Có nhà riêng nên không về ăn tết, khóc một mình trong đêm 30

17/01/2020 - 18:25

PNO - Đúng là đôi lúc chúng ta phải rời xa những điều thân thuộc, để đến khi lòng quay quắt, dẫu tha thiết đến đâu thì xung quanh mọi thứ đã trở nên im lìm, không còn cách nào cứu vãn; chừng đó, chúng ta mới thực sự hiểu hết giá trị của những điều thân thuộc kia.

Giống như tôi, bao nhiêu lần ao ước được “ăn tết ở một nơi xa”, khi điều đó trở thành hiện thực cũng là lúc phải đối diện với cảm giác bùi ngùi, tiếc nuối. Đầy lên trong lòng lúc đó, là hình ảnh người mẹ quê rất mực đôn hậu mà không thể tay cầm tay, mắt nhìn mắt.  

Cách đây hơn hai năm, nhờ sự giúp sức của bạn bè lẫn vay mượn từ ngân hàng, tôi may mắn mua được một căn hộ nằm trong dự án nhà ở xã hội. Sau bao nhiêu ngày phấp phỏng chờ đợi, cuối năm 2017 tôi được nhận nhà. Một người bạn nói với tôi, ai mua nhà mới thì năm đầu tiên cũng nên ở lại để cúng kiếng, cho căn nhà có hơi người, đỡ quạnh quẽ.

Tôi không phải là người có niềm tin mạnh mẽ vào tâm linh, nhưng vì ý nghĩ dẫu sao căn nhà sẽ gắn bó với mình từ đây; hơn nữa, thực tình là đóng xong ba đợt tiền nhà, trong túi tôi cũng không còn dư dả. Trong khi vé tàu xe ngày tết không rẻ gì. Vậy nên, năm đó tôi quyết định ở lại ăn tết Sài Gòn, với sự háo hức và tò mò. 

Tôi nhớ da diết nồi bánh chưng của mẹ. Ảnh minh hoạ
Tôi nhớ da diết nồi bánh chưng của mẹ. Ảnh minh hoạ

Mẹ tôi là người hay lo, cả nghĩ nên tôi giấu tịt việc mua nhà trả góp, định bụng đến một lúc nào đó, khi mọi thứ ổn định, tôi sẽ báo tin cho mẹ cũng như người thân trong nhà. Những ngày đầu tháng Chạp, khi mẹ gọi điện, hỏi: “Chừng nào về tết đó em?”. (Mẹ vẫn thường gọi tôi là “em”, và tôi cũng xưng với mẹ như vậy suốt từ nhỏ cho đến khi lớn). Tôi nửa đùa nửa thật: “Vé tết đắt lắm mẹ ơi. Năm nay em không về đâu”. Giọng mẹ tôi trở nên nghiêm túc khác thường: “Hay để mẹ bán lợn gửi tiền vào mua vé?”. Hiểu tính mẹ nên lúc đó tôi bèn dùng chiêu “án binh bất động”: “Thôi, có gì tính sau đi mẹ”.

Bẵng đi mấy ngày sau, mẹ tôi lại tiếp tục câu hỏi cũ. Lần này, trong đầu tôi lóe lên một lý do mà mẹ không bắt bẻ được: “Em phải ở lại trực mẹ ơi!”. Quả nhiên, nghe tôi “trình bày” xong, mẹ có vẻ xuôi xuôi, nhưng giọng vẫn đầy hờn trách: “Tết nhất cũng phải về mà ăn tết chứ”.

Xong cuộc điện thoại đó, tôi cứ đinh ninh mẹ đã biết rằng tết này tôi không về. Nào có phải. Đêm giao thừa, khi đứa con trai vừa thắp hương xong thì có điện thoại gọi đến liên tiếp từ mẹ và chị gái. Hai cuộc điện thoại cách nhau chỉ mấy phút, mà cả hai đều sụt sùi, như không tin vào thực tế rằng, đứa con/em út đã không về ăn tết.

Sau một hồi im lặng, như thể đang cố gắng chấp nhận thực tế nghiệt ngã kia, vẫn với giọng sụt sùi như vậy, mẹ hỏi: “Rồi có gì ăn không em?”. Tôi ngồi đối diện với mâm gà cúng, giữa bảng lảng khói hương, cố gắng nói cho mẹ vui: “Có nguyên một con gà cúng, mẹ muốn ăn không để em gửi về”.

Đến bây giờ, tôi không còn nhớ mẹ con đã nói với nhau những gì sau đó, nhưng cảm giác bần thần và lọt thỏm ở Sài Gòn đó có lẽ cả đời này chẳng quên được. Khi cuộc điện thoại vừa dứt, tôi ngồi thụp xuống nhà, lòng mới thực sự ngấm dần cảm giác quạnh vắng. Lúc đó, chẳng hiểu vì sao, tiếng nói cười xôn xao của cha mẹ, của bầy cháu nhỏ vọng lên mồn một. Tôi cũng nhớ lúc chuẩn bị dọn cỗ, những chiếc bát, chiếc đĩa được mẹ lấy từ trong thùng để lau chùi, va vào nhau lanh canh. Tiếng lanh canh đầy reo vui gợi nên sự sum vầy, ấm cúng… 

Con không về tết, mâm cỗ sẽ thiếu một người, tiếng bát đũa xôn xao cũng bớt một nhịp sum vầy. Mẹ của tôi sẽ cảm thấy thế nào khi nhìn vào chỗ trống ấy? Mới nghĩ đến đó thôi, mà tôi thấy lòng se thắt, sự háo hức khi được ăn tết Sài Gòn hôm nào đã tan biến. Và cũng không biết tự khi nào, những giọt nước mắt nóng hổi bất chợt lăn dài trên má. 

Lần đầu tiên ăn tết ở một nơi xa, trong sự trống trải bởi thiếu vắng tình thân, giờ nghĩ lại, tôi thấy nó như một nỗi ám ảnh mà sau này, bằng mọi giá tôi không muốn mình phải trải qua thêm lần nào nữa.

Có thể, mỗi người sẽ có một lựa chọn khác nhau miễn sao phù hợp với hoàn cảnh riêng; nhưng với tôi, được về nhà ăn tết, được nhìn thấy cha mẹ khỏe, thấy bầy cháu nhỏ nói cười râm ran là một hạnh phúc. Nhất là khi, mình đã vắng nhà cả năm trời và cha mẹ tuổi đã cao, thời gian được sống bên con cháu đang dần ngắn lại. Thì khi đó, những chuyến trở về nhà trong dịp tết, dẫu chỉ dăm ba ngày ngắn ngủi, cũng dịu bớt cái khoảng trống ấy cho những người ở lại, và có lẽ, cho cả đứa con xa lâu ngày không về.

Tết rồi, về nhà thôi! 

An Sơn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI