Có người nhiễm cùng lúc 2 biến thể virus

11/07/2021 - 10:03

PNO - Trang mạng Bloomberg hôm 10/7 đưa tin các nhà nghiên cứu Bỉ phát hiện một phụ nữ 90 tuổi đã tử vong sau khi bị nhiễm hai biến thể SARS-CoV-2 là Alpha và Beta.

Các nhà nghiên cứu Bỉ phát hiện một cụ bà 90 tuổi đã tử vong sau khi bị nhiễm hai biến thể SARS-CoV-2 khác nhau - Ảnh: Bloomberg
Các nhà nghiên cứu Bỉ phát hiện một cụ bà 90 tuổi đã tử vong sau khi bị nhiễm hai biến thể SARS-CoV-2 - Ảnh: Bloomberg

Các nhà khoa học Bỉ phát hiện bệnh nhân đã nhiễm biến thể Alpha, xuất hiện lần đầu ở Anh, và biến thể Beta, lần đầu tiên được tìm thấy ở Nam Phi. Nguyên nhân được cho là từ các nguồn lây khác nhau, theo một báo cáo được công bố hôm 10/7 và được trình bày tại Đại hội Vi sinh vật lâm sàng và bệnh truyền nhiễm châu Âu.

Nữ bệnh nhân này nhập viện hồi tháng 3/2021 sau vài lần bị té ngã, và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 trong cùng ngày. Cụ bà sống một mình, được điều dưỡng chăm sóc tại nhà và chưa tiêm chủng vắc xin. Các triệu chứng về hô hấp của bệnh nhân nhanh chóng có diễn biến tồi tệ và bà cụ qua đời sau đó 5 ngày.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể nói liệu việc đồng nhiễm hai biến thể virus trên có phải là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh xấu đi nhanh chóng hay không.

Tháng 1/2021, các nhà khoa học Brazil đã báo cáo hai trường hợp “đồng nhiễm” SARS-CoV-2, nhưng nghiên cứu của họ vẫn chưa được công bố trên tạp chí khoa học. Trước đây, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm thấy bằng chứng về việc một số người bị nhiễm nhiều chủng virus cúm, các trường hợp cho thấy “đồng nhiễm” có thể phổ biến hơn so với quan niệm hiện tại.

Anne Vankeerberghen, tác giả chính của nghiên cứu và là một chuyên gia sinh học phân tử tại Bệnh viện OLV ở Aalst, Bỉ, cho biết: “Sự xuất hiện hiện tượng này trên toàn cầu có thể bị đánh giá thấp do việc xét nghiệm các biến thể cần quan tâm còn hạn chế và thiếu một cách thức đơn giản để nhận diện “đồng nhiễm” bằng giải trình tuần tự toàn bộ bộ gen”.

Bà cũng nhấn mạnh, “cần phải cảnh giác với các ca bệnh “đồng nhiễm” biến thể virus.

Những trường hợp như vậy cũng đặt ra câu hỏi về việc vắc xin có thể bảo vệ được bệnh nhân COVID-19 đến đâu, khi biến thể Delta của SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh chóng ở nhiều nơi trên thế giới.

Nhiều quốc gia đang cân nhắc có nên tiêm chủng nhắc lại vào mùa đông này để đề phòng việc vắc xin COVID-19 giảm tác dụng hay không.

Đến nay, các nhà khoa học về cơ bản đã thống nhất với nhận định biến thể Delta không chỉ siêu lây nhiễm mà còn phát triển rất nhanh trong người bệnh nhân.

Các chữ số trong hình đồ họa này cho thấy các vị trí đột biến chính của biến thể Delta, được coi là phiên bản dễ lây lan nhất của SARS-CoV-2. Trên hình, protein tăng đột biến của virus (màu đỏ) móc nối vào một thụ thể trên tế bào người (xanh lam) - Ảnh:  Juan Gaertner/ Science Source
Các ký hiệu trong hình đồ họa này cho thấy các vị trí đột biến chính của biến thể Delta, được coi là "phiên bản" dễ lây lan nhất của SARS-CoV-2. Trên hình, protein tăng đột biến của virus (màu đỏ) móc nối vào một thụ thể trên tế bào người (xanh lam) - Ảnh: Juan Gaertner/ Science Source

Theo Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), sau nhiều tháng thu thập dữ liệu, các nhà khoa học đi đến thống nhất rằng biến thể Delta dễ lây nhiễm nhất, nó lây lan nhanh hơn khoảng 225% so với "phiên bản gốc" SARS-CoV-2 và hiện thống trị đợt bùng phát bệnh dịch mới ở Mỹ.

Một nghiên cứu mới, được công bố trực tuyến hôm 7/7, đã làm sáng tỏ lý do của điều này. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết biến thể Delta phát triển nhanh hơn trong đường hô hấp của con người và lên đến mức cao hơn nhiều. Trung bình, những người bị nhiễm biến thể Delta có số lượng "bản sao virus" trong đường hô hấp nhiều hơn khoảng 1.000 lần so với những người bị nhiễm dòng virus ban đầu, nghiên cứu cho biết.

Nếu một người bị lây nhiễm biến thể Delta thì có thể bị nhiễm bệnh nhanh hơn. Trung bình, mất khoảng 4 ngày để biến thể Delta đạt đến mức có thể phát hiện được bên trong một người, so với 6 ngày đối với virus SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cách ly 14 ngày ngay sau khi tiếp xúc với người được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19, như khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).

Nhưng tốt hơn nữa là tiêm phòng đầy đủ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy ở một số bang của Mỹ, 99,5% số ca tử vong do COVID-19 trong vài tháng qua được ghi nhận ở những người không tiêm chủng, theo tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC.

Tô Châu (theo Bloomberg, NPR)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI