Khéo co thì ấm
Nhiều ngành hàng phải đóng cửa, chuyển sang kênh bán hàng online. Nhiều người ở nhà trong suốt ba tuần cách ly xã hội khiến nhu cầu “đọc sách giết thời gian” tăng vọt. Một số nhà sách đã tăng vọt doanh số nhờ chuyển sang bán sách trực tuyến.
Học sinh không đến trường, chuyển qua học trực tuyến khiến các thiết bị công nghệ như máy tính, laptop, điện thoại đắt hàng. Nhàn rỗi khiến lượng người mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, dụng cụ tập thể dục hay thỏa mãn thú vui chăm sóc nhà cửa, cây cảnh, cá cảnh khiến các shop cung ứng những mặt hàng này bán hàng mỏi tay.
|
Do có nhiều thời gian khi cách ly tại nhà, nhiều người làm mới nhà cửa bằng cây cối, đồ trang trí |
Doanh số laptop bán ra trong tháng 2/2020 của FPT Shop cũng tăng gần 80% so với tháng trước đó. Tháng 3/2020, khi cả nước cách ly xã hội, mặt hàng này tăng tới hơn 150%. Đối tượng mua nhiều nhất là nhân viên văn phòng và học sinh. Ông Đoàn Văn Hiểu Em - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động - cho biết, so với hai tháng đầu năm 2019, sản phẩm điện thoại và điện tử tăng trưởng dương, nhóm điện lạnh và gia dụng tăng trên 15%. Đặc biệt, ngành hàng máy tính xách tay tăng trưởng đến 80% do nhu cầu học tập và làm việc tại nhà tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê của trang so sánh giá iPrice.vn, có sáu nhóm sản phẩm nhờ COVID-19 mà bất ngờ “đắt như tôm tươi” trên các chợ trực tuyến. Nhu cầu tìm mua webcam và bàn phím máy tính tăng đến 624% trong tháng 3/2020 và dự báo xu hướng mua sắm này sẽ còn tiếp tục trong các tháng tới. Bàn phím và chuột máy tính cũng lần lượt được người tiêu dùng tìm mua nhiều hơn trước với mức tăng lần lượt 264% và 67%. Đặc biệt, dụng cụ tập gym tại gia như tạ, máy chạy bộ, xe đạp tập trong tháng 3/2020 tăng vọt, sức mua tăng 116% so với tháng trước…
Trong thời gian cách ly toàn xã hội, nhiều người tiêu dùng có thời gian chăm sóc nhà cửa, chơi cây cảnh, cá cảnh nên giao dịch nhóm hàng này rất sôi động. Anh Nguyễn Quang Ly - chủ cửa hàng hồ cá kiểng Quang Ly, đường Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM - cho biết, dù cửa hàng đóng cửa, không nhận làm hồ cá do lo ngại dịch bệnh nhưng doanh số cửa hàng vẫn duy trì tốt nhờ bán cá cảnh và các dụng cụ phụ trợ. Anh Ly lý giải: “Lợi thế của ngành nghề này là không bị lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu, dụng cụ nhập khẩu. Do sử dụng phần lớn thiết bị trong nước nên giá thành không biến động nhiều”.
|
Các thiết bị công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại, webcam... cũng được nhiều người mua cho con cái khi học sinh chuyển sang học trực tuyến |
Tương tự, hệ thống cửa hàng Vườn Cây Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) chuyên doanh bonsai, cây cảnh các loại vẫn đảm bảo được đơn hàng mỗi ngày trong mùa dịch này. Anh Dương Văn Hà - quản lý cửa hàng - cho biết, đơn hàng có giảm khoảng 30% so với trước nhưng mức giảm này không nhiều như một số ngành nghề khác. Các loại cây và dụng cụ trồng cây (chậu, bộ tưới, đất, phân bón…) nhiều thời điểm tăng vọt do người dân có nhiều thời gian “làm mới” sân vườn, sân thượng, trang trí phòng ốc.
Đóng cửa thì bán online
Hầu hết, các đơn vị kinh doanh đều nhận thấy rõ sự thay đổi lớn trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện nay là ghé cửa hàng tìm hiểu trước và khi đã yên tâm, sẽ đặt qua mạng, điện thoại, cửa hàng giao hàng tận nơi. Vì vậy, họ chú trọng xây dựng website, fanpage để bán hàng online và tập trung bán các sản phẩm mà khách hàng có nhu cầu cao trong mùa dịch.
Theo khảo sát mới nhất từ Nielsen Việt Nam về ảnh hưởng của COVID-19 đến hành vi của người tiêu dùng, hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé các cửa hàng hiện hữu, 52% người được hỏi nói rằng họ gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà, 82% giảm tần suất các hoạt động ăn uống bên ngoài. Người tiêu dùng đang gia tăng việc tiêu thụ các mặt hàng như mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa và các chế phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh, sản phẩm vệ sinh cá nhân.
|
Nhóm các sản phẩm có mãi lực lớn trong mùa dịch COVID-19 |
Bà Louise Hawley - Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam - đánh giá, xu hướng trên tạo nên một cơ hội đầy tiềm năng cho nhà sản xuất, nhà bán lẻ, nhà hàng và các công ty giao thực phẩm. Các đơn vị cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng được sự hài lòng về nhu cầu ngày càng tăng đối với sức khỏe và sự thuận tiện nhưng vẫn có chất lượng cao, đạt chuẩn vệ sinh cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho chúng. Những nhà bán lẻ từng khai thác sâu các kênh trực tuyến nên tính toán đến việc giao hàng, phát triển hơn các dịch vụ O2O (offline-to-online) và thúc đẩy tích hợp đa kênh vì đây là xu hướng mua sắm trong tương lai.
Thay đổi lớn trong thói quen sinh hoạt ăn uống tại nhà dẫn đến hoạt động nấu nướng gia tăng. Vì vậy, các hộ gia đình cũng đã bắt đầu mua sắm thêm thiết bị nhà bếp. Theo thống kê của iPrice.vn, với loại hàng này, nhu cầu mua bắt đầu tăng từ giữa tháng 2/2020 và chủ yếu tăng đối với các loại thiết bị hiện đại như máy ép trái cây, máy xay sinh tố, nồi chiên không dầu, nồi nấu chậm, sức tiêu thụ tăng từ 50-80% trong tháng 3/2020.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe rất được ưa chuộng. Bên cạnh hai sản phẩm luôn cháy hàng là khẩu trang và nước rửa tay khô, vitamin C cũng là một mặt hàng đang được nhiều người lùng mua. Cụ thể, iPrice ghi nhận, từ đầu tháng 3/2020, nhu cầu tìm mua thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C tăng 42% so với tháng 2/2020.
Nguyễn Cẩm