|
Ảnh: Lê Văn |
Qua vài câu chuyện với bạn bè, tôi lần tìm trong trí nhớ về những cây gòn, loại cây cao vút có trái dài từng được trồng nhiều ở thành phố này. Cây gòn đến mùa thì ra trái. Sau đó, trái già đi, khô dần rồi bung vỏ, rụng trắng mặt đất dưới gốc hoặc thả bông bay đầy trời. Nhặt trái gòn khô về, khi lấy bông bên trong để độn gối nằm, phải cẩn thận dùng khăn bịt mũi vì bông gòn bay vào mũi khá khó chịu. Riêng hột gòn có thể rang với muối để ăn. Chỉ cần rang một lát là mùi thơm tỏa ra, có vị vừa béo vừa mằn mặn. Tôi vẫn nhớ món hột gòn rang mà anh Cường trong xóm mỗi lần đi lính về phép không biết kiếm đâu ra để rang cho đám con nít trong xóm ăn. Đó là món ngon dân dã mà bây giờ con nít không ăn vì không còn cây gòn và có nhiều món ngon để chọn lựa.
***
Hồi tôi còn nhỏ, trong xóm sau nhà thờ Nam trên đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu) có 3 cây gòn đứng thẳng tắp bên hông cư xá Nha Trước Bạ (cổng nhìn ra hẻm 109 Hoàng Văn Thụ). Dưới gốc mấy cây gòn râm mát, đám con nít chơi đùa, người lớn đứng nghỉ mệt tránh nắng. Lúc có phong trào thức đêm năm 1962 để canh phòng nạn đốt nhà (khi phía khu Nancy bị cháy nghi do bị phóng hỏa đốt nhà ổ chuột để giải tỏa), gốc cây gòn là nơi tụ họp của đám thanh niên trực gác trong xóm, nay đã trên dưới 80 tuổi. Sau này, người dân trong xóm mang rác ra đổ dưới gốc cây gòn, chỗ đó dần biến thành bãi rác. Sau năm 1975, mấy cây gòn bị bứng đi lúc nào không hay. Vài người đi xa về ngơ ngác hỏi cây gòn nay đâu mất rồi. Đối với họ, bóng mát cây gòn là chỗ tụ tập lý tưởng nhất để chuyện trò, chơi đùa, cũng là nơi trai gái hẹn hò tâm sự.
Khoảng thời gian đó, có mấy cây gòn cao vút xúm xít nhau ngay khúc cua trên đường Phan Đăng Lưu, chỗ Trường tiểu học Cao Bá Quát. Vẫn còn 1 cây gòn sót lại trong hẻm hãng nhôm Hiệp Lợi trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng), dấu tích hàng gòn ngày xưa trong hẻm từng có tên là hẻm Hàng Gòn. Dưới chân cầu Sắt Đa Kao phía quận Nhứt cũng có mấy cây gòn. Vậy nhưng toàn bộ những cây gòn tôi biết trên đây, không còn cây nào tồn tại.
Có lần, anh bạn già sống cùng khu phố làm nghề lái xe tỏ ra ngạc nhiên: “Có bữa tui đem xe đi rửa trên đường Nguyễn Thái Bình ngoài quận Nhứt, mấy chú nhỏ rửa xe bất giác hỏi tui: “Chú ơi, 2 cây bên kia là cây gì mà trái của nó rớt xuống đường ra nhựa đen thùi lùi?”. Tui dòm qua rồi ngạc nhiên: “Ồ, loại cây này ngày xưa chỉ có ở xứ "bòn vàng" miệt Tân Châu thôi, tưởng chừng đã tuyệt chủng mà nay lại xuất hiện ở Sài Gòn. Cây mặc nưa chớ đâu”.
Anh bất ngờ khi tôi bảo trên đường Huỳnh Tịnh Của (tên cũ là Monceaux) hồi xưa trồng toàn cây mặc nưa dùng để nhuộm vải nói trên. Người kể cho biết trái mặc nưa lúc còn sống màu xanh giống như trái táo, lúc chín thì màu đen. Khi trái rớt xuống đất, người đi bộ đạp lên làm đen cả lề đường.
***
Một loại cây khác là phượng vĩ, có người gọi là cây điệp tây hay đơn giản là cây điệp. Loại cây này dễ nhận diện trong đôi mắt thiếu hiểu biết về cây xanh của tôi. Trong bài viết Sài Gòn của nhà văn Léon Werth, cây được mô tả: “… những chùm phượng màu đỏ lựu tầng tầng lớp lớp. Loài hoa rực rỡ ấy ở châu Âu thường trồng trong nhà kính hoặc các vườn thực vật nhưng ở đây, chúng nở tưng bừng trên các ngọn cây…”.
Ông thốt lên điều đó khi cảm nhận “không khí nặng nề và dính dáp” ở đất Sài Gòn đầu thế kỷ XX mà ông có cảm tưởng giống như thị trấn Passy ở Pháp. Nghe tôi nhắc đến loài cây này, chú Phú 86 tuổi, người có cả kho ký ức về Sài Gòn xưa, cao hứng kể: “Hồi ấy khi chiến tranh tạm lắng (tức khoảng năm 1946-1947), sau khi hồi cư từ Gò Công về lại Sài Gòn, gia đình mẹ con tôi chẳng còn tài sản gì đành về thuê nhà ở ngã ba Cây Thị, thuộc xóm Gà phía Gò Vấp.
Từ ngã ba Cây Thị ra ngã năm Chuồng Chó chỉ có duy nhứt một con lộ. Hai bên đường là hai hàng cây điệp. Hè về, điệp nở bông đỏ rực con đường. Trước một cổng chùa trên đường đó, hàng điệp cao to. Trái điệp dẹp, màu đen, to và dài. Tụi nhỏ chúng tôi hay đi lượm trái rồi đập dập, nút chất ngọt từ trái. Có một điều rất lạ là hồi đó những cây điệp này thường có những con bò cạp to đùng, màu xanh sống trên cây, thỉnh thoảng rớt xuống gốc, hễ thấy người lại gần thì cong đuôi lên tự vệ. Nếu chẳng may bị bò cạp chích thì phải đi cấp cứu ngay vì rất nhức nhối”.
Cây điệp ít khi được trồng đơn lẻ, mà thường trồng dài trên suốt con đường. Khi nở bông, hàng cây khiến cả đoạn đường tràn ngập màu đỏ. Vì tàn cây rất rộng nên coi như cả một tấm thảm màu đỏ, báo tin một mùa hè của tuổi thơ học đường. Trong khuôn viên các trường Pétrus Ký, Gia Long, Chasseloup Laubat, Marie Curie đều có cây điệp.
***
Đó là một số ít cây trong thành phố mà tôi biết và có thể nhận diện khi thấy từ xa. Còn bao nhiêu cây tồn tại quanh chúng ta nhưng tù mù trong vốn hiểu biết nhỏ nhoi về chúng? Cây sao đen trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cây muồng hoa vàng trên đường Điện Biên Phủ, cây tếch trên đường Kỳ Đồng, cây dầu con rái trên đường Hồ Xuân Hương, cây lâm vồ góc đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng Tám, cây lim xẹt trên đường Nguyễn Kiệm, cây gõ mật trên đường Nguyễn Đình Chiểu, cây me keo trên đường Hoàng Văn Thụ, cây mò cua trên đường Nguyễn Thị Minh Khai… và bao nhiêu thứ cây khác đang tồn tại và hoặc đã được thay thế.
Cây xanh đi vào văn thơ nhiều biết bao nhiêu. Có lẽ vì các nhà thơ nhạy cảm nên chú ý cây cỏ nhiều hơn mọi người và đó là nguồn cảm hứng không nhỏ của họ. Đọc một đoản văn của nhà thơ Đông Hồ viết về ngôi trường Văn Khoa cơ sở cũ - khi ông đang dạy học ở đó - hiển hiện một thời Sài Gòn mượt mà với nhiều cây xanh: “Vuông đất này, chỗ cao nhất là chỗ góc đường Gia Long và Công Lý, chỗ thấp nhất là chỗ góc đường Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn. Đứng trước phòng B4, tức là chỗ cao nhất mà nhìn xuống, có cảm giác như đứng trên ngọn đồi con nhìn xuống cánh bình nguyên, cánh thung lũng cũ nào quen quen. Các sinh viên nói với tôi rằng nhờ có cuộc đất nghiêng dốc đó mà tiện lợi cho những buổi liên hoan, trình diễn văn nghệ.
Ban tổ chức khỏi cần dựng lên bục gỗ… Chung quanh ven đồi, mấy hàng cây điệp, lớp trong lớp ngoài, độ này đang nở thịnh, lớp chi chít trên cành, lớp rải rác dưới đất, gây nên cảnh tượng “thiên nữ tán hoa” phấp phới tưng bừng như nhìn vào đám sĩ tử nô nức, hớn hở vào trường thi”.
Trong bài thơ Khúc bi thương cho những quán cà phê lộ thiên, nhà thơ Hoàng Ngọc Biên viết:
Đừng gửi cho ta nữa
những cành cây khô rụng đầy
mặt bàn loang lổ,
những lá me li ti
mướt một màu xanh non rải trên bình trà
nguội tháng năm…
Những quán xá lộ thiên dưới tàn cây và những lá cây rơi trên mặt bàn có phải từng mang đến cho chúng ta cảm giác dễ chịu vào những buổi sáng quây quần uống cà phê hay tại một buổi tiệc sân vườn đêm hè ở thành phố này trong hơi ấm bạn bè? Nó đã là nỗi nhớ của người đi xa…
Cây xanh cung cấp không khí sạch, bóng mát và cả năng lượng tích cực mỗi ngày nhưng cuộc sống tất bật đã biến chúng thành vô hình trong sự quan tâm của chúng ta. Nhiều cây trong số đó đã hơn trăm tuổi, già cỗi, có thể đổ gãy bất cứ lúc nào còn số cây trẻ được trồng để thay thế chúng quá ít, không đủ cho thế hệ sau là con cháu chúng ta có thể tiếp nhận những lợi ích của chúng, như chúng ta từng được nhận từ số cây trồng cả thế kỷ trước đó.
Tôi yêu cuộc sống thành phố nhưng chỉ có thể yêu những tòa nhà bê tông cửa kính và những con đường nhựa nếu chúng nằm xen kẽ giữa những hàng cây, công viên để được che nắng mùa hè và thấy chúng thả gió, tung lá khắp nơi trong mùa mưa. Nếu không, đó chỉ là những mảng xám vô hồn đè xuống cuộc đời.
Phạm Công Luận