Vượt qua nỗi sợ

Có những cuộc chia ly...

04/06/2021 - 07:06

PNO - Không phải một giờ hay một ngày mà nhiều ngày, thậm chí chưa biết lúc nào được về nhà với đứa con đang cần sữa, bởi ngoài kia là một cuộc chiến.

Tôi đã run rẩy vì thương, khi đọc những dòng của một nữ bác sĩ đang cách ly trong bệnh viện chia sẻ trên Facebook: “Nhìn clip thằng bé khó ngủ vật vã, tìm mẹ mà mình chỉ lặng lẽ khóc. Nhớ lắm, nhớ cảm giác ôm con vào lòng, nắn chân nắn tay, thơm trán, dụi đầu, xoa lưng… Mình biết, còn nhiều người mẹ nữa cũng giống mình. Có bạn con mới hơn bảy tháng tuổi. Sáng nay nghe một bạn khóc òa vì nhớ con, mình cũng khóc theo. Thử thách này của ông trời sao xé lòng thế!”.

Bé M. (ba tuổi) tự ăn cơm một mình trong khu cách ly
Bé M. (ba tuổi) tự ăn cơm một mình trong khu cách ly

Chị dùng từ thật giản dị mà sâu và lay động biết bao trái tim, nhất là trái tim những bà mẹ. Tôi hình dung sau lớp áo kín mít giữa trưa hè, thở thôi đã nhọc nhằn, là bầu ngực căng sữa vì nhớ con, đau tức, ê buốt tận đỉnh đầu theo mỗi bước chân. Thế nhưng, cơn đau thể xác liệu có sánh được với nỗi đau tinh thần, khi không phải một giờ hay một ngày mà nhiều ngày, thậm chí chưa biết lúc nào được về nhà với đứa con đang cần sữa, bởi ngoài kia là một cuộc chiến và những thiên thần áo trắng đã trở thành chiến binh.

Hãy tưởng tượng bộ đồ họ phải mặc, đến công việc họ làm mỗi ngày, đến nỗi niềm riêng họ phải nén chặt để hoàn thành nhiệm vụ. Sự yêu thương, cảm phục và cả biết ơn của tất cả chúng ta dành cho họ thật xứng đáng. 

Hy sinh vì người khác, một sự hy sinh thầm lặng, có bao giờ không xứng đáng để ngưỡng vọng? “Bệnh viện có nhiều người mẹ như chị lắm!”. Những lời của nữ bác sĩ nọ khi người ta muốn nêu tên chị như một tấm gương thật sự khiến chúng ta ngỡ ngàng. Nó tựa thứ ánh sáng rực rỡ để chúng ta soi rọi bản thân, để sống sao cho không phụ lòng người khác. Sự lan tỏa và sức mạnh của cái đẹp trên đời này quả thật kỳ diệu!

Cậu bé lớp Bốn tự giặt quần áo trong khu cách ly - Ảnh: Bộ Y tế
Cậu bé lớp Bốn tự giặt quần áo trong khu cách ly - Ảnh: Bộ Y tế

Tôi nhớ mình đã đọc nhiều lần Facebook của chị, đọc tất cả những bình luận dưới bài đăng, không phải vì tò mò mà vì thích. Tôi như thể bị mê đi bởi cái tình ăm ắp trong các bình luận tuy ngắn, có thể là của những người không quen chị, không quen nhau nhưng đều chứa đầy yêu thương và chia sẻ. 

Vừa sinh ra tôi, mẹ bệnh nặng. Cả năm gần như mẹ không đi được, tính mạng cũng đứng trên bờ vực sinh tử. Vậy mà, suốt bao năm qua, mẹ vẫn đeo mang một ý nghĩ đó là lỗi của mẹ, bởi mẹ không cho tôi bú được, không ấp ủ tôi như mấy chị em trong nhà, dẫu rằng tôi hay bất cứ đứa con nào có trách mẹ bao giờ. 

Tôi nhớ bức thư một cháu bé gửi bố mẹ mình. “Con là Đỗ Hà Anh, con gái của bác sĩ Huyền. Trong tình cảnh phải đối mặt với dịch bệnh, bố mẹ con cùng các cô chú bác sĩ, điều dưỡng và cả bệnh nhân đang phải cách ly trong bệnh viện. Mọi người chắc hẳn rất mệt, stress, nhớ nhà và gia đình. Con cũng nhớ bố mẹ, hằng ngày chỉ gọi điện, nhắn tin nhưng chưa được gặp. Đây là lần đầu con xa bố mẹ lâu thế. Con mong đại dịch mau qua để chúng con được gặp lại gia đình, bạn bè…”. Kèm với đó là bức tranh cháu vẽ một nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mệt mỏi thiếp trên ghế…

Những cuộc chia ly như thế này làm sao tránh được sự đau lòng. Tuy nhiên, không hiểu sao tôi chỉ thấy một màu đỏ thắm của những tình cảm thương yêu, sự nỗ lực tận cùng và cả một niềm tin vào sự chung tay, gắng sức của chúng ta trong “cuộc chiến” với đại dịch. 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI