Cứ nhìn cách người Tây Ban Nha pha cà phê thì biết. Họ không dùng đường hay sữa để làm giảm độ đắng của cà phê. Thay vào đó là mật ong. “Con Miel”, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa cà phê mật ong, cũng là tên gọi của thứ thức uống “gây nghiện” này.
Cà phê Kaffe Tonic
|
Công thức gồm mật ong tươi pha với espresso, vani, húng quế, và nhục đậu khấu. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu pha không đúng liều lượng, bạn sẽ có một loại thức uống thảm họa. Ngược lại, chỉ một ngụm nhỏ cũng đủ làm bạn bị hớp hồn bởi vị ngọt của mật ong hòa với vị ngậy của sữa và vị đắng của espresso.
Không đường, không sữa, cũng chẳng mật ong, người Thụy Điển làm dịu cái đắng của cà phê espresso bằng nước Tonic và đá viên. Những ngày nắng gắt, một thức uống mát lạnh mang tên Kaffe Tonic là đủ cho một mùa hè rực rỡ.
Nhưng cái sảng khoái tê buốt vòm họng của Tonic vẫn chưa thể sánh bằng rượu rum và kem tươi mà người Đức dùng để làm dịu vị đắng cà phê Pharisaer nổi tiếng của họ. Khi hai vị đắng rượu - cà phê được vị ngọt béo mát lạnh của kem lấn át, thì ấn tượng để lại sẽ là cảm giác thỏa mãn lan tỏa mọi giác quan.
Một anh bạn người Đức kể với tôi rằng, nguồn gốc của cách pha cà phê này còn thú vị hơn. Ngày xưa, trên đảo Nordstrand miền Bắc nước Đức, có một mục sư được gia đình nọ mời đến dự lễ rửa tội. Vị mục sư kiêng rượu, trong khi buổi lễ được chiêu đãi toàn rum.
Cà phê Kaffeost
|
Để qua mắt vị mục sư, gia đình đã trộn cà phê vào rượu rum và phủ một lớp kem tươi bên trên. Khi phát hiện sự thật này, vị mục sư thảng thốt kêu lên: “Ôi các Pharisees!”, (Pharisees là một giáo phái đối nghịch với Kito giáo).
Một cách pha cà phê độc đáo khác là nhúng một miếng phô mai vào cốc cà phê đen đang bốc khói để nghe vị bơ tỏa ra nhè nhẹ. Cắn một miếng phô mai ngập răng, bạn sẽ lại nghe trong bơ có mùi cà phê thơm phức.
Đây là cách người Phần Lan và Thụy Điển làm ra cà phê Kaffeost, món đồ uống càng nóng thì càng ngon tột cùng. Hoặc giả như cách pha cà phê với nước đường theo kiểu Nam Mỹ (đường hòa với nước rồi đun sôi, tạo nên dung dịch nước đường trong, quyện sánh) cũng sẽ cho bạn một ly cà phê đậm đà hòa tan tuyệt đối.
Âu cũng là một trải nghiệm cà phê khác với bình thường, đúng không? Nhưng dẫu có lập dị đến đâu cũng không thể sánh bằng cách pha cà phê của người Ấn Độ. Họ dùng màu tím và vị mặn của hoa của rau diếp xoăn để làm hương liệu cho món cà phê đặc biệt của mình.
Loài hoa này làm chậm quá trình lọc cà phê qua phin, giúp cà phê thêm đậm đà và thơm lạ lùng. Chút vị béo của sữa và vị ngọt của đường khiến tách cà phê càng thêm hấp dẫn.
Tôi phải kể lể hằng hà sa số cách pha cà phê của các quốc gia khác nhau để đi đến một kết luận rằng, không cách nào sáng tạo và độc đáo như cà phê trứng của Việt Nam. Lòng đỏ trứng gà được đánh bông bằng tay hoặc máy đánh trứng cho tới khi thơm phức mùi bánh rồi rót nhẹ cà phê nóng vào giữa cốc.
Đó là thứ cà phê đen pha sẵn với độ đặc quánh. Bọt trứng lẫn trong cà phê tạo ra một màu vàng nâu cực kỳ hấp dẫn. Từng hạt cà phê đen dù đã lọc qua phin nhưng khi rót vào trứng đánh bông thì như bị tách rời, nổi lên từng đốm li ti, tạo thành vô số vệt hoa văn tự nhiên đẹp đẽ.
Tách cà phê trứng lúc này giống như một “chiếc cốc thủy tinh với lớp bọt kem như chực chờ bất cứ lúc nào có thể trào ra ngoài, dưới đó chỉ 1 inch là thứ cà phê đen mạnh mẽ quen thuộc. Một sự pha trộn giữa địa ngục và thiên đường” - blogger Mark Lowerson đã nhận xét như thế khi nói về cà phê trứng.
Hạnh Di