Tuy vậy, thỉnh thoảng, chị cũng cho phép một người đàn ông lọt qua cửa căn hộ của mình - người từng là chồng chị. Anh được trở về vài ngày, vì các con cần đến bố. Giải quyết xong việc con cần, anh phải ra đi, ngay lập tức.
Nhìn anh ra cửa với mái đầu bạc, làn da đã héo với ánh mắt buồn bã, đôi vai sụp xuống với cái ba-lô cũ, chị cũng xót xa; nhưng ngay lập tức, chị gạt đi sự yếu mềm, bởi hiểm họa sẽ có thể là quá lớn cho một phút giây xao động. Chị có tuổi rồi, khó có thể làm lại một lần nữa, đứng lên một lần nữa.
Chị là một bác sĩ đông y giỏi. Nhan sắc và vẻ dịu hiền của chị dễ đốn tim đàn ông. Chị nhận lời cầu hôn của Dũng - một doanh nhân đang ăn nên làm ra - tổng giám đốc một tổng công ty may mặc xuất khẩu lớn, hơn chị tới 15 tuổi.
Cưới được vợ trẻ đẹp, anh cưng chiều chị hết mực, chị muốn gì được nấy. Ai cũng bảo số chị may mắn, không phải lo gì về kinh tế, chỉ tập trung cho chuyên môn nên công việc thuận lợi - trở thành Trưởng phòng quản lý hành nghề của Cục quản lý y, dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế. Hạnh phúc càng lớn thêm khi chị sinh được hai con gái xinh xắn, dễ thương.
Làm xuất nhập khẩu, anh Dũng hay phải tiếp đối tác nước ngoài. Có những lần, anh phải cùng họ vào casino. Ban đầu chỉ là đi cùng cho vui, sau rồi anh cho rằng đánh bài trong casino là một trò chơi trí tuệ. Anh bập vào, lúc thắng lúc thua, rồi dần dần thú chơi thành cơn nghiện. Tiền nhà bị anh thua bài hết, anh tạm ứng tiền ở quỹ công ty, rồi vay lãi cao bên ngoài.
Chuyện vỡ lở, anh mất chức, tiền nợ lên tới hơn triệu đô la. Chị Phương choáng váng khi ngày nào cũng có người tìm đến tận nhà, chìa ra giấy tờ anh ký nợ. Họ kéo đến cả cơ quan chị dọa dẫm, khiến chị phải bỏ việc.
Trước sự hung hăng của các chủ nợ, chị phải ra mặt đối diện hứa trả nợ để đổi lấy sự bình yên cho gia đình. Chị bán hết tài sản, trả được một phần nợ. Chị cũng làm đơn ly dị, vừa để đảm bảo an toàn cho mình và các con, vừa để tránh xa người đàn ông hèn hạ ấy, bởi giữa cơn nguy khốn, anh đã bỏ mặc vợ phải hứng chịu.
Hơn năm năm trôi qua, chị đã bình tĩnh lại để hiểu rằng anh không phải là người quá xấu, chỉ vì u mê mà đánh mất mình. Chị cho phép anh thỉnh thoảng được về nhà thăm con. Anh cũng đã tỉnh ra, chịu làm bất cứ việc gì để có tiền nuôi thân và trả nợ - từ công việc bảo vệ đến quản lý xưởng may ở tỉnh xa.
Anh nhiều lần cầu xin được trở lại với chị và các con, nhưng chị Phương không đồng ý. Tai nạn quá lớn, suốt phần đời này, dù làm lụng vất vả đến mấy cũng không trả được. Có những sai lầm vĩnh viễn không bao giờ có thể sửa chữa. Có đau, có tiếc cũng đành thôi.
Mai Khánh
'Bão phá sản” đánh sập tổ ấm
Tài chính khỏe mạnh là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự bền vững của một gia đình, là sự cam kết của cả hai vợ chồng trong việc vun đắp cho gia đình chung. Khi rủi ro ập đến, nếu vợ chồng không có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào thì gia đình đứng trên bờ vực phá sản là điều khó tránh khỏi. Những dự định cho cuộc sống gia đình, kế hoạch học tập của con cái có thể bị ảnh hưởng theo.
Một khảo sát nhỏ thực hiện ở Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ ra trong khoảng 10.000 vụ phá sản mỗi năm tại đây thì người thân của người có liên quan cũng chịu hậu quả không nhỏ. Người trong cuộc không chỉ đối diện với cảnh mất việc, chấn thương tâm lý mà còn chịu áp lực khủng khiếp khi nhìn thấy gia đình đứng trước lằn ranh mong manh của tồn tại hay sụp đổ.
Trang New Savvy, chuyên tư vấn đầu tư - tài chính, chia sẻ hai yếu tố quan trọng mà việc làm ăn thất bại có thể ảnh hưởng đến gia đình một người. Thứ nhất là chấn thương tâm lý. Tâm trạng căng thẳng, muốn co cụm là nguyên nhân khiến họ giảm tương tác với người bạn đời và con cái.
Từ đây tạo ra bức tường ngăn cách trong gia đình, khiến những mâu thuẫn từ nhỏ hóa to và đến lúc họ không thể nói chuyện với nhau được nữa. Hệ lụy thứ hai là tan vỡ niềm tin. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cú ngã ngựa bất ngờ của một người. Trong đó, việc thất bại do thái độ vô trách nhiệm trong đầu tư, chi xài vô độ dẫn đến nợ nần chồng chất sẽ khiến người còn lại có cảm giác bị phản bội.
New Savvy cho biết, một gia đình không xây dựng trên những giá trị bền vững thì khi sự cố tài chính của một trong hai vợ chồng xảy ra, người còn lại hoặc cả hai rất dễ bỏ cuộc. Thậm chí, người thân của nhân vật chính cũng sẽ tìm cách lánh xa vì không muốn dính đến người đang gặp rắc rối, đặc biệt nếu có rắc rối tiền bạc cần sự can thiệp của pháp luật.
Cuộc chiến trong và sau cơn bão phá sản có thể kéo dài nhiều năm. Đó có thể là cuộc chiến giành quyền nuôi con, cuộc chiến gầy dựng lại sự nghiệp và niềm tin, là nỗ lực hàn gắn những tổn thương tâm lý của những người liên quan.
Thiên Anh (theo New savvy)