Có nên uống nước dừa khi đi nắng?

27/04/2018 - 11:00

PNO - Mùa nắng nóng, ai cũng có nhu cầu giải nhiệt mà dừa được xem là trái cây “vua” trong giải khát và bổ sung nước

Nước dừa rất được ưa chuộng vì là thức uống giá khá mềm, lại thêm không lo bị tẩm hóa chất độc hại, nhiều chị em còn rỉ tai “uống nước dừa đẹp trong, đẹp ngoài”… Tuy nhiên, theo BS Trần Quốc Cường - Khoa Y học cổ truyền, BV ĐH Y Dược TP.HCM, với một số trường hợp, nước dừa không “lành” như nhiều người nghĩ.

Co nen uong nuoc dua khi di nang?
 

Chị Nguyễn Thanh Hoa, ở Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM đã gửi thư về Phòng mạch miễn phí của báo Phụ Nữ thắc mắc: “Tại sao khi đang đi ngoài nắng nóng, tôi uống xong một trái dừa tươi thì có cảm giác đau quặn bụng như đau dạ dày; khoảng một giờ sau thì đau toàn thân, người ớn lạnh, mệt mỏi, tim đập nhanh và đầu quay quay như trúng gió. Tôi nhờ người quen cạo gió, thấy toàn gió hột, bầm đỏ. Tôi ra hiệu thuốc mua thuốc uống, người bán thuốc cũng bảo tôi bị trúng gió. Mới đây, khi đang khỏe mạnh, tôi cũng uống nước dừa lúc đang đi ngoài nắng lại gặp tình trạng tương tự. Có phải do uống nước dừa khi đi nắng tôi mới bị như vậy?”.

Theo BS Trần Quốc Cường, không hiếm người gặp cảm giác như bị say nắng, trúng gió khi uống nước dừa lúc mệt, lúc đang đi nắng như chị Hoa. Nước dừa tuy rất tốt cho sức khỏe vì có nhiều khoáng chất và điện giải, bù nước rất tốt, nhất là vào mùa nắng nóng; nhưng với những người bị âm hư (dấu hiệu khô môi, da khô, mệt mỏi, đánh trống ngực, tim đập nhanh), khi uống nước dừa sẽ dễ bị nhiễm thấp hàn.

Vì vậy, những người này khi đi ngoài nắng nóng có thể bị say nắng, trúng nắng (trúng thử), uống thêm nước dừa (nhiễm thấp hàn) nên dễ rối loạn chức năng bình thường của cơ thể, gây ra các triệu chứng: ớn lạnh, đầy bụng, sốt hâm hấp hoặc sốt cao. 

Có nhiều quan điểm sai lầm trong dân gian đối với việc dùng nước dừa. Nhiều người vẫn truyền miệng, bà bầu uống nước dừa rất tốt cho sức khỏe, vì vừa giúp nước ối sạch, không bị cạn, vừa giúp con sau này sinh ra trắng trẻo, xinh đẹp; nên không ít bà bầu xem nước dừa như “thần dược”, một ngày uống ba-bốn trái.

Trong khi đó, theo Đông y, những người mang thai, nhất là ở ba tháng đầu thai kỳ, không nên uống nước dừa, vì nước dừa có tính hàn, có thể gây sẩy thai. Ba tháng giữa và cuối có thể uống, nhưng với lượng vừa phải, không được uống nước dừa thay nước lọc hàng ngày.

Hay với trẻ con, mùa nóng phụ huynh sợ con bị thiếu nước và nóng trong người nên thường cho con uống nước mát, trong đó có nước dừa, mà không biết nước mát và nước dừa gây lợi tiểu, nếu lạm dụng dễ khiến trẻ bị mất nước, rối loạn điện giải, khiến người mệt mỏi, bứt rứt; mất nước nặng có thể dẫn đến hôn mê. Tương tự, người già cũng không được uống nhiều hơn hai trái dừa mỗi ngày, vì có thể dẫn đến tiểu đêm, gây mất ngủ và mệt mỏi. 

Bổ sung nước mùa nóng là việc làm cần thiết, nhưng không nên lạm dụng các loại nước mát, giải nhiệt. Chỉ nên uống nước dừa dưới hai trái/ngày và không uống lúc mệt hay vừa đi ngoài nắng nóng - nhất là với những người bị âm hư.   

 Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI