Có nên xét nghiệm kháng thể sau tiêm vắc xin COVID-19?

20/09/2021 - 07:17

PNO - Dịch vụ xét nghiệm kháng thể cho những người đã tiêm vắc xin COVID-19 đang được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, không cần thiết làm xét nghiệm này bởi không có giá trị.

Rộ dịch vụ xét nghiệm kháng thể COVID-19

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở y tế đang triển khai dịch vụ xét nghiệm kháng thể COVID-19 với phát hiện miễn dịch cơ thể. Theo quảng cáo, việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 có thể đạt được hai mục đích. Thứ nhất, với người nghi ngờ mắc bệnh hoặc từng mắc bệnh COVID-19, xét nghiệm kháng thể kết hợp với lâm sàng và các xét nghiệm khác để chẩn đoán tình trạng bệnh. Thứ hai, với người đã tiêm ngừa vắc xin COVID-19, dịch vụ này giúp đánh giá tình trạng miễn dịch, có đủ để tạo ra lớp “áo giáp” bảo vệ cơ thể khỏi virus SARS-CoV-2 hay không?

Xét nghiệm được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu và tiến hành phân tích tại phòng thí nghiệm. Hiện nay, có hai kỹ thuật xác định kháng thể gồm kỹ thuật vi hạt hóa phát quang (CMIA) và kỹ thuật sắc ký miễn dịch. Trong đó, kỹ thuật CMIA định lượng kháng thể IgG kháng virus SARS-CoV-2 trong huyết thanh và huyết tương trên hệ thống máy xét nghiệm, thời gian thực hiện khoảng một giờ đồng hồ. Kỹ thuật sắc ký miễn dịch là test nhanh, định tính kháng thể trong mẫu máu toàn phần hoặc huyết thanh, huyết tương, kỹ thuật này đơn giản, chỉ cần 30 - 45 phút cho ra kết quả.

 

Dịch vụ xét nghiệm kháng thể đang  nở rộ ở TP.Hà Nội và TP.HCM  (ảnh minh họa)
Dịch vụ xét nghiệm kháng thể đang nở rộ ở TP.Hà Nội và TPHCM (ảnh minh họa)

Trong vai một người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19, chúng tôi được nhân viên tư vấn tại một cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn TPHCM cho hay, đối tượng xét nghiệm kháng thể thường được xét nghiệm sau khi kết thúc mũi hai tối thiểu là ba tuần.

“Không nên xét nghiệm ngay sau khi tiêm bởi cơ thể lúc này chưa sản sinh miễn dịch đầy đủ”, nhân viên tư vấn nói. Ngoài ra, với người từng mắc bệnh, thời gian xét nghiệm kháng thể thường sau 7 - 15 ngày. Sau khi thực hiện, nếu mới có kết quả âm tính, tức là cơ thể chưa có đủ kháng thể SARS-CoV-2 IgG cần thiết trong mẫu máu. Kết quả dương tính có nghĩa cơ thể đã từng nhiễm bệnh hoặc đã có khả năng đáp ứng miễn dịch sau tiêm ngừa. Giá của dịch vụ xét nghiệm này là hơn 400.000 đồng nếu khách hàng thực hiện tại bệnh viện và khoảng trên 1 triệu đồng nếu lấy mẫu tại nhà, phụ thuộc vào địa bàn sinh sống. 

Tương tự, tại một phòng khám ở TP.Hà Nội, dịch vụ xét nghiệm kháng thể được giới thiệu có độ nhạy lên tới 98,8%, độ đặc hiệu phân tích 100%, không phản ứng chéo với các loại virus corona khác. Thời điểm thích hợp để làm xét nghiệm định lượng kháng thể sau tiêm vắc xin COVID-19: khoảng 28 ngày sau tiêm mũi một và từ 14 - 28 ngày đối với người sau tiêm mũi hai. Chi phí cho một lần xét nghiệm kháng thể là 500.000 đồng.

Không có ý nghĩa với người tiêm vắc xin COVID-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1), cho hay trong rất nhiều nghiên cứu, lấy máu xét nghiệm nhằm chẩn đoán người đang hoặc từng mắc bệnh, cụ thể như với bệnh sốt xuất huyết, viêm não nhật bản, thương hàn… và với COVID-19 cũng như vậy. “Với những F0 đã điều trị, kháng thể này là một trong những biện pháp ý nghĩa để khẳng định họ đã khỏi bệnh, do đó tôi nghĩ tới đây nên áp dụng phương pháp này”, bác sĩ Khanh cũng lưu ý không nên lấy sớm, mà sau bốn tuần, khi lượng kháng thể vọt lên đỉnh cao mới dùng xét nghiệm để tìm kiếm. 

