Ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM còn vài nhà giữ nghề chăn trâu, trong đó, nhà bà Trần Thị Đề (56 tuổi) nuôi nhiều nhất. Đàn trâu của bà Đề phải hơn 40 con, cả trâu lẫn nghé. Đô thị hóa, đồng cỏ chăn thả đàn trâu ngày càng thu hẹp nhưng mê trâu quá, bà Đề chưa nỡ “giải tán”.
|
Đàn trâu có hơn 40 con của gia đình bà Đề ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM |
Ngồi trên bờ kênh, gió mùa tết cứ thông thốc, tạt vào vai, đánh rối tóc, bà Đề mặc kệ, mắt cứ mãi dán về phía đàn trâu đang thủng thẳng gặm cỏ.
Bà thường chăn trâu ở cánh đồng gần nhà nhưng mới đây, chủ đất vừa cho người khác thuê trồng thuốc lá. Vậy nên, bà phải lùa trâu băng kênh, sang đồng khác gặm cỏ.
|
6g sáng mỗi ngày, bà Đề lùa trâu ra đồng đến tối mịt mới trở về |
Buổi sáng, bà lùa trâu ra đồng, căn dặn thằng Tý, cháu trai của bà trông chừng mấy tiếng cho bà vào nhà lo cơm nước. Quét tước nhà cửa, nấu cơm mang theo, bà Đề lại băng đồng sang ngồi với bầy trâu. Bà Đề biết cưỡi trâu mà không biết chạy xe. Cho nên, bà chỉ biết băng đồng với đôi chân trần không dép guốc.
Bám những ngón chân đen đúa, đủ vết cỏ cứa vào đất, bà Đề đứng dậy, phóng tầm mắt ra giữa mênh mông đồng cỏ. Đàn trâu hơn 40 con thấy bà đứng lên cũng ngóng về chờ tín hiệu. Bà ngồi xuống, bầy trâu lại ngoan ngoãn gặm cỏ.
|
Bà gọi tên từng con trâu với những cái tên chung như: Chảng, Quáo, Đực, Cái... |
Bà tâm tình về bầy trâu như thể nói về những đứa con. Bà đặt những cái tên chung chung cho “đàn con” hơn 40 đứa. Con trâu cái lớn tuổi nhất, đảm nhận trách nhiệm đầu đàn, có cặp sừng to tổ chảng, bà gọi nó là Chảng. Những con trâu đực mới “thành niên” bà gọi Đực, Quáo. Mấy con trâu cái "nõn nà" hoặc đứng trân người cho nghé con bú, bà cưng nựng gọi là Cái.
Nhìn Chảng đang cho con bú, bà cười rồi nói lớn: “Nhìn thấy cưng không? Đẻ đứa con chút xíu hồi tháng 5 mà nay nuôi được chừng này rồi”.
|
Chăn hơn 40 con, bà Đề vẫn nắm rõ tính từng con trong đàn |
Chăn một lúc hơn 40 con trâu, bà Đề lại nói dễ ợt, chỉ cần một con tìm được trảng cỏ ngon rồi đứng ăn thì cả đàn sẽ kéo đến. Hết cỏ, một con dợm chân bước đi thì mấy con khác cũng nối đuôi. Bà không muốn bầy trâu đi hướng nào thì cứ đứng chắn ngay chỗ đó. Tụi nó ngước lên thấy bà thì sẽ không dám đi mà quay đầu tiến về hướng khác.
Chỉ cần bà Đề ra hiệu cho con Chảng đầu đàn băng sông thì cả đàn lũ lượt theo sau. “Con Chảng coi bộ hiền vậy chứ mà mình đi lom khom, nó tưởng mình bắt con, nó dí mình chạy thở không kịp”, bà Đề "bật mí".
|
Bà Đề nói chăn trâu rất thảnh thơi và vui vẻ |
Từng cưỡi trâu băng đồng, lội nước, bà Đề cũng đúc kết nhiều kinh nghiệm để công việc chăn trâu nhàn hạ hơn. Hiểu tính khí của từng con, bà lại càng dễ trị, không phải đuổi đánh, hò hét.
Thấy con Quáo đi ăn hơi xa, bà Đề chỉ cần kêu: “Quáo, mày đi đâu, mày quanh lại chưa?”. Con Quáo nghe tiếng chủ liền ngẩng lên nhìn, rồi tự giác đi về hướng có tiếng gọi quen thuộc.
