edf40wrjww2tblPage:Content
Trường Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5 TP.HCM) không có sân chơi, nên giờ tan học, học sinh phải ra đường đứng đợi phụ huynh
Những sự cố đau lòng
Như mọi ngày, 16g30, chị H. đến trường đón con đang học lớp 1. Đợi mãi không thấy con, chị hoảng hốt tìm hỏi cô giáo thì cô cũng không rõ trò đã về chưa, ai đón… Sau một hồi tìm kiếm, hỏi han, một học sinh (HS) cho biết, thấy cháu T. con chị H. đi với một HS khác. Tìm qua nhiều con hẻm đến nhà bạn cháu T., chị H. thở phào khi gặp lại con.
Tương tự là trường hợp của chị Đ., một PH có con học lớp 3 ở Q.9. Hôm đó, do có việc cơ quan đột xuất nên chị đến trường đón con trễ 30 phút so với bình thường. Không thấy con đứng đợi ở cổng trường như đã hẹn, chị Đ. vội phóng xe về nhà. Không thấy con ở nhà, chị quay ngược lại, xin bảo vệ cho vào trường tìm kiếm. Nhưng bảo vệ khẳng định không còn học trò nào trong trường. Trong lúc đang hốt hoảng, bất ngờ chị nhận được điện thoại của con gái báo “con đang ở nhà”… Chị Đ. đã dùng roi để trút cơn nóng giận lên con. Theo lời thú tội của con chị, cháu được bạn rủ đi uống trà sữa, sau đó về nhà bạn chơi, rồi bạn lấy xe đạp chở về nhà.
Những tình huống khiến các bậc PH và giáo viên (GV) phải thót tim như trên không hiếm. Thậm chí, đã xảy ra nhiều sự việc đau lòng. Trước đó chưa lâu, vào ngày 26/1, cháu Ng. Ng. P. (HS lớp 2, tám tuổi, ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) cũng “mất tích” đầy bí ẩn sau giờ tan lớp. Gần hai tháng sau, người ta phát hiện xác của cháu ở Campuchia. Ngày 17/3, tại Sóc Trăng, một HS lớp 2 bị người quen dụ dỗ đưa ra khỏi trường, lột hết vòng vàng rồi bỏ em bơ vơ. Vậy nên, “việc nhà trường phải quan tâm quản lý HS, đặc biệt vào giờ tan học; PH phải ý thức hơn nữa đến việc đón HS đúng giờ, tránh được cho các em những điều đáng tiếc, là điều thật cần thiết” - cô Nguyễn Thị Kim Ân - Hiệu trưởng Trường TH Trần Bình Trọng (Q.5) khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều PH vẫn ỷ lại, phó mặc trẻ cho nhà trường khi thường xuyên đến đón con rất trễ. “Khi chúng tôi phàn nàn thì PH nói rằng, thầy cô cứ về, để trẻ chờ đâu có sao” - một cô giáo dạy TH cho biết.
Cô Hoàng Minh Phương - Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thái Bình (Q.1) chia sẻ: “Nhiều PH do bận rộn nên để con tự đi về, có người đến đón rất trễ cũng không thông báo cho thầy cô chủ nhiệm biết. Đến khi GV gọi điện thoại, PH mới nhờ người khác đến đón. Đó là chưa kể thông báo nhờ người này nhưng thực tế lại là người khác đến đón, khiến GV gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát an toàn cho trẻ. Có khi GV phải chở các em về nhà giúp PH".
Cô Kim Ân cho rằng, sau giờ tan học, trách nhiệm đối với trẻ thuộc về gia đình. Về phía thầy cô giáo, giờ đó họ cũng phải lo những việc riêng của mình. Họ cũng phải đón con cái ở các trường khác, nên không thể tiếp tục giữ con cho PH. Vậy mà có PH vẫn trách móc rằng sao thầy cô không giữ con cho họ.
Học sinh trường tiểu học Phú Thọ (Q.11) tan học tự đi về, đứng lại mua hàng rong trước cổng trường
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Tại TP.HCM, rất nhiều trường TH đã bố trí giờ giấc và quy trình ra về hợp lý nhằm tránh quá đông đúc, khó kiểm soát trước cổng trường, như: cho các khối lớp tan học cách nhau 15-20 phút; chỉ những HS tự đi xe đạp hoặc PH đã cam kết chịu trách nhiệm mới được tự ra về, còn lại tất cả HS đều phải chờ PH đến đón; riêng HS bán trú thì các cô bảo mẫu sẽ giao trả tận tay PH. Thế nhưng cũng có không ít nơi, sau tiếng trống tan trường, HS tự do túa ra đường như ong vỡ tổ.
15g45, cổng trường TH Phú Thọ (Q.11) mở toang, các quán hàng rong bày bán dọc ngang ngay trước cổng trường. Nhiều HS lập tức sà vào các hàng quán. Cảnh mua bán ngay cổng trường rất nhộn nhịp. Không ít HS tự băng qua đường về nhà, rất nguy hiểm.
Cổng trường TH Huỳnh Mẫn Đạt (Q.5) vào giờ tan học, tình hình cũng tương tự. Trường không có sân chơi nên HS ùa ra trước cổng và đứng dọc theo lòng - lề đường, nhốn nháo chờ người nhà đến đón. Các em đùa giỡn, xô đẩy nhau xuống đường. Một HS lớp 2 cho biết, em tự đi về vì cha mẹ bận buôn bán.
Dù trường nằm ở ngoại thành, nhưng cô Lê Thị Ngọc Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH Trường Thạnh (Q.9) nhìn nhận: “Với cả ngàn HS và PH lúc tan trường, không lấy gì đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nguy cơ HS bị kẻ xấu lợi dụng là có thật. HS lớp 1 thì còn quá nhỏ, khả năng phòng vệ hạn chế; các em khối lớp 5 thì tương đối lớn, nhưng lại ham chơi. Cho nên HS khối lớp nào cũng cần phải quan tâm”. Ở khu vực nội thành, cô Nguyễn Thị Kim Ân thừa nhận, HS theo bạn đi chơi, không về nhà ngay, nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng là có thật.
“Lứa tuổi TH các em thiếu ý thức về sự an toàn cũng như không đủ khả năng tự vệ trước những sự cố có thể xảy ra trên đường đi học về. Do vậy, chúng tôi chỉ mong PH quan tâm đến con cái nhiều hơn” - cô Minh Phương mong mỏi.
Bên cạnh việc bố trí lệch giờ tan học cho từng khối lớp để tránh ùn ứ trước cổng trường nhằm kiểm soát tốt hơn việc đưa đón HS, Trường TH Trần Bình Trọng còn cho PH ký cam kết đón HS đúng giờ; đón trễ, phải báo trước. Nhiều trường TH như Âu Cơ (Q.Tân Phú), Trường Thạnh, Bùi Văn Mới, Nguyễn Văn Bá (Q.9), Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3)… còn gắn truyền hình ở sảnh và mở rộng cửa cho HS ở lại vui chơi, ôn bài ngay trong khuôn viên của trường, có bảo mẫu hoặc bảo vệ giám sát. Các trường TH Âu Cơ (Q.Tân Phú), Lương Định Của (Q.3) còn bố trí cả phòng chờ với bàn ghế, sách báo, ti vi để HS giải khuây trong lúc chờ PH đến đón.
Nhiều PH cũng đã áp dụng cách giúp đỡ nhau qua lại rất hiệu quả trong việc đưa đón con em. Tuy nhiên, quan trọng nhất theo cô Ngọc Hạnh vẫn là phải tăng cường giáo dục để HS biết tự bảo vệ mình trước các tình huống xấu. Theo đó, trường sưu tầm nhiều bài báo viết về các vụ trẻ em mất tích, bị bắt cóc, dụ dỗ, xâm hại… để các em đọc và thầy cô giáo dục cho HS. Ngoài ra, trường cũng phóng to những bài báo trên để dán trên bảng thông báo cho PH đọc nhằm cảnh giác và nâng cao trách nhiệm trong việc đưa đón HS.
MINH NHẬT - TIÊU HÀ
Cha mẹ cần dạy trẻ tính tự lập Ông Nguyễn Thành Nhân, cố vấn cấp cao của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: Không ít phụ huynh lo lắng nhà trường không chu toàn trong chuyện quản học sinh giờ tan trường, trong khi ở Nhật, học sinh tiểu học đã có thể tự đi học bằng tàu điện ngầm cách nhà hàng chục cây số. Trên đường đi, các em phải gặp rất nhiều người nhưng vẫn an toàn. Đơn giản là cha mẹ phải dạy con tính tự lập, không thể ỷ lại; một giáo viên không thể nào quản trẻ từ giờ vào lớp đến cả sau giờ về. Nhà trường, giáo viên không đủ sức để lo như vậy. Với trường hợp nhà gần trường, cha mẹ nên tập cho con tự đi học an toàn. Phụ huynh có thể chọn ngày nghỉ hoặc một vài ngày trong tuần dẫn trẻ đến trường nhưng để trẻ tự đi về. Cha mẹ có thể bí mật đi phía sau để quan sát. Dĩ nhiên, trước đó phải khảo sát về sự an toàn. Cha mẹ cần hướng dẫn con đi trên lề đường, qua đường ở những điểm nào, khi có sự cố thì cầu cứu người xung quanh ra sao. Người lạ muốn bắt trẻ con thì phải có thời gian dụ dỗ chứ không thể bồng bế ngay vì như thế sẽ gặp phản ứng dữ dội của trẻ. Để giúp trẻ tránh sự cố trên đường, chúng ta dạy trẻ phải biết cách từ chối nhận quà của tất cả những người lạ; phải quy ước với trẻ, chỉ có cha mẹ và người thân như ông bà, anh chị… cho đồ ăn, đồ chơi mới được nhận. Khi đi đường phải tránh khu vực có sông nước, vào trung tâm thương mại phải biết tìm chữ “exit” để chạy thoát thân khi có sự cố… Thỉnh thoảng cũng có trường hợp cha mẹ đến đón con trễ do kẹt xe, bận việc đột xuất. Vì vậy, phụ huynh nên căn dặn trẻ trong những trường hợp cha mẹ chưa đón kịp, tuyệt đối không được ra khỏi cổng trường, không được tự ý bỏ về mà không báo với gia đình hoặc người ở trường. Khi đó, các cháu phải chơi ở sân trường, chỉ ở những chỗ đông người; nhờ bảo vệ, bảo mẫu, giáo viên gọi điện thoại cho người nhà đến đón. Bên cạnh đó, cha mẹ cần tập cho con nhớ số điện thoại của cha, mẹ và vài người thân để tiện liên lạc khi cần thiết. |