“Nhà đâu đi chợ ở gần đấy” có vẻ là một quy tắc cơ bản nhưng không hề đúng với những chị em mê chợ. Bữa gặp chị Hoài Trang ở chợ Bàu Cát (Q. Tân Bình, TPHCM), tôi ngỡ ngàng. “Sao chị đi chợ nhà em? Chị tận Tân Phú mà!”. Chị ghé tai tôi cười cười: “Chợ nhà cô nhiều cái hay nha cô ơi”.
Cái “hay” của chợ, theo chị Trang khiến chị chạy xe 6km đi chợ xa, dù gần nhà không thiếu.
|
La cà chợ, với nhiều người là một cái thú |
Mà nào chỉ chị Trang đi chợ “khác tuyến”, tôi đây cũng là một ví dụ bạn bè hay nhắc về độ… lọ mọ. Ví như tôi ở khu Bàu Cát nhưng lại thích băng đường Trường Chinh qua khu K300 đi chợ Hoàng Hoa Thám (Q. Tân Bình, TPHCM) mua cua đồng, vượt kênh Nhiêu Lộc mua thịt bò chợ Phạm Văn Hai (Q. Tân Bình, TPHCM).
20 năm nay, muốn mua áo quần mặc nhà cho con, tôi lặn lội chạy lên tận chợ Bàn Cờ (Q. 3, TPHCM), muốn mua vải vóc hay đặt may drap, tôi ghé vào chợ Tân Định (Q. 1, TPHCM). Muốn sắm đôi guốc gỗ, tôi chui vào “hóc bà tó” chợ Vườn Chuối (Q. 3, TPHCM), sẵn tiện mua luôn hành tỏi Bắc, vì với tôi, thứ này ở chợ Vườn Chuối “rất chất”.
Còn có một thế giới mua bán ở các đuôi chợ có sức hút mãnh liệt với những ai mê đồ thực phẩm quê, thực phẩm “ngon - bổ - rẻ”.
Ví như lạc vào đuôi chợ Sơn Kỳ (Q. Tân Phú, TPHCM) một cuối tuần nắng đẹp, bạn sẽ ngợp với cảnh ngàn người bán, vạn người mua. Chợ “nở ra gấp nhiều lần mọi ngày”, ồn ào đúng kiểu vỡ chợ, bởi mỗi người góp một vài câu, mật độ âm thanh cộng hưởng tạo ra bản lao xao mà từ vài trăm mét đã nghe rào rào như sóng biển.
Người mua đa số là các dì các cô có tuổi. Họ đi tới đi lui, ngó nghiêng, so sánh rồi mới sà xuống sạp hàng chọn lựa rau củ quả, tôm cá thịt. Ngoài số người bán ngồi yên một chỗ, cũng có nhiều người đứng bán kiểu linh hoạt, tức bán ngay giữa lối đi hoặc dừng chiếc xe nhỏ có bó rau bán nhanh cho ai đó, rồi di chuyển khắp chợ kẻo bị nhắc nhở, gây kẹt xe, tắc đường.
Mà nào chỉ chợ Sơn Kỳ, một số chợ lớn nằm hẳn trong nội thành như Tân Định, Phạm Văn Hai, Bà Chiểu, Xóm Chiếu… số sạp hàng trong nhà lồng không quá nhiều, nên phần "nối dài" của chợ có khi kéo tới 700-800m về phía sau, bên phải, bên trái các con đường bên hông chợ. Người mua bán đông kín các lối rẽ, các trục đường cắt. Phần nối dài này đa số là thế giới của đồ quê, đồ lạc-xoong, đồ second-hand, đồ chỉ bán ngày nào đó trong tuần (tức người bán sẽ di chuyển mỗi chợ một buổi, chứ không cố định)…
Tại chợ Bà Hoa (Q. Tân Bình, TPHCM), hỏi thăm một bác chạy xe từ Củ Chi với sọt bí xanh, kèm cái bảng 10k/3 trái ở trục đường quanh chợ, bạn sẽ được cả một câu chuyện chăm sóc, nuôi trồng của nhà vườn. Món quê, rau vườn, cá đồng, tôm tự nhiên… vào phố nhiều vào ngày cuối tuần.
Hỏi thăm anh chàng bán bắp tươi ngồi ở trục đường nào đó cạnh một chợ Q.Tân Bình hay cô gái bán khoai, đậu phộng ở một trục đường của Q. Gò Vấp, bạn có thể biết, trong tuần họ làm nghề khác, tới thứ Bảy, Chủ nhật thì tranh thủ lên chợ đầu mối nông sản lấy ít rau củ về bán, kiếm thêm chút đỉnh.
Bữa nọ, thấy tôi hỏi loại lá nào tắm bé thì bớt mụn nhọt, cô nhỏ đang ngồi với mớ tép đồng nhảy tanh tách ở chợ Sơn Kỳ nói tôi chờ được thì mua trái dừa uống nước, trông mẹt tép chừng 1 tiếng thôi. Cô ấy tất tả lấy xe chạy về tận Q. 12, hái cho tôi mớ lá sầu đâu rồi đưa lên. Tôi gửi tiền, cô nhất quyết không lấy, cứ nói cây có sẵn trong vườn nên hái tặng.
Người ở chợ, ngó thì nhộn nhạo, mà lúc nào cũng sẵn tình.
Minh Lê