Quê chị Hòa ở Bắc Giang, cách Huế hơn 700 kilômet. Nếu đi ô tô mất gần một ngày, đi máy bay thì nhanh hơn, nhưng chỉ nhẩm vậy thôi, chứ 18 năm nay, chị đã không về quê ăn tết.
Chị nhớ quê lắm, nhưng cha mẹ chẳng còn, vả lại quê hương với chị còn là những kí ức buồn.
30 tuổi, chị Hòa thương một người. Anh là công nhân từ nơi khác tới làm đường gần nhà. Trót trao thân nên chị Hòa mang bầu, nhưng người kia chối bỏ trách nhiệm và bỏ đi...
|
Ảnh minh họa |
Mẹ khóc cạn nước mắt, cha quyết từ con, anh chị em chì chiết: “Nhà này không có người chửa hoang”.
Chị nghén nặng, đến bữa cơm không thể nuốt nổi. Bụng thì đói mà cứ ăn vào lại ói. Mẹ gọi chị ra sau hè khóc lóc: “Cha mày gia trưởng, ông không đời nào chấp nhận đứa cháu không cha. Hay là giải quyết đi con ạ”.
Tủi nhục, điều tiếng, là những điều chị đã chuẩn bị tâm lý, nhưng “giải quyết” thì chị chưa từng nghĩ, không bao giờ nghĩ. Nhà có bốn anh chị em, đứa út cũng đã lập gia đình, chị thì quá lứa. Không biết duyên số chị như vậy, hay tại cái môi sứt mà chẳng người đàn ông nào tìm đến.
“Đã không chồng thì nhất quyết phải có con, bằng mọi giá phải giữ lấy con”, nghĩ và làm, chị Hòa lén lấy mấy bộ đồ cũ cùng 200 ngàn đồng tích cóp được, lặng lẽ đi bộ ra quốc lộ.
Lúc đầu chị định lên Tuyên Quang, vì chị có người quen trên ấy. Nhưng đợi mãi chẳng thấy xe lên mạn ngược, lại thấy chiếc xe chạy hướng vào Nam, thế là chị vẫy.
Xe dừng, chị lên xe mà chưa biết sẽ đến nơi nào. Nghĩ đến cảnh người thân đọc lá thư chị để lại, rồi chị lại nhìn xuống bụng, chị nhủ thầm: “Mẹ cũng chẳng biết mẹ con mình đang đi đâu. Nhưng mẹ phải đi để còn sinh ra con..”.
Xe dừng ở Huế để khách nghỉ ăn cơm, bà chủ quán cơm khệ nệ bưng chồng chén bát ra cho khách. Thấy bà một mình phục vụ, chị Hòa tới phụ một tay. Khi được hỏi ăn gì, chị Hòa lắc đầu.
Biết người phụ nữ nói tiếng Bắc chỉ còn có 40 ngàn trong túi, chủ quán mời chị ăn đĩa cơm miễn phí và ngỏ lời chị có thể ở lại giúp bà nếu chưa biết đi đâu.
Số phận gắn người mẹ đơn thân 30 tuổi với đất Huế từ đó. Chị chuyển dạ nhưng không biết đau. Đứa con gái ra đời tại vòi nước, khi chồng chén bát mới rửa xong. Có lẽ trời thương, bé Hoài Hương ăn và ngủ ngoan, lành như cục đất, thả chỗ nào cũng ngủ được, ăn cái gì cũng không chê.
Làm việc cho bà chủ quán cơm tốt bụng được hai năm thì chị Hòa hết việc. Quán đóng cửa, chị được giới thiệu giúp việc một gia đình khác.
18 năm, đi giúp việc qua sáu nhà. Có nhà thuê ngắn hạn, nhà thì không có chỗ cho hai mẹ con ở cùng. Chị rất cần tiền, vì con bước vào tuổi ăn tuổi học, nhưng nơi nào mẹ con ở được với nhau chị Hoài mới nhận việc.
Mẹ con chị đã quá quen cảnh nay ở chỗ này, mai chỗ kia. Điều chị lo lắng nhất là xin trường học cho Hoài Hương. Tứ cố vô thân như chị, đâu dễ xin cho con học trường công, mà trường tư thì quá sức.
Để Hoài Hương được vào trường công, chị Hoà chấp nhận làm việc không công cho một đôi vợ chồng già. Có như vậy, họ mới cho mẹ con chị nhập ké vào hộ khẩu. Cụ bà thì thương hai mẹ con, nhưng cụ ông thì khắt khe, kỹ tính.
Ở mãi cũng thành thân, vì thật thà chăm chỉ, chị đã được cụ ông tin tưởng. Họ coi mẹ con chị như con cháu trong nhà. Mỗi tháng, ngoài ăn uống sinh hoạt chung với gia đình, cụ bà trả thêm cho chị 2 triệu đồng để bé Hương có tiền đóng học phí.
|
Quê hương trong chị xa vời vợi (Ảnh minh họa) |
Niềm an ủi nhất với người đàn bà đã gần 50 tuổi là con cô gái chăm ngoan. Suốt 18 năm mặc đồ thừa, 12 năm đi học dùng lại sách vở cũ, Hoài Hương chưa bao giờ đòi hỏi mẹ Hòa bất cứ điều gì. Nhưng thỉnh thoảng nghe con nói “sao mình không về quê hả mẹ”, chị lại quặn lòng.
Hai chữ "quê hương" với chị nghe vời vợi. Khi chị sinh con được 1 tháng thì hay tin mẹ mất. Về sao được lúc bức bí ấy, chị Hòa chỉ biết cầu khấn mẹ tha lỗi cho mình mà ra đi thanh thản.
Rồi đến lượt bố, ông mất gần nửa năm, người làng mới cho chị thông tin. Có lẽ anh chị em cũng không nghĩ đến chị nữa, nên chẳng ai nhắn tin vào. Chị Hoài chỉ biết ôm con ngồi khóc.
Đã nhiều lần, chị có ý định về thăm quê, nhưng lại nghe đất đai ở quê mấy người anh em đã tranh giành nhau chia hết cả. Chị cũng là con mà không có phần đã đành, đến chỗ hương hỏa của cha mẹ cũng không được yên, nên gửi tro cốt trên chùa.
Con gái chị hay thắc mắc “vì sao mẹ hay khóc về đêm”. Có lẽ Hoài Hương chưa thể nào hiểu được cảm giác không gia đình, không nhà cửa của một người đàn bà tuổi xế chiều. Chị còn theo con được bao lâu nữa khi bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng trở nặng, huyết áp lại thất thường?
Tết với mọi người là sum vầy sắm sửa đoàn viên, tết với mẹ con chị chẳng khác gì ngày thường. Hoài Hương không chịu đi chợ để mẹ mua cho đồ mới, bởi lý do “mẹ không có cái áo quần nào mới cả, con mặc đẹp vào cũng chẳng để làm gì”. Nghe con nói, chị nuốt nước mắt vào trong...
Người ta háo hức tết, chị nghe tết là buồn. Tết chỉ khiến người đàn bà không chồng, không thân thích thêm khắc khoải nơi đất khách. Cái tên Hoài Hương chị đặt cho con đã chất chứa những nỗi niềm...
Lâm Hoàng
(Viết tặng chị H. ở Huế)