phụ nữ và những phép “luyện công” để từng ngày trôi qua, chị em được an vui, “chân cứng đá mềm”.

Chuyên gia Phạm Thị Sen chia sẻ về giá trị sống, tư duy tích cực tại Trung tâm Inner Space - Nguồn ảnh: Inner Space
Chuyên gia Phạm Thị Sen chia sẻ về giá trị sống, tư duy tích cực tại Trung tâm Inner Space - Nguồn ảnh: Inner Space

Phóng viên: Phụ nữ có kiến thức rộng, học vị cao, vị trí xã hội đáng trọng vọng với thu nhập ngất ngưởng thì họ sẽ luôn vững vàng trong cuộc sống mà không cần trang bị nội lực phải không, thưa bà?

Chuyên gia Phạm Thị Sen: Cuộc sống luôn đem đến những cơ hội cũng như thử thách. Mọi thứ đều có vòng đời tuần hoàn luân chuyển: hết trẻ trung, tươi mới rồi đến suy thoái, hỗn độn. Ngay lúc rơi vào suy thoái, hỗn độn, người ta sẽ nhận rõ sự cần thiết của sức mạnh từ bên trong. Nếu không có nguồn năng lượng tích lũy sẵn, dù là bất kỳ ai, người ta sẽ dễ gục ngã, chới với, mất phương hướng mà không có gì chống đỡ nổi. Nội lực sẽ giúp bạn thắp sáng ngọn lửa để đi qua những khúc quanh tăm tối.

* Xin bà nêu những biểu hiện cơ bản của người phụ nữ có nội lực?

- Người phụ nữ có sức mạnh bên trong sẽ nhận thức rõ về ưu - khuyết điểm của mình, ứng dụng lợi thế của mình vào gia đình, cơ quan, cộng đồng, lan tỏa năng lượng tích cực cho người khác. Người phụ nữ ấy biết mình cần bước tới hay lùi lại, biết mình vừa tổn thương ở đâu, mình cần phục hồi và có thể tự chữa lành. Sức mạnh bên trong phát triển một cách tự nhiên bằng nỗ lực, sự tận tụy và hy sinh.

* Một khi hy sinh, phụ nữ sẽ luôn kỳ vọng và nếu thực tế không được như mong cầu thì rất dễ rơi vào vòng xoáy của tuyệt vọng, buông xuôi. Vì đâu bà lại cho rằng hy sinh là thành tố để bồi đắp nội lực?

- Hy sinh mà tôi đề cập không hề mang nghĩa làm chết đi bản thân, quên mình hay ôm đồm hết việc của chồng con. Hy sinh là bạn dám tạm gác, dừng lại để tập trung nghỉ ngơi, điều trị khi mệt mỏi, bị bệnh. Hy sinh lúc đó được xem như một sự “tạm lánh”, vì nhu cầu chính đáng của bản thân. Hy sinh còn là tiết chế “cái tôi” của mình, không đổ cảm xúc thái quá, sự tức giận của mình lên người khác.

Ví dụ khi chồng nói câu gì thoạt nghe có vẻ như cằn nhằn, trách cứ, thay vì đốp chát lại “Tôi làm gì có thời gian. Anh cũng có tay có chân, tự mà làm lấy”, người vợ mạnh mẽ sẽ đọc được nhu cầu của chồng đằng sau lời nói đó: chồng cần vợ quan tâm, chăm sóc, chia sẻ nhiều hơn chăng? Ở đây, sự hy sinh của vợ thể hiện bằng cách không hơn thua, không tranh phần thắng và đủ bản lĩnh để kìm giữ những phản ứng tiêu cực. Linh hoạt, khéo léo, người vợ còn chuyển hóa nó thành lời nói dịu ngọt, hành động ân cần.

Thực ra, vợ không hy sinh vì chồng mà hy sinh vì sức-mạnh-tinh-thần của mình. Nội lực thực sự gồm 2 lực đối nghịch: mạnh mẽ và dịu dàng.
Với cách hiểu này, hy sinh không hề liên quan đến kỳ vọng để phải sợ vỡ mộng khi bất như ý. Hy sinh, bạn không mất gì, không yếu đi mà càng “đầy lên” cảm hứng sống, có thêm những mối quan hệ tốt đẹp.

* Theo bà, đâu là vách ngăn khiến phụ nữ khó tiếp cận nguồn năng lượng bên trong?

- Người phụ nữ đã yêu thương, đã chọn lập gia đình, sinh con thì chăm lo cho gia đình là lẽ đương nhiên và tự nguyện (tất nhiên, vợ chồng động viên nhau cùng chia sẻ công việc). Nếu đi vào lòng luẩn quẩn “kể công”, phụ nữ sẽ mang vào mình sự yếu đuối. Kể công luôn kèm theo phê phán, chỉ trích, áp đặt người khác, gây tổn hại mối quan hệ.

Khư khư ôm giữ quá khứ cũng làm cho phụ nữ “bốc hơi” nội lực và làm xuống màu hôn nhân. Ví dụ: khi chồng tặng bông hồng, người vợ lại đay nghiến chuyện 2 năm trước chồng tặng bông hồng cho… “con đó”. Hãy mạnh mẽ để buông bỏ và buông bỏ sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn.

* Để xây dựng nội lực, phụ nữ cần làm gì, thưa bà?

- Sự cân bằng sẽ tạo nên sức mạnh thân - tâm - trí cho mọi người. Cân bằng bao gồm việc ngủ đủ, tập thể dục, ăn uống điều độ, xây dựng lối sống lành mạnh, làm việc vừa sức, học tư duy tích cực, tập trung hơi thở, điều hòa cảm xúc… Mỗi người nên có những địa chỉ để trợ giúp, chia sẻ, tham vấn như những “trạm sạc” tinh thần.

Gia đình ấm áp, yên bình là nơi an trú để các thành viên tu dưỡng và lấy lại niềm tin, sức mạnh. Những gia đình có nền nếp sinh hoạt: như thường xuyên có bữa cơm gia đình, cam kết giờ đi ngủ, đi học, đi làm, về trễ thì báo cho nhau biết, cùng chào và cùng tiếp khách đến nhà… thì tinh thần của mỗi thành viên mạnh mẽ, cân bằng hơn và gắn bó với nhau hơn.

Sức mạnh dồi dào bắt nguồn từ việc hiểu quy luật của vạn vật luôn có sự tuần hoàn, biến đổi: trẻ rồi già; khỏe rồi bệnh; nắng rồi mưa; xuân rồi hạ, thu, đông; có thuận lợi, may mắn cũng sẽ có khó khăn, nghịch cảnh… Đừng hoang mang khi nhận ra mình bỗng dưng yếu đuối, bởi chẳng ai mạnh mẽ mãi được.

Mọi sự việc, mối quan hệ đều có vòng đời. Ta nên bình tâm đón nhận, chấp nhận và thay đổi tích cực nhất trong khả năng của mình. Hiểu quy luật, cuộc sống sẽ thật dễ dàng, không bế tắc, chẳng sợ hãi, âu lo.

* Xin cảm ơn bà.

Tô Diệu Hiền (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI