18g30 tối 19/10, chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những vì sao Thành phố” do Hội LHPN TP.HCM và Báo Phụ Nữ TP phối hợp tổ chức diễn ra tại Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành (má Tám Rành) ở ấp Trại Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, TP.HCM.
Hoạt động nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2018) và 8 năm ngày Phụ nữ Việt Nam. Ngày 20/10 năm nay đặc biệt hơn mọi năm bởi Ban Phụ vận Sài Gòn – Gia Định (T4, tổ chức nòng cốt của Hội LHPN TP.HCM ngày nay) vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM đọc diễn văn khai mạc chương trình. |
Mặc trời mưa như trút nước, người từ Cần Thơ, Đồng Tháp lên, người ở Tây Ninh xuống, đầu giờ chiều 19/10, các dì, các chú đã tề tựu tại trụ sở Hội LHPN TP.HCM ở số 32 Trần Quốc Thảo, quận 3 để cùng ngồi chuyến xe đường dài ngược về nhà má Tám Rành.
|
Chương trình tri ân những thế hệ anh hùng đã hy sinh tuổi trẻ, máu xương cho Tổ quốc |
Giờ phút hạnh ngộ, dì Út Hạnh (tên thật Võ Thị Như Yến) ào lại ôm chầm dì Đoàn Thị Luận, xúc động gọi to: “Đồng đội ơi!”. Ở một góc khác, các dì, các chú tỉ mẩn sửa lại quân phục cho chú Ba Nghĩa (tên thật Phan Văn Sơn) đang mặc cho chỉnh tề. Chú Ba Nghĩa thổ lộ: “Đồng đội giờ đâu còn bao nhiêu người, gặp nhau mừng lắm. Trong niềm vui đơn vị được phong anh hùng còn là nỗi nhớ thương đồng đội đã nằm xuống”.
|
Dì Nguyễn Thị Điều - chiến sĩ của Đội quân tóc dài, có cha và 2 em trai là liệt sĩ, người thể hiện phần ru âm trong ca khúc "Huyền thoại mẹ" cùng ca sĩ Phương Thanh. |
Năm 1955, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định thành lập Ban Phụ vận T4 với nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo phong trào phụ nữ đấu tranh đòi đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đồng thời bảo vệ những quyền dân sinh dân chủ cho phụ nữ các giới. Vùng đất Sài Gòn – Gia Định trở thành nơi gieo mầm, khởi phát các phong trào yêu nước của phụ nữ Nam Bộ.
|
Chương trình vinh dự đón tiếp nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành của TP.HCM. |
63 năm kể từ thời điểm ấy đến khi đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – năm 2018, những người bà, người mẹ, người cha, người anh trong tập thể anh hùng ấy vẫn vậy, bình dị mà gan góc. Đi qua cuộc chiến, những người trở về đã sống tiếp, sống thay đồng đội để cống hiến, để dấn thân trên những mặt trận mới với tâm nguyện duy nhất: vì dân.
|
Các chị cùng chăm chú dõi theo những tiết mục nghệ thuật tái hiện lại lịch sử hào hùng, anh dũng của Phụ nữ Việt Nam. |
|
Về đến nhà má Tám Rành, gặp thêm đồng đội từ Củ Chi, Hóc Môn đến, các dì, các chú lại rưng rưng ôm chầm lấy nhau. Nhiều dì nói với tôi, Sài Gòn lạ lắm, có những người phụ nữ ngày ngày buôn gánh bán bưng kiếm từng đồng tiền lẻ đong gạo nuôi gia đình, nhưng sẵn sàng thuê hẳn một căn phòng trong thương xá làm nơi đặt điện đài cho cách mạng.
Lạ, như những người mẹ, người chị chắt chiu mua vải qua nhiều năm tháng rồi mò mẫm đêm tối may cờ treo trên khắp ngả đường Sài Gòn ngày 30/4/1975. Và, lạ bởi có những cô gái mới tuổi 20 đã kiên cường tự cầm dao chặt đứt cánh tay bị thương của mình để tiếp tục chiến đấu.
|
Các dì vui cùng chương trình |
Dù là những cuộc đời đã trở thành huyền thoại như bà nữ Trưởng Ban Phụ vận T4 đầu tiên – Ngô Thị Huệ, như liệt sĩ Lê Thị Riêng, Tiểu đoàn trưởng Lê Hồng Quân hay những người mẹ, người chị với tên gọi rất Nam Bộ “chị Hai đòn gánh”, “bác Tư cơm tấm”, “chị Sáu già” thì cánh phụ vận T4 như lời thơ Nguyễn Khoa Điềm “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm”, đều xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng phụ nữ miền Nam “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang".
|
Chương trình không chỉ là cuộc hạnh ngộ của các dì, các chú mà còn giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn sự hy sinh lớn lao của các dì, các chú. |
Đứng dưới mưa nhìn các dì, các chú ôm chầm lấy nhau, đại úy Phan Thị Bé Tám – Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an quận 10 – xúc động: “Nghe thông tin về chương trình, chị em trong đơn vị tôi rất nôn nao, mong đến giờ phút diễn ra. Hậu thế chúng tôi luôn ghi ơn sự hy sinh của các chú, các dì, nguyện nỗ lực từng ngày để cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển đất nước hôm nay và mai sau”.
QUẢ CẢM VÀ TRỌN TÌNH
Tôi chưa bao giờ có nhiều cảm xúc thế này. Nhìn các dì, các chú choàng cho nhau từng cái khăn rằn, muốn nhường cả áo ấm cho nhau bởi trận mưa kéo dài từ chiều sợ đồng đội lạnh, thật thương! Quả cảm và trọn tình, đó là cảm nhận của tôi về các dì, các chú - đó là những đức tính mà tôi tin cán bộ chúng ta cần học hỏi, phát huy.
Trần Thị Hương- Phó chủ tịch thường trực Hội LHPN Q.9
SẼ MÃI CÒN TRONG KÝ ỨC
Chương trình làm tôi khóc bởi thấy lại hình ảnh của ngoại và má tôi. Dù trời mưa rất lớn, không ai rời chỗ, tất cả đều chăm chú hướng đến sân khấu, chương trình sẽ ở lại mãi trong ký ức tôi.
Võ Thị Hồng Xuân- Phường Thới An, Q.12.
NHỮNG CUỘC ĐỜI HUYỀN THOẠI
Khi ca sĩ Phương Thanh cất giọng ca “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại…” với phần minh họa của dì Tám (dì Nguyễn Thị Điều), tôi đã lặng người hồi lâu. Câu chuyện quá nhiều cảm xúc. Thật là “chỉ đôi ba phút khắc họa cho ca khúc nhưng là cả một đời xương máu, thấm vào đất đầy máu xương của dì Tám và bao người con Đất Thép”.
Đoàn Thị Thanh Hương- Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Q. Thủ Đức
|
Bài: Mẫn Nhi
Ảnh: Minh Thanh – Mẫn Nhi