Có những dòng sông chảy qua cõi người...

19/10/2017 - 06:00

PNO - Làm sao bây giờ? Nghe sao mà xót như vết thương hở trên tay bị chanh chà xát. Trái tim đàn bà sao mà ăm ắp một chữ tình.

1. Dì ngồi đối diện với tôi. Tuy đã ngoài 60, nhưng ẩn sâu trong những nếp nhăn trên khuôn mặt dì vẫn phảng phất dấu tích của một thời xuân sắc, đặc biệt là đôi mắt. Ánh mắt dì ướt đẫm xa xôi. Tôi đã từng băn khoăn hỏi mẹ, có phải ruột rà không mà mỗi lần bắt gặp ánh mắt dì, tôi nghe một niềm thương cảm không gọi được tên! Mẹ chỉ lắc đầu, thở nhẹ.

Co nhung dong song chay qua coi nguoi...

15 tuổi, dì mang thai rồi đám cưới chóng vánh - chỉ có bà ngoại và mấy người bà con. Ông ngoại tôi đắp chăn bệnh. Đám cưới không đón cô dâu qua cửa trước, không thắp hương trước bàn thờ tổ tiên nhà chồng.

Tôi hình dung ra cô con gái lạc vào nơi xa lạ - xa lạ từ góc nhà đến cái cách cầm đôi đũa ăn cơm. Tôi hình dung ra những cơn váng vất, buồn nôn đến như ngừng thở của người đàn bà nghén chửa khi chưa sống xong một thì con gái. Tôi hình dung những trống hoác mênh mang trong căn buồng sau chái bếp khi dượng tôi biền biệt... Dì tôi góa bụa khi chưa tròn 30 với bốn đứa con lít nhít.

Tôi đã từng thấy những người đàn bà bị cơn gió lạnh cuộc đời quật đến hao gầy xơ xác. Nhưng tôi cũng đã thấy những người đàn bà chẳng khác nào loài thạch thảo trên triền đá, xao xác run rẩy mà vẫn đẹp đến nao lòng.

Dì tôi là vậy. Một nách bốn đứa con, dì vẫn chinh phục được trái tim của chàng trai tân kém dì 5-6 tuổi. Biết bao lời ong tiếng ve, những ánh mắt khinh khi, ghê tởm của những người đàn bà trong xóm ném vào mẹ con dì. Rồi chú ấy đám cưới - một cô gái thanh tân trọn vẹn. Dì dọn về ở với ngoại, bắt đầu những chuyến buôn đường dài.

Dì mang về những chiếc cặp da thật đẹp, những chiếc áo mưa cánh dơi, bút máy Hero mà những năm 1980 là niềm ao ước của mọi đứa trẻ. Người ta luôn nhìn dì bằng một dấu hỏi, như những lúc dì ngồi trước thềm nhà hong tóc, chú chở vợ vụt qua cũng thành câu chuyện dấm dúi. Dì ngẩng đầu lên, nhìn tôi, ánh mắt xốn xang. Dì muốn tôi đưa dì vô Chợ Rẫy thăm chú. Nghe đâu bệnh viện trả chú về nay mai.

Co nhung dong song chay qua coi nguoi...
Ảnh minh họa

2. Chị có giọng cười giòn như bánh tráng vỡ. Tôi thường liên tưởng như vậy, khi thi thoảng nói chuyện qua điện thoại hay có dịp trao đổi đôi điều. Là đồng nghiệp, những gì tôi biết về chị cũng như tất cả mọi người biết: chồng chị thành đạt, căn biệt thự khá đẹp, cậu con trai giống anh như đúc và những chuyến du lịch ở Bhutan, Melbourne, Seoul...

Chị nằm thiêm thiếp, yếu ớt nhờ tôi kéo tấm rèm màu nude sang trọng. Cho đến lúc buông bàn tay dài lạnh ngắt của chị, trên con đường về se lạnh sau cơn mưa, tôi vẫn chưa sắp xếp được những gì chị trải lòng. Yêu nhau gần 10 năm, từ hồi lớp 11. “Chị làm sao có con khi đã phá thai ba lần hả em?”. Con của anh và người khác. Chị đã nuôi con 10 năm, khi con vừa lọt lòng. Giờ mẹ thằng bé về đòi con, anh bảo chị trả con lại cho người ta. Chị đau mỗi ngày khi nhìn thằng bé, nhưng đã vì anh mà nuôi con, vì anh mà học yêu thương con. “Làm sao bây giờ hả em?”.

Co nhung dong song chay qua coi nguoi...
Ảnh minh họa

3. Cô bé học sinh nằm rúm ró trong bộ đồ bệnh nhân màu xanh biển nhợt nhạt vì đã cũ. Suốt một năm học, không biết bao lần tôi rơi nước mắt khi hình dung cảnh cô bé mới học lớp 5, vừa coi hai đứa em vừa nấu ăn; vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa chăm sóc người mẹ không còn minh mẫn do tai nạn giao thông. 40 tuổi, có chồng bên cạnh, vậy mà, không ít lần bế con sốt hầm hập tôi nghe mình như chiếc khăn bị vắt hết nước.

40 tuổi, có cha mẹ, chị em bên cạnh, không ít lần tôi ngồi bẹp nơi góc phòng mà bất lực, đau đớn với những ẩm ương của cậu con trai mới lớn. Cái gì đã giúp cô học trò nhỏ của tôi đi qua từng ấy ngày tháng nặng nề? Người ta nói về nghị lực. Người ta nói về những hoàn cảnh để toi luyện. Người ta nói về vực sâu hun hút, gió bão bời bời để có một đại bàng tung cánh. Tôi không biết. Tôi chỉ thấy mình bước đi không nổi trước ánh mắt như đi lạc của cô bé học sinh ngồi trong góc bàn cuối ba năm trước.

Tôi thấy ở em, bên ngoài là một tảng đá, đằng sau là một hố sâu trống hoác đến đáng ngại. Tôi thấp thỏm khi em khoe với tôi về thứ tình cảm mới mẻ chưa từng gặp, chưa từng có trong đời... “Người ta đi du học cô ơi. Người ta không nói chia tay đâu cô. Chỉ là mọi thứ từ từ không còn nữa, từ từ rời khỏi con. Con không biết làm sao giữ lại, cũng như con không biết làm sao giữ mẹ lại hồi năm mẹ rời bỏ tụi con. Con làm sao bây giờ hả cô?”.

Làm sao bây giờ? Nghe sao mà xót như vết thương hở trên tay bị chanh chà xát. Trái tim đàn bà sao mà ăm ắp một chữ tình. Tôi chợt nghĩ đến những dòng sông không bao giờ cạn, đến những lăn tăn sóng nhỏ, những ồn ào sóng lớn hay im lặng như tờ thì lòng sông vẫn sâu thăm thẳm. Những thẳm sâu yêu thương của đàn bà cho tôi nghĩ đến những dòng sông chảy qua cõi người: lặng lẽ, hun hút, nao lòng và đẹp đẽ. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI