Có những người già muốn làm việc đến tuổi ngoài 70

28/07/2022 - 06:12

PNO - Việc tăng số lượng người cao tuổi trong lực lượng lao động được coi là một bước quan trọng để tăng cường nguồn cung lao động ở các nước châu Á, trước xu hướng dân số ngày càng già hóa và tuổi thọ ngày càng cao.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát được hiện vào tháng 5/2022 và công bố hôm 26/7, gần 70% người cao tuổi Hàn Quốc cho biết họ muốn tiếp tục làm việc cho đến năm 73 tuổi, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng già hóa nhanh chóng, đồng thời tuổi thọ lại tăng lên trong những năm qua.

Hàn Quốc có 8,77 triệu người cao tuổi đang làm việc, tăng 496.000 người so với một năm trước đó
Hiện Hàn Quốc có 8,77 triệu người cao tuổi đang làm việc, tăng 496.000 người so với một năm trước đó

Trong số 15,1 triệu người từ 55 đến 79 tuổi tham gia khảo sát, 68,5% cho biết họ muốn tiếp tục làm việc trong tương lai, tăng 0,4% so với một năm trước đó.

Hiện, Hàn Quốc có 8,77 triệu người cao tuổi đang làm việc, tăng 496.000 người so với năm ngoái.

Theo dự báo của các chuyên gia, đất nước này có thể trở thành một xã hội “siêu già” vào năm 2025, trong đó những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% tổng dân số.

Không riêng Hàn Quốc, trong nhiều năm qua, một số nước châu Á cũng đã xem xét điều chỉnh độ tuổi lao động, hoặc trì hoãn thời gian trả lương hưu, trước tình trạng dân số ngày càng già hóa, tạo thêm gánh nặng lên hệ thống phúc lợi công.

Trong khi đó, người dân ở các nước trong khu vực cũng đang sống lâu hơn. Dự kiến, đến năm 2040, tuổi thọ trung bình của người Singapore là 85,4, cao thứ 3 trên thế giới sau Tây Ban Nha (85,8) và Nhật Bản (85,7), theo một nghiên cứu do Viện Đánh giá sức khỏe của Mỹ thực hiện năm 2018.

Việc tăng số lượng người cao tuổi trong lực lượng lao động được coi là một bước quan trọng để tăng cường nguồn lao động ở các nước châu Á.

Tại Singapore, từ ngày 1/7/2022, tuổi nghỉ hưu đã được tăng từ 62 lên 63, trong khi độ tuổi làm việc sau nghỉ hưu (tái tuyển dụng) sẽ được tăng từ 67 lên 68. Những người 55 trở lên sẽ đủ điều kiện để được tái tuyển dụng sau nghỉ hưu, nếu họ đã làm việc cho cùng một tổ chức sử dụng lao động trong ít nhất 2 năm.

Nhật Bản có chính sách thúc đẩy các công ty tạo điều kiện để nhân viên làm việc cho đến năm 70 tuổi
Nhật Bản có chính sách thúc đẩy các công ty tạo điều kiện để nhân viên làm việc cho đến năm 70 tuổi

Ở Thái Lan, năm 2019, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã thông qua động thái kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với các công chức (hiện tại là 60). Sau đó, nhiều cơ quan, trong đó có Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan đã đề xuất nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 ở cả khu vực công và tư.

Đối với Nhật Bản, quốc gia đứng đầu thế giới về tốc độ già hóa, cố Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã từng công bố bản dự thảo chiến lược tăng trưởng kinh tế của đất nước vào năm 2018, trong đó có sáng kiến thúc đẩy các công ty tạo điều kiện để nhân viên làm việc cho đến năm 70 tuổi.

Nhiều chuyên gia của Trung Quốc - quốc gia duy nhất có hơn 200 triệu người cao tuổi - cũng đã từng kêu gọi tăng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 60 hiện nay. Trong những năm qua, đất nước này phải đối mặt với thách thức kép là dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm.

Nhất Nguyên (theo Nikkei, Korea Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI