Không có tác dụng đối với các bệnh viêm ở vị trí sâu
Con trai 3 tuổi hay bị ốm vặt, chị P.T.T.L. (ngụ TPHCM) bèn vào một hội nhóm về chăm sóc trẻ trên mạng xã hội, hỏi cách trị bệnh viêm hô hấp cho con mà không cần uống thuốc. Ngay lập tức, chị nhận được rất nhiều chỉ dẫn. Trong đó, nhiều người bày cách dùng máy sấy tóc, để chế độ nhẹ nhất rồi sấy thẳng vào cổ con 3-5 phút/lần, vài lần/ngày. Sau sấy vào cổ thì nên sấy cả lưng, lòng bàn chân. Có người còn hướng dẫn dùng máy sấy tóc sấy vai gáy cho nạn nhân đột quỵ. Làm như vậy, máu sẽ lưu thông và não được tưới máu trở lại (?).
Các bà mẹ khác khi đọc những lời khuyên này cũng hồ hởi hưởng ứng, cho biết sẽ áp dụng cho con và người thân khi cần. Một chị bày tỏ: “Nếu dùng những phương tiện thông dụng mà chữa được bệnh, cứu được người thì tại sao không thử”. Cứ vậy, cách dùng máy sấy tóc chữa ho cho trẻ, sơ cứu nạn nhân đột quỵ được các bà mẹ viết thành bài hướng dẫn chi tiết, chia sẻ trên mạng với tốc độ chóng mặt.
Vậy lợi hại của phương pháp này như thế nào? Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thanh Hồng An - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết, dùng máy sấy tóc là phương pháp điều trị bằng nhiệt nông (tác động trên bề mặt da và dưới da tối đa 2cm). Cách này cũng tương tự như dùng túi chườm, dùng điếu ngải hơ ấm các huyệt đạo trên da. Cầu kỳ hơn thì là các túi chườm dược liệu quay trong lò vi sóng, túi gel cắm điện… Tóm lại, miễn làm ấm lên được thì nằm trong nhóm phương pháp này và không xa lạ gì với dân gian.
 |
Nhiều bài viết, hướng dẫn dùng máy sấy tóc chữa bệnh đang lan truyền trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình |
Cơ chế tác động là dùng nhiệt nông để làm giãn mao mạch, giúp tăng tuần hoàn máu đi đến ở khu vực đang được làm ấm, tăng dinh dưỡng và chuyển hóa. Nhờ vậy, máu lưu thông dễ dàng sẽ mang đi các chất trung gian gây viêm, gây đau nên giảm đau, giảm viêm mạn tính, điều hòa thần kinh, thư giãn cơ tạo cảm giác dễ chịu. Cảm giác nóng sẽ đi nhanh hơn cảm giác đau. Chính vì vậy, khi làm ấm sẽ phần nào ức chế cơn đau cho bệnh nhân.
Trong y học cổ truyền, rất nhiều bệnh được dùng phương pháp nhiệt để điều trị nhưng được thực hiện bởi người có chuyên môn. Đây là phương pháp dùng nhiệt nóng nên sẽ có nguy cơ như rát, phỏng da. Phương pháp này chống chỉ định với bệnh nhân đang có áp xe, viêm sưng trên vùng da, chấn thương gây sung huyết. Quan trọng, việc sấy không có tác dụng gì với các bệnh viêm ở vị trí sâu như viêm họng, viêm phế quản…
Đối với trẻ nhỏ, để tránh nhiễm lạnh, cha mẹ cần cho trẻ đeo vớ, mặc ấm, che chắn kỹ khi ra đường, giảm máy lạnh sẽ hiệu quả và an toàn hơn. Đối với người đột quỵ, sấy cổ vai gáy sơ cứu không có cơ sở khoa học. Quan trọng nhất là phải chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu trong thời gian vàng.
70% bệnh nhân đột quỵ đến bệnh viện trễ
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, Trưởng đơn vị đột quỵ Bệnh viện Thống Nhất - rất lo ngại về trào lưu này. Bác sĩ Phương Nga cho biết mỗi năm, đơn vị mình tiếp nhận khoảng 900 ca đột quỵ. Hiện tại, đang có 25 trường hợp đột quỵ được điều trị tại bệnh viện. Chỉ có khoảng 30% bệnh nhân được đưa tới kịp trong giờ vàng. Đa số trường hợp đột quỵ bị xử trí sai cách và đưa tới bệnh viện trễ. Điều này xuất phát từ nhận thức của những người xung quanh nạn nhân.
 |
Y học cổ truyền dùng phương pháp nhiệt nông rộng rãi nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ và thực hiện bởi người có chuyên môn - Nguồn ảnh: Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM |
Khi dùng máy sấy tóc sơ cứu thì khó để lại dấu vết, đa phần người thân sẽ giấu vì sợ bị bác sĩ quở trách. Thế nhưng, với những phương pháp dân gian để lại dấu tích trên cơ thể bệnh nhân thì bác sĩ Phương Nga thường xuyên gặp. Cách đây chưa lâu, cụ ông P.V.P. - 80 tuổi, ngụ quận Tân Phú - bị chóng mặt, lơ mơ. Con cái đi làm, ông P. ở nhà với người giúp việc. Thay vì gọi ngay cho các con của cụ, thì người này lại tự xử trí theo cách làm ở quê mình, cắt lể máu ở đầu ngón tay cụ P. Mãi đến chiều, các con của cụ đi làm về mới tá hỏa đưa cụ vào bệnh viện cấp cứu. Hậu quả là bỏ lỡ mất thời gian vàng nên dù cứu được cụ cũng chịu di chứng yếu liệt.
Mới đây, ông T.V.N. - 52 tuổi, ngụ quận Tân Bình - cũng bị chậm trễ thời gian vàng xử trí đột quỵ vì gia đình sơ cứu theo lối dân gian. Khi nạn nhân bị nói đớ, té xuống thì người thân lại ngỡ là bị cảm, đưa đi giác hơi, cạo gió. Mấy tiếng đồng hồ sau, vẫn không thấy ông N. thuyên giảm, gia đình mới đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Phương Nga khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng máy sấy tóc hay bất cứ phương pháp dân gian nào như cắt lể, cạo gió để sơ cứu nạn nhân đột quỵ, vì chẳng có tác dụng gì mà còn bỏ lỡ cơ hội cứu bệnh nhân. Khi xác định người thân bị đột quỵ, phải kiểm tra mạch xem còn thở và có nhịp tim hay không (đặt tay lên ngực, lên mạch). Nếu nạn nhân không có nhịp tim, nhịp thở thì lập tức hà hơi thổi ngạt, xoa bóp ngoài lồng ngực để hồi phục hô hấp và tuần hoàn. Đồng thời gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất. Bệnh nhân hôn mê thì phải đặt nằm nghiêng, làm sạch đàm nhớt để tránh bị sặc vào đường thở.
Thanh Huyền