Con nào lì, bà Đề cũng chỉ cần phát cây vào đùi vài bận thì nó tự động ngoan ngoãn. Bà tự hào đàn trâu của mình rất "đoàn kết" và "tuân thủ kỷ luật".
|
Bà Đề ít khi dùng roi để "dạy dỗ" đàn trâu |
Chăn trâu từ thuở 14 tuổi, bà Đề biết tập tính ăn uống, sinh nở của con vật đứng đầu cơ nghiệp. “Tháng tết, cỏ nhiều, tụi nó ỷ y không chịu ăn nhiều, con nào con nấy ốm lòi xương. Tới tháng khô, cỏ cháy hết mà tụi nó lại mập. Biết tại sao không? Không có cỏ nên nó ráng cạp, cạp lòi cả đất, rồi xuống ao uống nước thiệt nhiều. Nó mập nước đó”, bà Đề thích thú chia sẻ.
Trời nắng đứng bóng, bầy trâu lại xuống ngâm bùn. Bà Đề cũng tranh thủ ăn vội miếng cơm mang theo, mắc võng vào cây ven ruộng mà ngủ.
|
Ngày ngày bà Đề đưa đàn trâu ra đồng |
Tuổi mười mấy của bà khó nhọc nhưng êm đềm và hồn nhiên bên con trâu, đồng áng. Cha của bà Đề theo cách mạng, bị địch cầm tù ở Côn Đảo. Hai mẹ con bà sống nhờ con trâu cái của nhà nội chia phần. Bà biết cày ruộng bằng trâu, ở ngoài đồng nhiều hơn ở nhà.
Đến khi con trâu đầu tiên chết già, nhà bà Đề cũng ngót nghét có hơn chục con. Khi nhà nhà chuyển sang cày ruộng bằng máy, bà Đề chuyển sang nuôi trâu bán thịt. “Nuôi nó thì phải bán nó, chứ biết làm sao. Không bán nó tiền đâu mà xài, hết tiền bán 2 con… Nếu không bán, đàn trâu nhà tôi đã hơn 100 con. Năm nào cũng phải bán hơn 10 con. Chắc tôi cũng nuôi vài năm nữa là giải tán, chứ không còn ruộng, không còn cỏ nữa. Ai cũng kêu tôi bán hết đi. Kệ, trời thương xưa giờ sống nhờ nó, nuôi tới đâu hay tới đó”, bà Đề tâm sự.
|
Kẹt quá phải bán trâu, bà cũng quặn lòng khi thấy tụi nó không chịu lên xe, 2 chân cứ chỏi lại, rồi rống lên thảm thiết |
Sáng tinh sương, bà Đề lùa trâu ra đồng, chiều tối bà lại lùa trâu về. 6g chiều, trâu về tràn hết ra sân nhà, chỉ chừng 10 con nằm chuồng. Bà Đề thắp đèn sáng choang cả sân, rồi ngồi ở chiếc bàn trước hiên ngắm đàn trâu như nhìn con mọn.
Nếu không có việc phải bán đi, con trâu nào cũng sống với bà Đề đến khi rụng răng, đẻ được hơn chục con nghé.
“Thương lắm chứ, mình đi đâu về, nó cũng ngóng. Chiều về, mình đứng cột dây mà hết con này đến con kia rúc mũi vào ngửi. Nhiều lúc phải nạt “mày đứng yên cho tao cột cái coi”. 3g sáng, tụi nó mới chợp mắt xíu, chứ cứ nằm nhai đi nhai lại cả đêm, sẵn tiện canh nhà”, bà Đề chia sẻ.
|
Nụ cười hồn hậu của người phụ nữ xấp xỉ 60 tuổi, làm nghề chăn trâu |
Cả nhà bà Đề, chỉ có bà là chăn trâu miệt mài và yêu nghề đến lạ. Chị của bà chăn cũng vài năm thì đi lấy chồng. Em trai bà theo trâu được vài năm cũng chán, bỏ trâu đi làm thợ hồ. Chỉ có bà Đề, chăn trâu trở thành cái nghiệp, yêu thương và tận tụy.
Bà Đề được 22 tuổi thì mẹ của bà qua đời. Bà chọn ở vậy cho đến giờ. Nhiều người thương bà, xin cưới hỏi nhưng cũng không tới đâu. Tới hơn 30 tuổi, bà Đề cũng tính có chồng mà có chồng rồi bỏ bầy trâu và cha cho ai nên lại thôi.
|
Qua tuổi mộng mơ, bà chí thú làm ăn với đàn trâu để nuôi cha già và những đứa cháu dại |
Bà đi chăn trâu giữa đồng cũng có lắm anh lội ruộng, đi theo chọc ghẹo. Bà chỉ bẽn lẽn nói: “Còn trẻ trung gì nữa đâu mà chọc ghẹo”. Cứ vậy, những người đàn ông ấy lần lượt đi lấy vợ, còn bà mải miết bám đuôi trâu.
Lâm Ngọc