Tuy nhiên, riêng về người tiêm ngừa thì việc lấy xét nghiệm theo bác sĩ Trương Hữu Khanh là không chính xác. “Trong các nghiên cứu, hiện nay, kháng thể trung hóa IgG chỉ đặc hiệu với người mắc bệnh. Do đó, xét nghiệm này không có giá trị trong việc xác định bảo vệ mình khỏi sự tấn công của SARS-CoV-2”. Bác sĩ khuyên, nếu tiêm ngừa rồi thì không nên xét nghiệm, bởi ngay cả khi kết quả thấp thì cơ thể cũng đã có hàng rào nhất định để ngừa biến chứng nặng xảy ra.

Cùng quan điểm trên, tiến sĩ - bác sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế, khẳng định việc xác định miễn dịch cơ thể sau khi tiêm vắc xin là không có ý nghĩa. Vị chuyên gia phân tích, hiện nay có rất nhiều loại test kháng thể khác nhau dẫn tới kết quả có thể không chính xác, có tình trạng dương tính giả hoặc âm tính giả.

Thứ hai, lượng kháng thể sinh ra sau tiêm chủng như thế nào được xem là an toàn, đủ để chống lại virus SARS-CoV-2 thì tới nay, chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra. Bên cạnh đó, sau khi tiêm vắc xin, một số người không sinh ra miễn dịch. Vấn đề này có thể đến từ hai lý do là chất lượng vắc xin hoặc tự cơ thể không sản sinh được miễn dịch. Xét nghiệm kháng thể cũng không thể chỉ ra được nguyên nhân của vấn đề này.

“Ý nghĩa lớn nhất của việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay không phải là bảo vệ tuyệt đối việc mắc bệnh mà làm giảm ca biến chứng nặng và tử vong sau khi mắc bệnh. Do đó, việc xét nghiệm kháng thể cho kết quả dương tính có thể khiến nhiều người lầm tưởng, chủ quan cơ thể có khả năng không nhiễm căn bệnh này. Việc quan trọng nhất vẫn là tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế và tiêm nhắc lại khi có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Y tế”, bác sĩ Dương Hữu Thái nói. 

Test kháng thể ở người đã tiêm vắc xin là không có giá trị 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, xét nghiệm kháng thể không được khuyến khích để xác định một người có miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng hay không. Test kháng thể cũng được khuyến cáo không nên sử dụng để quyết định một người nào đó có đủ điều kiện tiêm vắcxin COVID-19 không.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng có cảnh báo tương tự về vấn đề này. Bởi, nếu kết quả xét nghiệm không chính xác, nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch bùng phát, người xét nghiệm dương tính chủ quan rất cao. “Các xét nghiệm kháng thể có thể quan trọng để xác định ai là người đã tiếp xúc với SARS-CoV-2. Song, nó không được sử dụng để xác định người đó có miễn dịch được với COVID-19 hay không, nhất là với người đã tiêm vắc xin”, một chuyên gia của FDA nói.

Trong khi đó, Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) khẳng định, hầu hết người đã tiêm chủng không cần làm xét nghiệm kháng thể. Bởi test kháng thể được thiết kế để dùng cho những người chưa tiêm vắc xin COVID-19. Hiện nay, chưa có dữ liệu hay nghiên cứu nào về việc sử dụng nó với những người này cũng như ảnh hưởng của vắc xin tới kết quả của xét nghiệm.

Theo GAVI, về bản chất, một người đã tiêm vắc xin COVID-19 có thể xét nghiệm kháng thể cho kết quả âm tính hoặc dương tính. Nếu người đó đã tiêm chủng nhưng không nhiễm nCoV, kết quả có thể là âm tính vì “bộ tìm kiếm” của xét nghiệm không phát hiện kháng thể do vắc-xin mà họ tiêm tạo ra. Hay hiểu đơn giản, loại test mà bạn được sử dụng nhằm tìm ra kháng thể A, nhưng vắc xin COVID-19 mà bạn tiêm giúp tạo ra kháng thể B. Khi xét nghiệm, kết quả âm tính là điều hoàn toàn bình thường. Test kháng thể không thể khẳng định vắc xin đang hoạt động hiệu quả. Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính sau tiêm vắc xin COVID-19 cũng không có nghĩa cơ thể đã được bảo vệ và không mắc bệnh.

Cũng theo nhiều tổ chức y tế trên thế giới, test kháng thể với người đã tiêm vắc xin COVID-19 được xem là lãng phí và không có giá trị khẳng định vì tỷ lệ sai sót kết quả cao. Trên thực tế, một người đã tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Để khẳng định họ có nhiễm SARS-CoV-2 hay không, chúng ta cần xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Đặc biệt, sau khi tiêm chủng, người dân vẫn cần tuân thủ các quy tắc phòng dịch như không đến nơi đông người, không tụ tập, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và ăn chín, uống sôi, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường sức đề kháng.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI