Có ngọn lửa được truyền qua bao thế hệ

01/02/2022 - 06:16

PNO - Ngọn lửa bếp là linh hồn của mỗi mái nhà, mỗi vùng đất… Và hình ảnh người mẹ, người vợ cũng vì thế trở thành linh hồn của mỗi gia đình, người tạo nên sự ấm áp của tổ ấm.

Một buổi sáng, khi tỉnh giấc, tôi nghe tiếng mỡ sôi xèo xèo và mùi hành phi thơm ngào ngạt bay vào tận phòng ngủ. Một cảm giác ấm áp và hạnh phúc kỳ lạ, như từ ngàn xưa dội về. Cảm giác lâng lâng khó tả khi nghe âm thanh, mùi vị từ bếp núc. Gắn với mùi vị đó là hình ảnh mẹ tôi - người luôn dậy sớm chế biến đồ ăn sáng cho cả nhà - thấp thoáng dưới gian bếp đầu hồi. 

Dù là chái bếp đầu hồi thuở xa xưa hay khu bếp hiện đại ngày nay, tôi tin nó vẫn giữ vai trò là trung tâm của tổ ấm (Ảnh: Shutterstock
Dù là chái bếp đầu hồi thuở xa xưa hay khu bếp hiện đại ngày nay, nó vẫn giữ vai trò là trung tâm của tổ ấm (Ảnh: Shutterstock)

Món ăn sáng thường rất đơn giản, thuở bao cấp, thường là cơm nguội rang (chiên) lại hoặc canh cà chua hành mỡ với mì sợi chần (trụng) nước sôi. Mì sợi thời ấy dùng để độn cơm, được chế tác bởi các xưởng mì gia công của tư nhân, tôi còn nhớ, nó khá hôi và trộn nhiều bột nở, trước khi ăn phải chần kỹ, rồi chan nước dùng. Chỉ có hành mỡ cà chua bột ngọt nhưng ăn rất ngon. Thời đó ăn gì cũng ngon.

Sau khi chế biến xong món ăn, mẹ tôi sẽ gọi: “Bố nó với mấy đứa dậy chưa, chuẩn bị ăn sáng còn đi học”. Và mấy bố con tôi sẽ ào ra bể nước, đánh răng rửa mặt, rồi cả nhà xúm xít ăn sáng để sau đó bố mẹ tôi đi làm, còn chúng tôi đi học.
Lúc này, mùi thơm bếp núc đánh thức ký ức của tôi, từ khu bếp hiện đại trị giá ngót 50 triệu đồng, trong căn hộ chung cư cũng hiện đại và ở đó không phải mẹ tôi mà là vợ tôi. Khu bếp sang trọng, đắt tiền nhưng hầu như quanh năm nguội lạnh, bỗng hôm nay bừng lên cái cảm giác ấm áp, nồng nàn của quá khứ thời xa vắng…

Dù là chái bếp đầu hồi thuở xa xưa hay khu bếp hiện đại ngày nay, tôi tin nó vẫn giữ vai trò là trung tâm của tổ ấm theo mọi nghĩa. Bếp phải nóng mới ấm và cái sự ấm áp đó lan tỏa như mối dây liên kết tinh thần của các thành viên trong 
gia đình.

Ai cũng đầy ắp những kỷ niệm rưng rưng với bếp gia đình (Ảnh minh họa)
Ai cũng đầy ắp những kỷ niệm rưng rưng với bếp gia đình (Ảnh minh họa)


***
Triết gia hiện đại nổi tiếng người Đức - Martin Heidegger - đã viết trong tác phẩm nào đó của ông rằng, “Tồn tại là mở ra cõi sống”, rằng khác với các sự vật tồn tại khác như cỏ cây hoa lá hay động vật nói chung, chúng chỉ tồn tại thuần túy, có đó mà thôi, riêng “tồn tại người” là “mở ra cõi sống”, nghĩa là người xuất hiện cùng lúc với sự hoạt động để tạo ra thế giới của mình. Thế giới ấy bao gồm thế giới vật chất và tinh thần.

Tôi tin rằng, việc đầu tiên con người làm để tạo ra thế giới của mình là ngôi nhà và trung tâm của ngôi nhà, dù có thể nó chiếm phần rất bé, là khu bếp. Chính khu bếp sẽ duy trì cuộc sống của các thành viên trong nhà và khu bếp cũng tạo ra thế giới tinh thần, thế giới tâm linh của cả gia đình.

Ta không thể hình dung bầy người nguyên thủy sinh hoạt ra sao, liên kết với nhau thế nào, bàn cách đi săn, hái lượm và thậm chí sáng tạo nên nghệ thuật nguyên thủy… của họ kiểu gì nếu họ không quây quần bên bếp lửa mỗi tối, trong hang. Ở đó, bên đống lửa xua đi bóng tối và bầy thú dữ, họ nướng thức ăn, chia khẩu phần, rồi bàn bạc kế hoạch săn bắt ngày mai, rồi cao hứng lên họ sẽ nhảy múa, ca hát và trao nhau sự yêu đương… Tất tần tật tạo nên “cõi sống” của họ đều bắt đầu từ đống lửa, là khu bếp đầu tiên của loài người.

Chính từ bếp lửa, con người liên kết với nhau theo từng gia đình, từng bộ tộc và bộ lạc rồi mở rộng thành dân tộc, thành quốc gia. Tình cảm sinh ra và nối kết từ đó và cũng từ đó xuất hiện những cảm xúc thiêng liêng, vượt lên mặt đất, hướng tới thần linh. Những thần bếp, thần lửa... trong các câu chuyện thần thoại cổ xưa của nhiều dân tộc trên trái đất đều là những vị thần quyền năng, duy trì sự tồn tại của bộ tộc, của giống nòi…

Nếu không có bếp lửa toả hạnh phúc ấm nồng, nhà có còn là nhà? (Ảnh minh họa)
Nếu không có bếp lửa toả hạnh phúc ấm nồng, nhà có còn là nhà? (Ảnh minh họa)

***
Thời hiện đại, khi thành thị còn chưa phát triển, hình ảnh tượng trưng cho cảnh làng quê, hình ảnh đẹp luôn được nhắc đi nhắc lại trong nghệ thuật thi ca và văn học, trong hội họa và nhiếp ảnh, chính là hình ảnh “khói lam chiều”, khói bếp. Khói bếp đã làm nên vẻ đẹp của làng quê.

Cứ tưởng tượng người viễn khách nửa đời bôn tẩu giang hồ, một chiều về lại quê xưa, từ xa nhìn những mái nhà nơi xóm làng thân yêu nguội lạnh không một vệt khói, người đó sẽ cảm thấy gì? Một cảm giác sợ hãi sẽ bùng lên. Phải chăng có điều gì đã xảy ra khiến cả vùng quê lặng ngắt? Nhất định phải có “khói lam chiều” bảng lảng mới gợi nên sức sống quê hương. Nó không chỉ là hình ảnh, nó là linh hồn của một vùng đất. Nó là ngọn lửa của sức sống.

Căn bếp nơi làng quê của mỗi chúng ta luôn có ngọn lửa như vậy được truyền qua bao thế hệ. Ngọn lửa âm ỉ cháy suốt đêm dài với gộc củi, đống vỏ trấu. Và mỗi sáng mai, khi ngọn lửa ấy được mẹ thổi bùng lên, một làn khói xanh mờ hiện rõ, lọc qua tia nắng lọt từ kẽ liếp, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Cái ngọn khói ấy, bình thường ta khó mà cảm nhận được. Ta đã quen, thờ ơ với nó. Chỉ khi nào đi xa, càng xa thì nó càng hiện lên rõ nét trong tâm trí khiến ta khắc khoải, bồn chồn. Thế là làng quê với căn nhà cha mẹ ta từng lớn lên lại hiển hiện với bao ánh mắt, nụ cười, bao buồn vui lẫn lộn...

Ngọn lửa bếp là linh hồn của mỗi mái nhà, mỗi vùng đất…

Và hình ảnh người mẹ, người vợ cũng vì thế trở thành linh hồn của mỗi gia đình, người tạo nên sự ấm áp của tổ ấm.

Đời sống đô thị hiện đại đã khiến khói bếp chỉ còn trong tiềm thức và dường như nhiều tổ ấm hiện đại cũng không còn là tổ ấm nữa. Xã hội càng văn minh, con người càng trở nên xa cách. Ngay cả những mối dây thiêng liêng ràng buộc gia đình cũng trở nên lỏng lẻo. Người ta dễ kết hôn, ly hôn, lại dễ kết hôn, rồi lại dễ ly hôn…

Dịch COVID-19 đã cho chúng ta những bài học bất ngờ (Ảnh minh họa)
Dịch COVID-19 đã cho chúng ta những bài học bất ngờ (Ảnh minh họa)


***
Trở lại buổi sáng tôi bừng tỉnh với ký ức nồng nàn bếp núc. 

Tôi nhảy bổ khỏi giường, lao vào bếp. Lúc ấy, vợ tôi vẫn mặc đồ ngủ, đang phi hành, xào cà chua nhằm thiết kế món gì đó để cả nhà ăn sáng. Tôi chợt thấy nàng đẹp và đáng yêu đến kỳ lạ. Tôi hỏi, sao không ra quán ăn. Vợ tôi bảo, đang dịch giã, anh quên à?

Tôi giật mình, dịch COVID-19 đang trong giai đoạn căng thẳng thế mà sao tôi lại quên khuấy đi mất. Phải chăng cái không khí ấm áp gia đình này, cái không khí mà cuộc sống hiện đại đã cuốn đi mất từ lâu, lúc này bỗng hiện ra, đã giúp tôi quên nỗi lo lắng của dịch bệnh, quên sự căng thẳng ngoài kia, quên cả những hiểm họa lây nhiễm đang rình rập? Nếu vậy, dịch COVID-19 cũng có vài mặt tích cực của nó và về khía cạnh này, tôi nên cám ơn con vi-rút SARS-CoV-2.

***
Dịch dù căng thẳng đến mấy, khốc liệt đến mấy, dù phải chịu đựng mất mát nặng nề đến mấy, rồi cũng sẽ qua. Tất cả chúng ta sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ mới. Nhịp sống xưa sẽ quay lại, hối hả, nhộn nhịp và chúng ta sẽ lại đối diện với những lo toan mới, thách thức mới…

Và dịch giã cũng để lại cho ta bài học về giá trị cốt lõi, là điều làm nên tinh thần của chúng ta, cõi sống của chúng ta, giúp ta trở nên trường tồn và có sức mạnh vượt qua mọi thách thức.

Đó chính là truyền thống, là quá khứ, là một phần của trái tim chúng ta lúc này mà chúng ta không thể để mất. 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI