Rất nhiều chương trình
Trên các hội nhóm Facebook dành cho phụ huynh học sinh có rất nhiều bài đăng tìm kiếm, hỏi thăm về các lớp học, trung tâm dạy toán tư duy. Bên cạnh số ít bình luận cho rằng không cần thiết, rất nhiều bình luận khác tán thành việc cho con đi học hoặc giới thiệu nơi học cho người hỏi. Nào là toán tư duy Mỹ, toán tư duy Nhật Bản, toán tư duy tại trung tâm và cả gia sư kèm 1-1 tại nhà.
Cuối tháng Tư, chị Nhung Chi - ngụ quận 3 - đã cho con trai hơn 3 tuổi đi học toán tư duy tại một trung tâm sau khi “làm bài kiểm tra đầu vào”. Mỗi tuần, bé học 2 buổi tối. Bài học được lên kế hoạch sẵn và gửi về qua điện thoại để chị kiểm tra mỗi ngày. Chị cho biết: “Các cô nói rằng chỉ cần trên 3 tuổi, biết nhận mặt số là có thể học được rồi. Bài học có rất nhiều hình ảnh nên con rất thích làm. Con vừa học vừa chơi nên không áp lực gì. Còn 2 tuần nữa là kết thúc khóa đầu tiên, tôi đã đăng ký cho con khóa cao hơn để học tiếp trong hè”.
|
Một học sinh 5 tuổi đang học toán tư duy tại một trường mầm non ở quận 8, TPHCM - Ảnh: S.V. |
Anh Hoàng Lâm - ngụ quận Bình Tân - cũng cho biết đã cho con gái 5 tuổi theo học lớp toán tư duy do trường mầm non phối hợp với một trung tâm bên ngoài giảng dạy được hơn nửa tháng. Hiện tại, con đã biết cộng, trừ các phép tính dưới 20. “Tuy nhiên, con bị lẫn lộn giữa những ký hiệu, cách tính của phương pháp toán tư duy và phương pháp toán truyền thống. Đây có thể coi là một “tác dụng phụ”. Tôi không biết khi vào trường học thì giáo viên sẽ dạy con theo phương pháp nào, nhưng trước mắt cứ cho con đi học vì bạn bè con cũng đều đi học hết” - anh nói thêm.
Trong khi đó, anh Nhật Hoàng - ngụ TP Thủ Đức - thì cho biết cháu của anh đã từng đi học toán tư duy vài tháng, nhưng khi vào học ở trường lại thấy không giúp ích được gì nên không học nữa. Vì vậy con anh chuẩn bị vào lớp Một nhưng anh chẳng tha thiết cho con học những lớp này.
Trong vai một phụ huynh tìm lớp học cho con chuẩn bị vào lớp Hai, tôi được nhân viên của một trung tâm dạy toán tư duy có tiếng tại TPHCM tư vấn chương trình học sẽ bám sát theo khung chương trình đào tạo ở trường. Với 9 tuần học, tiền học là hơn 3,2 triệu đồng. Trong 2 tuần đầu tiên, trẻ được ôn lại kiến thức đã học. Những tuần sau đó sẽ học chương trình mới với phương pháp dễ hiểu, không gian vừa học, vừa chơi. “Chương trình giống nhau nhưng cách dạy sẽ khác. Chúng tôi sẽ dạy để trẻ thấy dễ hiểu và không cảm thấy toán khô khan, khó học nữa” - nhân viên này nói.
Phí tiền nếu không phù hợp
Theo tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) - không có sự phân biệt toán tư duy và toán thường. Đã là toán thì phải gắn liền với tư duy và lập luận. Đó chính là 1 trong 5 năng lực toán học cốt lõi mà chương trình giáo dục phổ thông môn toán cần cung cấp cho học sinh (tư duy toán học, mô hình hóa toán học, giải quyết vấn đề, giao tiếp toán học, sử dụng công cụ toán học).
“Nói cách khác, các lớp học ở trường cũng và phải phát triển năng lực tư duy cho học sinh. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khách quan và chủ quan, các tiết học ở trường có thể chưa thực sự hiệu quả, còn máy móc, rập khuôn, thiên về học nhớ cơ học, lặp lại nên chưa đạt được yêu cầu về phát triển năng lực tư duy cho học sinh. Từ cái thiếu đó dẫn đến nhu cầu và xu hướng phụ huynh cho con đi học toán tư duy” - ông nhấn mạnh.
Cũng theo ông, hiệu quả học tập phụ thuộc rất nhiều vào sự chủ động của người học, nếu thích thì học sẽ có kết quả tốt hơn nhiều so với việc bị ép học. Do đó, phụ huynh nên thảo luận trước với con về việc học thêm toán tư duy. Trong quá trình học, phụ huynh phải theo dõi để xem thực sự có hiệu quả không, con có vui không, có tiến bộ không? Nếu thấy người ta học mình cũng đăng ký cho con học rồi bỏ đó thì khả năng cao đó sẽ là một khoản đầu tư lãng phí, thậm chí có hại. Trong quá trình chọn lớp học, phụ huynh cần xem chương trình sẽ dạy những gì, có tập trung vào phát triển tư duy toán học không, hỏi rõ về cách dạy... Số tiết học nên là 2 tiết/tuần. Đồng thời, phụ huynh cần theo dõi quá trình học tập, sự tiến bộ của con và có trao đổi với thầy cô để kịp thời điều chỉnh hay uốn nắn.
Cô Nguyễn Thị Quý Linh - giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám, quận Tân Phú, TPHCM - nhận định: cho con học toán tư duy là nhu cầu của phụ huynh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, vẫn phải tùy theo năng lực của trẻ để đưa ra quyết định. Nếu trẻ có khả năng phân tích độc lập, tiếp thu tốt thì việc học sẽ phát triển tư duy để trẻ vận dụng vào chương trình học. Nhưng đối với trẻ có năng lực bình thường mà phụ huynh cứ muốn đi theo xu hướng thì con sẽ bị đuối, phí tiền.
Theo cô, việc học toán ở trường theo chương trình mới cũng là toán tư duy nhưng chưa chuyên sâu như ở trung tâm. Để phát triển năng lực, phẩm chất cho trẻ, thầy cô đang dạy theo hướng cá nhân hóa, không đánh đồng nên trẻ vẫn phát triển tốt. Do đó, phụ huynh cần trao đổi với giáo viên để biết con có năng lực tới đâu trước khi cho con đi học toán tư duy.
Coi chừng tác dụng ngược Tiến sĩ Trần Nam Dũng nói rõ, học toán nói chung luôn cần có sự chủ động của người học, thầy cô giáo là người tổ chức, hướng dẫn. Cần có thời gian để người học quan sát, thí nghiệm, nhận xét, dự đoán, thử và sai. Vì vậy sẽ tốn nhiều thời gian. Nếu người dạy vội vàng cung cấp kiến thức, công thức, cách làm rồi cho trẻ bắt chước làm theo thì có nhanh và đơn giản. Nhưng đó lại là cách để làm mất đi năng lực tư duy của trẻ. Trẻ sẽ ỷ lại và chỉ làm được những gì chúng đã được dạy, câu trả lời thường xuyên của trẻ sẽ là “cái này con chưa được học”. Tư duy toán học sẽ được hình thành từ từ, không được vội vàng, tránh nhồi nhét. |
Trang Thư