Vất vả lắm Trầm mới chạm tay đến ngày khai trương. Đó chỉ là một cái shop nhỏ bán các sản phẩm thời trang, những phụ kiện của bà mẹ và trẻ em, như bao nhiêu cửa hàng khác trên phố. Nhưng, chỉ khi một mình lo toan bao công đoạn, từ tìm kiếm đến thỏa thuận thuê mặt bằng, xin giấy phép, tìm nguồn hàng, tuyển nhân viên… mới thấu hiểu làm ăn đúng là không đơn giản.
Cha của bọn trẻ đâu mà Trầm vất vả đến vậy? Chồng Trầm ngày trước luôn tự hào vì mình có “hộ khẩu thành phố”. Cưới nhau được vài năm thì anh kêu chán làm thuê, chẳng muốn bị ai đó đã không có tài năng mà còn hay sai vặt, “đè đầu cưỡi cổ”. Đôi khi Trầm lại nghĩ, đúng là có những quyết định sai lầm mà người trong cuộc phải trả giá bằng cả đoạn đời dằng dặc của mình. Hôn nhân nằm trong đó.
Chồng Trầm cao to đẹp trai, ăn nói hùng hồn, nhưng bạn bè đồng nghiệp ít khi thấy anh xuất hiện cùng Trầm. Chẳng phải Trầm lo ai đó “cướp” mất “giai đẹp” như thi thoảng bạn bè trêu ghẹo, mà vì Trầm ngại - nỗi ngại ngần mà phải là người thân tình lắm, hiểu nhau lắm, mới được Trầm chia sẻ…
Mỗi lần nghe ai hỏi thăm nghề nghiệp của chồng là Trầm lại sượng sùng. Mấy chữ “làm tự do” tuy nghe hoành tráng và hiện đại, có thể khiến người không hiểu chuyện dễ sinh lòng ngưỡng mộ, chỉ riêng Trầm tự biết, cụm từ đó đồng nghĩa với mấy chữ “thất nghiệp”, “lông bông” hoặc “ăn bám vợ”. Làm bạn với cái máy ảnh và chiếc laptop sắm bằng tiền của vợ, chồng Trầm có dáng vẻ thật nghệ sĩ, thu hút được không ít cô gái trẻ lãng mạn, mơ mộng, tưởng đời chỉ toàn thơ, nhạc và hoa…
Người đàn ông vẫn lặng lẽ hỗ trợ Trầm chuẩn bị cho chuyện buôn bán này, tiếc thay lại chẳng là người bạn đời. Biết Trầm thường đi nước ngoài công tác, có cơ hội tìm hiểu các thị trường lân cận, lại thông thạo ngoại ngữ và thủ tục hải quan, nên anh đã khuyến khích cô mạnh dạn mở một cửa hàng riêng.
Áp lực kinh khủng đã phát sinh từ khi Trầm bước ra kinh doanh. Vô số công đoạn, có khi rất nhỏ nhặt, đều phải lo toan. May có anh khi âm thầm, lúc xông xáo đỡ đần một tay, hướng dẫn Trầm đường đi nước bước, lại cho vay một khoản tiền lớn không lấy lãi. Còn gì có thể khiến một người đàn bà cảm động hơn việc họ được chia sẻ, an ủi và chung vai sát cánh mỗi ngày?
Nhưng, Trầm chỉ có thể nói cùng anh một lời cảm ơn mà thôi. Lòng đã quá ngán ngẩm chuyện hôn nhân, tình yêu, Trầm chẳng còn mơ mộng điều gì xa xôi. Trầm yên tâm nhất là anh chưa từng làm gì để Trầm phải nghĩ ngợi.
Ngày khai trương, Trầm mải tiếp khách ở tầng trệt, khi xem lại đoạn camera quay diễn biến trên lầu, cô mới bật ngửa. Trên ấy, chồng Trầm có những vị khách riêng của anh, xinh đẹp, sành điệu, bước vào là ríu rít gọi anh, thân mật đến lả lơi, chẳng thèm để mắt đến ai ngoài nam chủ nhân lịch lãm.
Nào là anh Khôi ơi, anh giỏi quá, cửa hàng đẹp ghê, vị trí đắc địa, hàng hóa đa dạng… Anh giàu thật đấy, hèn chi lâu nay đãi đằng đệ tử, em út mạnh tay ghê. Chồng Trầm cười phớ lớ, quàng vai bạn viết, bạn ảnh, bạn đàn của mình. Rượu khui liên tục, rót tràn những chiếc cốc chân cao sang trọng. Rồi lại tiếp, kể tụi em nghe đi, khi nào anh mở thêm cửa hàng thứ hai, thứ ba, thứ n, làm luôn một chuỗi ha anh…
Chồng Trầm hào hứng “nổ banh nhà lồng”, nào là anh nhượng quyền thương hiệu đó, thủ tục chứng minh tài chính phức tạp lắm. Sau này sẽ bán lại kiếm lời, giá phải mười ngàn đô trở lên anh mới gật. Anh ấp ủ lâu rồi, tại Trầm có thai, sinh con nên giờ anh mới xúc tiến. Cũng nhiều việc nhưng anh tự tính toán được hết... Mọi chuyện anh nói cứ trơn tru tuôn như thật sự anh là nhân vật chính, không hề có bóng dáng vợ trong đó.
Trầm chợt bật cười, chẳng rõ mình vui hay buồn, ngẫm nghĩ lại thấy chồng nói cũng phải. Ngồi ở quầy tính tiền là em chồng, một thanh niên điển hình của thói “em chả”, đã có vợ con nhưng vẫn được mẹ cắt móng tay, gội đầu cho hàng tuần. Biết anh trai mở tiệm, cậu xin ngay chân… quản lý. Trầm không thể nói “không” vì thừa biết, nếu lắc đầu là cái vỏ gia đình mà mình đang cố giữ cho hai đứa con sẽ tan tành trước sự phẫn nộ từ nhà chồng. Bấy lâu, vì Trầm có thu nhập ổn định đóng góp vào chi tiêu chung, nên chưa bị ai nói động, nhưng cứ thử thất nghiệp, nghèo túng mà xem, biết đá biết vàng ngay!
Người bạn cùng coi cái đoạn phim diễn sâu ấy với Trầm cố nén cái nhìn ái ngại, nhưng cuối cùng không kềm được, buông một câu: “Sau này lỡ có gì, không dễ đâu Trầm.” Nói ít hiểu nhiều. Đơn giản là Trầm khó có thể bảo vệ được những gì mình đã đánh đổi cả tuổi trẻ để gầy dựng, nếu bước khỏi nhà ấy. Nhưng cố đấm ở lại, Trầm cũng hoang mang không biết mình đang chịu đựng vì cái gì.
Cao to nhưng bờ vai èo uột không dựa được; không chỉ gia trưởng, háo danh, mà còn thờ ơ vô cảm, thói lợi dụng trơ trẽn của người chồng đó, người phụ nữ thông minh, từng trải như Trầm lẽ nào không nhận thấy? Vì con hay vì nỗi lo sợ mơ hồ mình sẽ ngả nghiêng về phía ai kia nếu không có một nơi chốn thuộc về? Dẫu nơi chốn ấy tệ bạc đến cùng cực, chưa bao giờ biết đồng hành cùng Trầm, thì cũng là cái neo để cô khỏi lạc lòng.
Rồi khách của chồng Trầm về ngang cửa, thấy một người đàn bà có phần xơ xác sau một đợt tất bật đang lúi húi thu dọn, thì thản nhiên không chào hỏi gì, lại còn hướng về Trầm cái nhìn có phần trịch thượng. Trầm dửng dưng không buồn trách, nghĩ ừ thì chẳng đáng, có gì quan trọng đâu…
Bằng Lăng